Nhiều ý kiến trái chiều khi gạo ST25 ngon nhất thế giới "tụt hạng"

11/12/2020 09:50 GMT+7
Cha đẻ gạo ST25 thì cho rằng, đi thi để nhằm củng cố vị thế hạt gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế và quốc nội. Trong khi nhiều chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại thể hiện việc không đồng tình khi đưa gạo ngon nhất thế giới đi thi bị "tụt hạng".
Nhiều ý kiến trái chiều khi gạo ngon nhất thế giới ST25  "tụt hạng" - Ảnh 1.

Gạo ST25 được sản xuất từ giống lúa ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm cộng sự là tiến sĩ Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng và Th.S Nguyễn Thị Thu Hương nghiên cứu, lai tạo vừa giành giải nhì tại cuộc thi gạo ngon thế giới năm 2020 tổ chức tại Mỹ. Trước đó, năm 2019, gạo ST25 đoạt giải nhất tại cuộc thi gạo ngon thế giới tổ chức tại Philippines. Thông tin này đã tạo ra những ý kiến trái chiều trong nhiều ngày qua.

PGS-TS Dương Văn Chín - Nguyên Phó viện trưởng Viện lúa ĐBSCL:

"Gạo ST25 đạt giải nhất rồi thì lo giữ thương hiệu"

Nhiều ý kiến trái chiều khi gạo ngon nhất thế giới ST25  "tụt hạng" - Ảnh 2.

PGS-TS Dương Văn Chín - Nguyên Phó viện trưởng Viện lúa ĐBSCL.

PGS-TS Dương Văn Chín nguyên Phó viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, hiện nay là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành thuộc Tập đoàn Lộc Trời - đơn vị từng đạt top 3 gạo ngon nhất thế giới do The Rice Trader tổ chức cho rằng: "Quan điểm cá nhân tôi là hoàn toàn không đồng ý với cách làm của The Rice Trader. Tức là anh đã đạt giải rồi thì thôi, lùi lại để giữ danh hiệu đó. Bây giờ năm nào The Rice Trader cũng tổ chức, mà trước giờ đã 3 hay 4 lần gạo thơm Hom Mali của Thái Lan đạt giải nhất, rồi gạo Phka Romdoul của Campuchia cũng hai ba lần đạt giải nhất. Năm nay thì gạo Campuchia xuống hạng 3. Nhưng làm như vậy để làm gì?".

PGS-TS Dương Văn Chín phân tích thêm, phân khúc gạo thơm trắng của Việt Nam chưa bằng Thái Lan, Ấn Độ và điều này được thể hiện khi giá gạo Hom Mali của Thái Lan được bán trên 1.000 USD/tấn và gạo Basmati của Ấn Độ có giá đến 1.400 USD/tấn, trong khi Việt Nam không có giống nào bán được với giá cao như thế. Chính vì thế, Việt Nam nên tận dụng danh hiệu gạo ngon nhất thế giới để phát triển, bán với giá 1.000 USD/tấn thì mới ý nghĩa và mang lại giá trị cao cho hạt gạo.

"Quan điểm của tôi là đạt giải nhất rồi thì lo giữ thương hiệu rồi phát triển, nhân giống nguyên chủng, siêu nguyên chủng, vùng nguyên liệu... để gạo thật chất lượng. Tập trung tính trồng ở vùng đất nào cho phù hợp, nơi nào đất không lẫn lúa của giống khác. Ví dụ giống lúa này phù hợp vùng đất mặn, lúa tôm kết hợp thì tập trung làm hàng trăm ngàn ha vùng lúa tôm đi để ít nhất có nửa triệu tấn gạo ST25. Làm thương hiệu, ai mua dưới 1.000 USD thì không bán… Như vậy mới xây dựng thương hiệu gạo thơm trắng của Việt Nam. Hiện nay mình chưa có phân khúc này" - PGS-TS Dương Văn Chín bày tỏ.

GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ:

Không nên đưa gạo ST25 đi thì vì cuộc thi trước đó đã đạt giải nhất

Nhiều ý kiến trái chiều khi gạo ngon nhất thế giới ST25  "tụt hạng" - Ảnh 4.

GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ.

Đồng quan điểm, GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ nêu rõ, đáng nhẽ không nên đưa gạo ST25 đi thì vì cuộc thi trước đó đã đạt giải nhất, không ai mang "Hoa hậu" đi thi lại nếu thi thì cần chọn giống khác có chất lượng ngon, thơm và ngang với gạo ST25. Đây là một quyết định chưa phù hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

"Gạo ST25 mình đã được "Hoa hậu" thì thi lại làm gì, giờ kết quả như vậy thành ra thất bại. Đây là quyết định không phù hợp của Bộ Nông nghiệp" - GS Võ Tòng Xuân cho biết.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao:

Nên tổ chức các chiến dịch để quảng bá thương hiệu gạo ST25 hơn là đi thi

Nhiều ý kiến trái chiều khi gạo ngon nhất thế giới ST25  "tụt hạng" - Ảnh 5.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao.

Nêu quan điểm về việc VFA đưa gạo ST25 đi thi, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, tỏ ra bất ngờ: "Đang là gạo ngon nhất thế giới, ai ép buộc mà đem ST25 đi thi, để giành được danh hiệu... gạo ngon nhì thế giới? Chẳng khác gì cô hoa hậu thế giới bỗng bị ai đó khích tướng hay xúi dại, lại đi thi hoa hậu và đoạt... á hậu. Tôi chưa từng thấy ai làm như vậy".

Cũng theo bà Hạnh, lẽ ra VFA nên tìm cách bảo vệ danh hiệu hạng nhất thế giới của ST25 bằng cách xử lý tất cả gạo giả ST25 trên thị trường, đồng thời tổ chức các chiến dịch để quảng bá càng rộng càng tốt thay vì tiếp tục đi thi để rơi xuống hạng nhì.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T (TP.HCM):

In lại bao bì 'Gạo ngon nhất thế giới 2019' cho gạo ST25 để bán hàng

Nhiều ý kiến trái chiều khi gạo ngon nhất thế giới ST25  "tụt hạng" - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T (TP.HCM).

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T (TP.HCM) cho hay, tháng 11/2019 khi gạo ST đạt giải gạo ngon nhất thế giới tại Philippines, ông đã tìm mua và dùng thử rồi thấy quá ngon và quyết định sẽ đưa loại gạo này sang Mỹ bên cạnh các loại trái cây tươi xuất khẩu lâu nay.

Danh xưng World's Best Rice là một cơ hội cực kỳ lớn để tiếp thị tới người tiêu dùng tại Mỹ, qua đó sẽ tăng sản lượng bán và giá trị hạt gạo Việt Nam.

"Chúng tôi đã có những đơn hàng 5-6 container/tháng vào Mỹ nhưng gặp sự cố 'hạ cấp giải thưởng này' nên đang phải tính toán lại. Người Thái Lan họ rất coi trọng giải thưởng này nên chắc chắn sau khi lấy lại danh hiệu từ Việt Nam, họ sẽ đẩy mạnh marketing, quảng bá tới khách hàng rằng gạo của họ là ngon nhất thế giới. Mình cũng nói ngon nhất thế giới là nảy sinh vấn đề tranh cãi. Trước mắt chúng tôi sẽ phải in lại bao bì để nói rõ 'Gạo ngon nhất thế giới 2019' để bán hàng", ông Tùng cho hay.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch VFA:

Gạo ST25 đi thi để khẳng định gạo Việt Nam đang đứng top hàng đầu thế giới

Nhiều ý kiến trái chiều khi gạo ngon nhất thế giới ST25  "tụt hạng" - Ảnh 7.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch VFA.

Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến không đồng tình với nhiều chuyên gia cũng như các doanh nghiệp về việc đưa gạo ST25 tham dự cuộc thi gạo ngon thế giới năm 2020 tổ chức tại Mỹ và đạt giải nhì, lãnh đạo VFA cho rằng, đi thi không chỉ là nhất, nhì mà ở đây là khẳng định gạo Việt Nam đang đứng top hàng đầu thế giới.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VFA, hiện nay dù muốn hay không vẫn phải thừa nhận gạo Thái Lan là ngon nhất thế giới, giá đắt hơn hẳn gạo Việt Nam nên việc ST25 được giải năm 2019 là một kỳ tích. "Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu là gạo của chúng ta năm thứ 2 thi vẫn tiếp tục cạnh tranh ngang hàng với gạo Thái Lan, chứng tỏ giống gạo thực sự tốt.

Nếu chúng ta được thêm giải nhất lần nữa cũng rất tốt, còn không cũng không phải hối tiếc. Đi thi không chỉ là nhất, nhì mà ở đây là khẳng định gạo Việt Nam đang đứng top hàng đầu thế giới", ông Nam nói và thông tin trước khi đưa ST25 đi thi thì VFA đã tổ chức thi chọn và không có gạo nào chất lượng tốt hơn ST25, nên việc đưa loại gạo này đi thi là đương nhiên. Cũng theo Phó chủ tịch VFA, từ hạng nhất năm 2019 tới hạng nhì năm 2020 cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến thương hiệu gạo ST25, bởi quan trọng nhất là khẳng định được chất lượng giống ổn định.

Ông Hồ Quang Cua - cha đẻ gạo ST25: 

Gạo ST25 sẽ đi thi lúc nào tôi còn sống

Nhiều ý kiến trái chiều khi gạo ngon nhất thế giới ST25  "tụt hạng" - Ảnh 8.

Ông Hồ Quang Cua - cha đẻ gạo ST25.

Nói về vấn đề đang gây tranh cãi đối với sản phẩm của mình, cha đẻ gạo ST25, ông Hồ Quang Cua cho hay, trước giờ Thái Lan hai năm đi thi gạo ngon nhất thế giới chỉ với một giống. Campuchia cũng dự thi với một giống lúa. Phải thi cùng một giống để đạt mục tiêu nằm trong top 3 gạo ngon nhất thế giới, nhằm củng cố cho vị thế hạt gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế và quốc nội.

Chuyện đạt nhất hay nhì, thật ra chỉ là chủ quan của mỗi người. Bốn lần dự thi gạo ngon nhất thế giới, gạo ST Việt Nam đều lọt vào top 3, đã củng cố vị thế gạo của nước ta với bạn bè quốc tế.

"Trước cuộc thi gạo ngon Việt Nam năm 2020, một số anh em hỏi tôi năm nay có tham dự không, tôi trả lời: Sẽ đi thi lúc nào tôi còn sống. Tôi đi thi không cho bản thân, mà tôi đi thi cho Việt Nam, với mong muốn củng cố thương hiệu gạo Việt. Lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới, cũng có nghĩa là trên bảng phong thần gạo thế giới, gạo Việt Nam nằm trong top đầu nên không có gì phải lo lắng về chất lượng", ông Cua nói.

"Qua cuộc thi, thôi thúc tôi và cộng sự tiếp tục nỗ lực để củng cố chất lượng giống. Tham dự cuộc thi liên tục còn để trên diễn đàn gạo ngon quốc tế có đại diện tên Việt Nam".

Đức Minh (t/h)
Cùng chuyên mục