Cần áp chế tài nghiêm người nổi tiếng quảng cáo trên nền tảng số

Nguyễn Thịnh
11/05/2025 11:54 GMT +7
Việc tăng mức phạt đối với người nổi tiếng, Tiktoker, Youtuber khi quảng cáo sai sự thật hoặc vi phạm pháp luật trên nền tảng số là một biện pháp cấp thiết nhằm chấn chỉnh môi trường truyền thông số và bảo vệ người tiêu dùng trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ.

Vấn đề quản lý hoạt động quảng cáo trên nền tảng số, đặc biệt là vai trò và trách nhiệm của người nổi tiếng, KOL, YouTuber, TikToker... khi quảng cáo sản phẩm thu hút sự qua tâm của đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 10/5...

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Cần áp chế tài nghiêm người nổi tiếng quảng cáo trên nền tảng số. Ảnh TVPL

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, có một số ý kiến cho rằng thuật ngữ "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo" còn chung chung, chưa bao quát các hoạt động quảng cáo trên mạng; đề nghị làm rõ hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh cần phải tăng trách nhiệm với người quảng cáo, đồng thời rà soát quy định về đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp của các cá nhân có ảnh hưởng, đặc biệt là các KOL, người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo lần này được kỳ vọng sẽ lấp đầy các khoảng trống pháp lý, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ nhưng vẫn phù hợp với sự phát triển năng động của ngành quảng cáo hiện đại.

Về vấn đề này, chuyên gia thương mại điện tử Dương Ngô Anh cho biết: Mức phạt hiện tại quá thấp, không đủ tính răn đe. Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định phạt từ 5 – 50 triệu đồng cho hành vi quảng cáo sai sự thật.

Với những người có thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi bài đăng, mức phạt này chỉ như “một phần nhỏ chi phí quảng cáo”, không đủ để ngăn chặn hành vi tái phạm".

Theo chuyên gia Dương Ngô Anh, quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, dịch vụ đầu tư ảo không kiểm chứng… gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tài chính, tâm lý cho người xem. Nhiều người nổi tiếng quảng bá sản phẩm “kem trộn,” “thuốc giảm cân,” “khóa học làm giàu” mà không có chuyên môn hoặc kiểm chứng chất lượng gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.

Ông Dương Ngô Anh cho rằng cần tăng mức phạt lên 300-500 triệu đồng với cá nhân vi phạm. Đặc biệt với trường hợp quảng cáo dẫn đến hậu quả nghiêm trọng (lừa đảo tài chính, gây hại sức khỏe) cần xử lý hình sự. Bổ sung quy định cho phép người bị ảnh hưởng (người tiêu dùng) có quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại đối với người nổi tiếng/Tiktoker gây hậu quả do quảng cáo sai.

Tăng mức phạt là biện pháp cấp thiết nhưng cần đi kèm với hệ thống pháp lý đồng bộ, cơ chế giám sát hiệu quả và nâng cao nhận thức cộng đồng. Điều này không chỉ giúp bảo vệ người tiêu dùng, mà còn tạo lập môi trường truyền thông số minh bạch, có trách nhiệm.