Áp lực thuế quan đè nặng số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh, chỉ số PMI tháng 4 lao dốc
Hôm nay, S&P Global công bố báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng
(PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 4/2025. Trong đó, có 3 điểm nhấn
quan trọng:
Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều giảm đáng kể; Tâm lý kinh doanh đạt mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021; Tốc độ tăng chi phí đầu vào chậm lại và giá cả đầu ra giảm.
Chỉ số PMI tháng 4 lao dốc chỉ đạt 45,6 điểm
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Manufacturing Purchasing
Managers' Index™ (PMI®) - ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global trong tháng 4 đã xuyên thủng ngưỡng 50 điểm xóa đi nỗ lực tăng trưởng trong tháng 3/2025 sau 4 tháng sụt giảm liên tiếp. Kết quả chỉ số mới nhất đạt 45,6 điểm so với 50,5 điểm của kỳ trước, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất suy giảm rõ rệt so với tháng trước. Trên thực tế, các điều kiện kinh doanh đã xấu đi với mức độ lớn nhất kể từ tháng 5/2023.

Số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất giảm đáng kể trong tháng 4, từ đó đảo ngược xu hướng tăng trong tháng 3. Hơn nữa, tốc độ suy giảm là mạnh và nhanh nhất trong gần hai năm. Người trả lời khảo sát cho biết tình trạng giảm của số lượng đơn đặt hàng mới phản ánh tác động của việc áp dụng thuế quan của Mỹ và sự biến động của tình hình thị trường quốc tế.
Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới thậm chí còn giảm nhanh hơn tổng số lượng đơn đặt hàng mới trước những tuyên bố về thuế quan. Lần giảm thứ sáu liên tiếp của số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài là đáng kể nhất kể từ tháng 6/2023.
Thuế quan, và tình trạng giảm số lượng đơn đặt hàng mới đã khiến sản lượng giảm trở lại sau khi tăng trong tháng 3. Mức giảm sản lượng là đáng kể và nhanh nhất kể từ tháng 1/2023.
Áp lực thuế quan đè nặng, niềm tin kinh doanh của nhà sản xuất giảm mạnh
Các nhà sản xuất cũng lo ngại về ảnh hưởng của thuế quan lên sản xuất trong những tháng tới. Niềm tin kinh doanh đã giảm mạnh và là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021. Trên thực tế, mức độ lạc quan kỳ này là một trong những mức yếu nhất trong lịch sử khảo sát.
Lượng công việc tồn đọng giảm mạnh khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm, và tốc độ giảm hầu như ngang bằng với tháng trước. Lượng công việc giảm khiến các nhà sản xuất giảm việc làm, và đây là lần giảm thứ 7 liên tiếp. Hơn nữa, tốc độ giảm việc làm là mạnh nhất trong 3 năm rưỡi.
Việc áp thuế của Mỹ đã đẩy ngành sản xuất Việt Nam vào tình trạng suy giảm trong tháng 4, khi các công ty đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể của số lượng đơn đặt hàng mới, xuất khẩu và sản lượng. Hơn nữa, khả năng tiếp tục xảy ra gián đoạn cho ngành sản xuất do thuế quan bổ sung khiến niềm tin kinh doanh giảm và trở thành một trong những mức thấp nhất từng được ghi nhận. Trong một tình hình không ổn định, điều quan trọng là cần theo dõi dữ liệu chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global trong những tháng tới để xem các điều kiện kinh doanh diễn biến như thế nào.
Các công ty cũng giảm mạnh hoạt động mua hàng khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm và yêu cầu sản lượng giảm. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã giảm tháng thứ hai liên tiếp và trở thành mức giảm lớn nhất kể từ tháng 5/2023.
Kết quả là, tồn kho hàng mua cũng giảm, và mức độ giảm là lớn nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Nhu cầu hàng hóa đầu vào giảm đã khiến thời gian giao hàng của nhà cung cấp chỉ kéo dài một chút trong tháng 4, và mức độ kéo dài là ít nhất trong tám tháng. Tuy nhiên, có một số báo cáo về sự chậm trễ giao hàng khi có những vấn đề liên quan đến tốc độ và mức độ sẵn có của phương tiện vận chuyển.
Tình trạng nhu cầu suy yếu cũng ảnh hưởng đến giá cả trong tháng 4. Trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng trong bối cảnh giá một số nguyên vật liệu tăng, tốc độ tăng chỉ là nhẹ và yếu nhất kể từ khi chuỗi tăng chi phí hoạt động hiện nay bắt đầu vào tháng 8/2023. Một số công ty nhắc đến giá dầu và chi phí vận tải giảm. Giá bán hàng đã giảm tháng thứ tư liên tiếp. Mặc dù chỉ ở mức khiêm tốn, tốc độ giảm là mạnh nhất trong 21 tháng.
Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết, dữ liệu được thu thập từ ngày 09 đến ngày 22 tháng 04 năm 2025.