NHNN "bơm" thêm gần 200.000 tỷ đồng nửa đầu năm, dự báo về lãi suất
Các ngân hàng hầu như không mặn mà với kênh cho vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) qua thị trường mở và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm sâu, theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).
Thống kê cho thấy, từ đầu tháng 6 đến ngày 26/06/2023, NHNN đã bơm ròng khoảng 24.300 tỷ đồng, chủ yếu do lượng tín phiếu kỳ hạn 91 ngày đã phát hành trong giai đoạn tháng 3/2023 đáo hạn toàn bộ. Hiện tại, số dư trên thị trường mở đối với nghiệp vụ mua kỳ hạn còn rất ít, chỉ khoảng 294 tỷ đồng, sẽ đáo hạn vào cuối tháng 6.
Tính chung nửa đầu năm 2023, NHNN đã bơm ròng khoảng 61.500 tỷ đồng qua thị trường mở. Cùng với lượng tiền mua ngoại tệ, chuyên gia ước tính tổng lượng tiền bơm thêm của NHNN trong nửa đầu năm 2023 là xấp xỉ 200.000 tỷ đồng.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất trong tháng vừa qua giảm mạnh. Hiện, lãi suất liên ngân hàng đang giao dịch ở vùng thấp nhất kể từ tháng 5/2022. Tại ngày 22/6, lãi suất cho vay qua đêm là 0,91%/năm, giảm xấp xỉ 3 điểm % so với đầu tháng. Tương tự, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn 1-2 tuần cũng giảm từ 2,5-3,1 điểm % so với cuối tháng trước.
Còn theo số liệu cập nhật mới nhất trên cổng thông tin của NHNN, hiện lãi suất cho vay qua đêm thậm chí chỉ còn 0,39%, trong khi đó kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần lần lượt là 1,2 và 1,43%.
Sau các quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN, các lãi suất điều hành cơ bản đã giảm trung bình khoảng 1 điểm % so với hồi đầu năm. Xét ở góc độ điều hành chính sách tiền tệ thận trọng thì dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành là hạn hẹp nếu nhìn trong tương quan lãi suất USD-VND.
Đặt trong tương quan chính sách tiền tệ là "cứu cánh" đối với tình hình kinh tế trong nước, các chuyên gia cho rằng vẫn có khả năng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất 0,5-1 điểm % trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành về gần mức trước đợt tăng mạnh vào tháng 10 năm ngoái.
Điều này đồng nghĩa với việc NHNN phải mạnh dạn đi thêm một bước nữa, dùng công cụ lãi suất điều hành để tạo áp lực giúp mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế giảm thêm. Nếu điều này diễn ra, chuyên gia kỳ vọng bước đi này sẽ mang tính quyết định hơn, có tính đánh đổi cao hơn và có thể tạo tác động lan tỏa tốt hơn so với các đợt giảm đầu năm nay.
Thống kê cũng cho thấy, số liệu chính thức từ website của NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 4/2023 đạt 3% so với đầu năm, cao hơn mức ước tính 2,75% vào tháng trước. Về số liệu ước tính, tăng trưởng tín dụng tính đến 15/6 đạt 3,36%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2022. Tăng trưởng tín dụng so với cùng kỳ chỉ đạt 8,94%, là mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây.
Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn toàn nền kinh tế trong quý I chỉ tăng 1,1% so với cuối năm 2022. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm. Điều này cho thấy dù lãi suất huy động tăng trong quý đầu năm, khó khăn của doanh nghiệp dẫn đến một vòng xoáy huy động thấp và cho vay kém.
Trước đó, Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất tái cấp vốn chuẩn thêm 50 điểm cơ bản xuống còn 4,0% trong Quý 3 (bằng mức lãi suất trong những năm xảy ra đại dịch) và sẽ giữ nguyên cho đến cuối năm 2025. Vào ngày 16/6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất từ 5,0% xuống 4,5% sau hai lần cắt giảm 50 điểm cơ bản trước đó, vào tháng 3 và tháng 5.
Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế tại Thái Lan và Việt Nam, Standard Chartered chia sẻ: "Chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng khi áp lực giá cả trong nền kinh tế giảm bớt. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đang đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ được thực hiện vào năm ngoái, những đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo sẽ không vượt quá 50 điểm cơ bản do những lo ngại về rủi ro lạm phát và bất ổn tài chính vẫn còn hiện hữu."