Nhờ EVFTA, cá ngừ tăng tốc sang EU, Việt Nam thực hiện tốt khuyến nghị chống khai thác IUU

P.V Thứ hai, ngày 12/10/2020 19:23 PM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, trong tháng 8 - 9/2020, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường EU đã tăng từ 11-13% so với các tháng trước đó. Điều này cho thấy Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đang mang đến triển vọng cho xuất khẩu cá ngừ sang EU.
Bình luận 0

Cá ngừ rộng đường sang EU

Công ty TNHH Hải Vương (Khu công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) là một trong những doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang thị trường EU ngay sau khi EVFTA có hiệu lực.

Dù dịch Covid-19 tác động nhiều đến chuỗi cung ứng nhưng trong 9 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty Hải Vương vẫn đạt 181 triệu USD, trong đó riêng thị trường EU đạt 46,8 triệu USD, bình quân 5,2 triệu USD/tháng. 

Đặc biệt, từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá trị xuất khẩu trong tháng 8 và 9 của công ty sang EU đạt 16 triệu USD, bình quân 8 triệu USD/tháng, tăng 1,5 lần so với bình quân các tháng đầu năm.

Nhờ EVFTA, cá ngừ tăng tốc sang EU, Việt Nam thực hiện tốt khuyến nghị chống khai thác IUU - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng cùng đưa sản phẩm của Công ty TNHH Hải Vương xuất khẩu sang Tây Ban Nha. Ảnh: Báo Khánh Hòa.

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, nghề khai thác cá ngừ của tỉnh phát triển nhanh trong những năm qua, với đội tàu lên đến hàng nghìn chiếc. Hiện, toàn tỉnh có 44 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản được Bộ NNPTNT cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của tỉnh vẫn đạt hơn 220 triệu USD mặc những tác động của dịch Covid-19. Cá ngừ Khánh Hòa đã có mặt ở 64 thị trường trên thế giới, trọng điểm là thị trường EU. 

Ông Hoàng cũng đánh giá, EVFTA là cơ hội có một không hai để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chúng và Khánh Hòa nói riêng vào thị trường trọng điểm EU.

Đánh giá cao những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường châu Âu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, hiệp định EVFTA với ưu đãi đặc biệt về thuế quan đã mở ra tiềm năng lớn cho các sản phẩm cá ngừ Việt Nam. 

“Trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, trung bình xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đạt khoảng 10,5 triệu USD/tháng nhưng trong các tháng 8 - 9/2020, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đã tăng lên từ 11-13%. Điều này cho thấy Hiệp định EVFTA đang mang đến triển vọng cho xuất khẩu cá ngừ sang thị trường EU” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU

Một trong những yêu cầu khắt khe của thị trường EU là phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo ông Rubén Saornil Mínguez, Phó Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Tây Ban Nha tại Việt Nam, để được hưởng các ưu đãi về thuế quan, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng được các tiêu chuẩn cao về chất lượng, truy xuất được nguồn gốc; đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào thị trường này cũng đòi hòi cao về trách nhiệm xã hội và môi trường…

Nhờ EVFTA, cá ngừ tăng tốc sang EU, Việt Nam thực hiện tốt khuyến nghị chống khai thác IUU - Ảnh 2.

Đại diện Bộ NNPTNT, UBND tỉnh Khánh Hòa, Công ty Hải Vương, đối tác Tây Ban Nha cắt băng đưa lô hàng cá ngừ đầu tiên sang EU theo EVFTA. Ảnh: Báo Khánh Hòa.

Ông Saonil Miguenz Ruben cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và ngư dân Việt Nam trong chống khai thác IUU theo như khuyến nghị của EC.

Theo ông Saonil Miguenz Ruben, để tuân theo khuyến cáo của EC, Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản 2017 và các văn bản đi kèm đều hướng tới việc phát triển thủy sản và nghề cá bền vững. Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống khai thác IUU, yêu cầu các tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá và đánh dấu tàu cá. 

Tính đến ngày 31/8/2020, số lượng tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 24.851/30.851 tàu từ 15 mét trở lên đạt tỷ lệ 80,61%. Trong đó, tàu cá từ 24 mét trở lên là 2.204/2.600 tàu đạt tỷ lệ 84,77%. Còn tàu cá từ 15 mét đến dưới 24 mét đã lắp đặt 22.667/28.251 tàu đạt tỷ lệ 80,23%.

Ông Saonil Miguenz Ruben đánh giá cao việc Việt Nam tích cực triển khai truy xuất nguồn gốc thủy sản trong chuỗi cung ứng thủy sản theo các công đoạn từ giám sát đánh bắt, cập cảng, nhập khẩu cho đến chế biến và lưu thông trên thị trường. Cũng như kiểm soát tốt việc tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng. Bên cạnh đó, việc đóng tàu mới đều theo tiêu chuẩn luật quy định cũng như tiêu chuẩn châu Âu đã có khuyến cáo Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tiến hành lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản để từ đó quy hoạch lại đội tàu khai thác cho phù hợp với trữ lượng nguồn lợi, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm. Bước đầu đã triển khai thực hiện Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng (PSMA), kiểm soát thủy sản, nguồn gốc thủy sản từ khai thác của tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam.

Việt Nam cũng tích cực đóng góp sáng kiến cho các tổ chức nghề cá trong khu vực và quốc tế, đặc biệt các vấn đề liên quan đến phát triển nghề cá bền vững (Hiệp định thực thi các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa - UNFSA; Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của FAO - PSMA), thành lập mạng lưới chống khai thác IUU của các nước trong khu vực (ASEAN IUU Network).

Tính đến hết tháng 7/2020, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường EU đạt trung bình khoảng 10,5 triệu USD/tháng. Kể từ sau khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ đã tăng lên 11,4 triệu USD (tăng 8,6%) và tháng 9 là 11,9 triệu USD tăng 13,3% so với các tháng trước đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem