Nhu cầu cuối năm tăng, cộng EVFTA “chắp cánh”, tôm Việt thẳng tiến sang EU

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 11/09/2020 08:29 AM (GMT+7)
Chỉ sau 1 tháng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, xuất khẩu (XK) tôm sang EU trong tháng 8/2020 đã tăng tới 10% so với tháng 7.
Bình luận 0

Sự kiện lễ XK tôm đông lạnh Việt Nam sang EU ngày hôm nay (11/9) được hy vọng sẽ mở ra khởi đầu mới cho con tôm ở thị trường đầy tiềm năng này.

Nhu cầu cuối năm tăng, cộng EVFTA “chắp cánh”, tôm Việt thẳng tiến sang EU - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Lễ xuất khẩu tôm nước lợ vào thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA sáng 11/9.

Xuất khẩu sang EU tăng trưởng mạnh

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiệp định EVFTA đã mang đến nhiều hy vọng cho XK tôm sang thị trường EU những tháng cuối năm.

Thực tế, XK tôm sang EU đã có lúc giảm kim ngạch liên tục từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, bước sang tháng 7, kim ngạch XK tôm sang EU đạt 54,2 triệu USD. EVFTA chính thức có hiệu lực từ mùng 1/8/2020 ngay lập tức đã tạo động lực cho XK tôm ngay trong tháng 8 tăng tới 10% so với tháng 7/2020 và tăng tới 20% so với cùng kỳ năm 2019. 

EU cũng là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13,3% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam.

Được VFTA chắp cánh, tôm Việt bay sang EU - Ảnh 1.

Thu hoạch tôm ở Bạc Liêu. Ảnh: Chúc Ly

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế XK một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU có mức thuế hiện nay là 12 - 20% sẽ về 0% ngay như tôm sú đông lạnh. Sau 5 - 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, một số mặt hàng tôm khác sẽ được điều chỉnh về 0%.

Được biết, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế XK một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU sẽ về 0%, trong khi các đối thủ cạnh tranh với tôm Việt chủ yếu trên thị trường EU như Thái Lan không được hưởng ưu đãi thuế quan, không có FTA nên có mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ chịu thuế 4,2%; Indonesia chịu thuế 4,2%.

"XK tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch Covid-19. Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà nhập khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn" - VASEP nhận định.

Đánh giá về cơ hội cho tôm Việt cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác ở thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định, EVFTA đã tạo cơ hội để hàng hóa Việt Nam hạ giá thành khi XK vào thị trường châu Âu, nâng cao khả năng cạnh tranh với các mặt hàng chưa có FTA với EU.

Nhu cầu cuối năm tăng, cộng EVFTA “chắp cánh”, tôm Việt thẳng tiến sang EU - Ảnh 4.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), cơ hội xuất khẩu tôm sang EU rất lớn sau khi EVFTA có hiệu lực.

"Theo đánh giá bước đầu, sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng XK của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Điển hình, từ đầu tháng 8 đến nay, XK thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực…" – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, EVFTA đi vào thực thi, doanh nghiệp thủy sản, trong đó có chế biến XK tôm đã có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn các thủ tục pháp lý liên quan sang EU. 

Bởi lẽ EU là thị trường quan trọng với thủy sản và để tận dụng được lợi ích về thuế quan các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong EVFTA.

Được VFTA chắp cánh, tôm Việt bay sang EU - Ảnh 3.

EVFTA chính thức có hiệu lực đã tạo động lực cho XK tôm Việt Nam (ảnh minh họa). Ảnh: Chúc Ly

"Theo đánh giá bước đầu, sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Điển hình, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực…".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến

65% diện tích nuôi tôm đạt ASC

Sau mặt hàng gạo, con tôm được cho là đã tận dụng tốt những cơ hội do EVFTA mang lại. Lễ công bố XK tôm sang EU được hy vọng sẽ mở ra triển vọng lớn hơn cho con tôm Việt Nam tại thị trường này.

Được biết, những lô tôm XK đi EU hôm nay đều đạt chứng chỉ ASC, là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm. 

Đáng ghi nhận là, hiện diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận ASC ở Việt Nam đã và đang được nhân rộng, hiện đã đạt 65% diện tích nuôi để đáp ứng yêu cầu thị trường EU.

Đơn cử như tại Thông Thuận Group, đơn vị có lô tôm đầu tiên XK sang EU sau khi EVFTA có hiệu lực hiện có 2 nhà máy tại Ninh Thuận và Khánh Hòa. Doanh số XK của 2 nhà máy hàng năm đạt 100-120 triệu USD. Quy trình sản xuất của Thông Thuận là một chuỗi sản xuất khép kín từ con giống đến nuôi và chế biến XK. Toàn bộ các xí nghiệp nuôi và nhà máy của Thông Thuận đều đạt tiêu chuẩn quốc tế như: BRC, Global GAP, ASC, BAP…

Khi Việt Nam tham gia EVFTA, các đơn hàng của Thông Thuận tại thị trường EU cũng tăng mạnh và có sự dịch chuyển cơ cấu nhóm thị trường xuất hàng của toàn hệt thống. Trong tháng 9/2020 Thông Thuận Group dự kiến xuất khẩu 9,5 triệu USD, trong đó xuất vào châu Âu khoảng 4,5 triệu USD.

Nhận định về xu hướng thị trường tôm châu Âu từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cho biết, các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại, ngành du lịch cũng đang bắt đầu khởi động tuy nhiên các nhà nhập khẩu tôm tại phân khúc này và các nhà cung cấp của họ vẫn phải chịu áp lực lâu dài do dịch bệnh chưa chắc chắn khi nào sẽ kết thúc. 

Trong khi doanh số bán lẻ hoặc trực tuyến tiếp tục tăng. Nhu cầu tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ còn tốt hơn hơn khi chuẩn bị tới các kỳ nghỉ lễ cuối năm.

"Hiện nay, hầu hết hệ thống phân phối sản phẩm tôm cao cấp tại EU đều yêu cầu ASC do đó, để đón đầu được cái ưu đãi mà EVFTA mang lại, Nhà nước cần có những biện pháp khuyến khích, ưu tiên nhằm đẩy mạnh diện tích nuôi tôm đạt tiêu chuẩn này" - VASEP nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để XK thủy sản tăng trưởng tốt hơn, mở rộng thị phần tại EU, Việt Nam phải cấp bách gỡ thẻ vàng IUU nhằm mở cánh cửa vào EU cho rất nhiều doanh nghiệp hiện chưa thể XK vào thị trường này…

Mặt khác, hiện EU đã cấm sử dụng chất chống oxy hóa để bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản.

Bên cạnh đó, những năm gần đây người tiêu dùng châu Âu ngày càng chủ động quan tâm đến sản phẩm bền vững. Người châu Âu ưu tiên sản phẩm được chứng nhận, đảm bảo không chỉ tính bền vững mà còn phải truy xuất được nguồn gốc, lành mạnh, được sản xuất an toàn và vệ sinh.

Đối với một số sản phẩm có nguồn gốc sinh vật gây bệnh nhất định, EU không cho phép nhập khẩu nhằm tránh việc nhiễm và lây lan sâu bệnh hại cho thực vật và sản phẩm thực vật.

"Điều kiện này đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc với sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía cơ quan chức năng" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem