Kim ngạch xuất khẩu tôm có thể tăng cao hơn dự kiến

11/05/2020 17:42 GMT+7
Theo thông tin mới đây của Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu tôm năm 2020 có thể đạt 3,8 tỷ USD thay vì chỉ 3,5 tỷ USD như dự báo ban đầu.

Cụ thể, theo VASEP, trong tháng 4, tốc độ xuất khẩu thủy sản cả nước cho thấy nhiều cửa sáng, có chiều hướng gia tăng trong giai đoạn cuối năm. Trong đó, hiện có khoảng 34 doanh nghiệp (DN) tôm xếp vào danh sách 100 DN xuất khẩu thủy sản trong quý I/2020. Theo đó số DN này chiếm tỷ lệ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của quý.

Cũng theo số liệu của VASEP có 20 DN xuất khẩu tăng trưởng so với 2019 từ 0,3 đến 87%, có 14 DN XK giảm so với cùng kỳ, với mức giảm phổ biến mức 10% trong đó cá biệt có công ty giảm hơn 70% do vấn đề chủ yếu tập trung vào thị trường Trung Quốc.

Về thị trường, kim ngạch xuất khẩu vào hai nước lớn Nhật Bản và Mỹ vẫn tiếp đà tăng. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh trong quý I/2020, thời điểm mà thị trường EU và Trung Quốc giảm sâu. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, các thị trường này cũng đang có những tín hiệu phục hồi khá nhanh. Trong tháng 4/2020 thị trường Trung Quốc bắt đầu có bước chuyển khá, nhất là cá tra.

Kim ngạch xuất khẩu tôm có thể tăng cao hơn dự kiến - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2020 có thể đạt 3,8 tỷ USD.

Trong khi đó, với các nước nuôi tôm trên thế giới, dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của các quốc gia này. Cụ thể, Ấn Độ và Ecuador vẫn còn tiếp tục bị ảnh hưởng và dự kiến giảm đáng kể, khoảng 50% sản lượng do gặp khó về lao động và con giống nhập khẩu.

Ngoài ra, các nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines tuy chịu ảnh hưởng nhẹ hơn nhưng dự kiến giảm lượng cung khoảng 30%. Đây là cơ hội cho tôm Việt Nam nếu kịp thời có những quyết sách tốt trong lúc này.

Nhận diện cơ hội, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho hay, việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 so với các quốc gia khác nên đã tạo cơ hội cho ngành tôm Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện tại và sắp tới, các đối tác nhập khẩu thủy sản rất quan tâm tôm từ Việt Nam. Do đó, dự báo kinh tế thời hậu dịch Covid-19 phục hồi nhanh hơn, dự báo ngành tôm sắp tới sẽ gia tăng thị phần.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới khi Mỹ giảm mức thuế tôm nhập khẩu Việt Nam về 0 và Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ngành sản xuất, xuất khẩu tôm sẽ có cơ hội mở cửa thị trường rất lớn.

"Mục tiêu xuất khẩu tôm 2020 dự kiến 3,8 tỷ USD. Vào thời điểm tháng 3/2020 chúng tôi chỉ dám dự báo mức 3,5 tỷ USD. Nhưng nay có thể mạnh dạn đưa lên mục tiêu cao hơn là 3,8 tỷ USD sau khi xem xét các vấn đề thị trường, các vấn đề liên quan xung quanh", ông Hòe thông tin.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ông Hòe cho hay, đến nay, có thể nói ngành thủy sản Việt Nam đã vượt qua được dịch Covid-19.

Theo đó, trong ngắn hạn VASEP có 5 kiến nghị, thứ nhất đẩy mạnh hỗ trợ chính sách cho các doanh nghiệp, trong đó Ngân hàng nhà nước nghiên cứu, hỗ trợ hạn mức tín dụng cho các đơn vị có nhu cầu thực sự mua các sản phẩm thủy sản cỡ lớn của nông dân để dự trữ, dành bán sau dịch.

Thứ hai, Chính phủ và các bộ hỗ trợ Bộ NN&PTNT đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai đầu tư cho nông, ngư dân để có thể thả nuôi và khai thác biển trở lại từ tháng 5 để đón đầu cơ hội thị trường vào tháng 7 - 8/2020.

Thứ ba, hỗ trợ về an sinh, vốn để doanh nghiệp thủy sản có thể đẩy mạnh tuyển dụng lao động. Thứ tư, kiến nghị Chính phủ xem xét thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường dịch vụ công điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Cuối cùng, ông Hòe kiến nghị Chính phủ hỗ trợ chính sách để doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón nhận dự án đầu tư nuôi do dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, ví dụ như đầu tư kho lạnh để trữ hàng.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục