Nhựa Hà Nội muốn thâu tóm Vật liệu Xây dựng công nghệ cao An Cường?

19/12/2020 12:03 GMT+7
Động thái này nằm trong kế hoạch "thâu tóm" An Cường của Nhựa Hà Nội trong năm 2020, từng được công bố trước đó.

Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (HoSE: NHH) thông qua kế hoạch tiếp tục mua thêm cổ phần tại Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng công nghệ cao An Cường.

Theo đó, doanh nghiệp dự kiến mua thêm 890.000 cổ phiếu, chiếm 6,09% vốn điều lệ tại Vật liệu xây dựng công nghệ cao An Cường. Nếu giao dịch thành công sẽ nâng sở hữu lên 14,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 98,9% vốn điều lệ tại Vật liệu xây dựng công nghệ cao An Cường. Doanh nghiệp giao cho ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch HĐQT thực hiện các thủ tục liên quan.

Động thái này nằm trong kế hoạch "thâu tóm" An Cường của NHH trong năm 2020, từng được công bố trước đó. Hiện nay An Cường đang sở hữu thương hiệu Anpro, có nhà máy sản xuất với diện tích 13.000m2 đặt tại khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

An Cường hiện có công suất sản xuất 80.000 – 150.000m2/tháng, với các sản phẩm chủ lực tấm ốp, phào chỉ trang trí, tranh 4D, ván sàn SPC hèm khoá. Trong đó, sản phẩm ván sàn SPC là sản phẩm chủ lực cửa An Cường. An Cường dự kiến sẽ xuất khẩu sản phẩm ván sàn SPC sang Mỹ từ năm 2020, kì vọng mang về 70% doanh thu.

Nhựa Hà Nội muốn thâu tóm Vật liệu Xây dựng công nghệ cao An Cường? - Ảnh 1.

Nhựa Hà Nội muốn thâu tóm Vật liệu Xây dựng công nghệ cao An Cường.

Về tình hình kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2020, Nhựa Hà Nội ghi nhận doanh thu đạt 746,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 34,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 13,7% và 14,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 12,8% lên 16,1% và biên lợi nhuận ròng không đổi 4,6%.

Trong năm 2020, doanh nghiệp đặt kế hoạch tổng doanh thu là 1.860 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 146 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp mới hoàn thành 23,4% kế hoạch lợi nhuận năm, nếu như doanh nghiệp không có ghi nhận lợi nhuận đột biến thì khó có thể hoàn thành kế hoạch năm tài chính 2020.

Mặc dù hoạt động kinh doanh không cải thiện, tuy nhiên xét về dòng tiền lại có dấu hiệu cải thiện. Trong 9 tháng đầu năm 2020, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính dương 94,4 tỷ đồng so với cùng kỳ âm tới 149,9 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9/2020, tổng tài sản của NHH giảm nhẹ so với cuối năm 2019 còn 1.097 tỷ đồng. Nhóm tài sản ngắn hạn chiếm 392 tỷ đồng, trong đó tiền nhàn rỗi 30,4 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn 164 tỷ đồng, hàng tồn kho là 171 tỷ đồng... Còn lại phần lớn là tài sản cố định, 461 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn của NHH khá ổn định, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,33 lần. Trong 627 tỷ đồng nợ phải trả, nợ vay tài chính ngắn và dài hạn chiếm chủ yếu. Vốn chủ sở hữu đạt 469 tỷ đồng.

Q.D
Cùng chuyên mục