Những bất ổn trên thị trường dầu đang tác động mạnh tới kinh tế

11/05/2022 20:57 GMT+7
Từ đầu năm đến nay, không ít lần các tổ chức nhận định giá dầu sẽ nhanh chóng thách thức các mức đỉnh cũ. Tuy vậy, thực chất sau khi thiết lập được vùng giá 100 USD/thùng cuối tháng 2, giá liên tục giằng co quanh ngưỡng này, và chưa tìm được hướng đi mới.

Thị trường tài chính toàn cầu gây áp lực cho nhóm năng lượng

Đối với thị trường hàng hóa, yếu tố lớn nhất tác động được đến giá cả chính là các thông tin liên quan đến nguồn cung và nhu cầu. Tuy vậy, với tư cách là một bộ phận thuộc thị trường tài chính chung, thị trường dầu thô cũng không tránh khỏi tác động của các diễn biến chung trên thị trường tài chính toàn cầu.

Mới đây nhất, sau khi một loạt các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Anh đồng loạt tăng lãi suất trở lại, sau 1 thời gian dài nới lỏng các chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế. Các rủi ro về chính sách tiền tệ phần nào gây ra tâm lý lo ngại trên thị trường, khi có nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng việc thay đổi chính sách tiền tệ quá nhanh có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Điều này khiến cho tháng vừa qua dòng tiền dịch chuyển vào các tài sản an toàn, như trái phiếu và đồng Dollar Mỹ. Hiện tại, chỉ số Dollar Index, đo lường sức mạnh của Dollar Mỹ với một rỏ các tiền tệ khác, đang ở quanh vùng đỉnh 20 năm. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), điều này phần nào khiến cho giá các hợp đồng dầu, định giá bằng đồng USD, trở nên đắt đỏ hơn với những người nắm giữ tiền tệ khác, và phần nào cản trở đà tăng của dầu thô.

Bên cạnh đó, ngày hôm nay, thị trường đang chờ đợi số liệu về lạm phát của Mỹ, thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ. Thị trường đang kỳ vọng lạm phát tháng 4 sẽ tăng nhẹ 0,2% so với giai đoạn tháng 3. Tuy vậy, nếu số liệu thực tế cao hơn nhiều so với kỳ vọng, có thể khiến cho Fed phải thay đổi quan điểm chỉ tăng 50 điểm lãi suất cơ bản mà họ tuyên bố trong cuộc họp lần trước.

Những bất ổn trên thị trường dầu đang tác động mạnh tới kinh tế - Ảnh 1.

100 USD/thùng có phải đáy mới của giá dầu thô?

Các bất ổn của thị trường dầu tiếp tục lộ diện

Khi thị trường rơi vào các giai đoạn giằng co, “loay hoay” tìm lối đi như hiện tại, các báo cáo thị trường quan trọng hàng tháng của những tổ chức lớn năng lượng lớn luôn được coi như các “chỉ dẫn” quan trọng. Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) tháng 5, phát hành vào tối hôm qua của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cũng phần nào bộc lộ các yếu tố trên thị trường.

Thông tin được chú ý nhất trong báo cáo ngày hôm qua đó là EIA hạ dự báo tiêu thụ dầu của thế giới trong năm 2022 từ mức 99,8 triệu thùng/ngày xuống 99,61 triệu thùng/ngày. Nhu cầu dầu trong năm 2023 cũng điều chỉnh giảm từ 101,73 triệu thùng/ngày xuống 101,55 triệu thùng/ngày. Nguyên nhân chủ yếu là do EIA điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu nhiên liệu của 2 quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent giảm 3,28% xuống 102,46 USD/thùng. 

Đối với Mỹ, việc tổng sản phẩm nội địa trong quý I/2022 tăng trưởng âm 1,4% so với quý IV/2021 phần nào thể hiện rủi ro nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc. Khoảng 30% lượng dầu tại Mỹ được sử dụng trong các ngành công nghiệp, sản xuất. Vì vậy, triển vọng tiêu cực của nền kinh tế Mỹ gây áp lực lớn lên thị trường dầu.

Đối với Trung Quốc, EIA hạ dự báo tiêu thụ dầu xuống 15,56 triệu thùng/ngày trong năm 2022, giảm 90.000 thùng/ngày so với con số đưa ra trong báo cáo tháng 4. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động của các lệnh hạn chế di chuyển, thiết lập trên nhiều tỉnh thành quan trọng như Bắc Kinh và Thượng Hải.

Ngoài ra, các dự báo của EIA được xây dựng trên thông tin trước ngày 5/5, ngay cả trước khi EU đề xuất cấm vận nhập khẩu dầu từ Nga. Điều này phần nào cho thấy sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, khiến cho các dự báo chưa thể bám sát với các thay đổi thực tế.

Cập nhật diễn biến mới nhất, cả hai loại dầu chủ chốt của thế giới đều tăng trở lại hơn 3% chiều ngày 11/5, kéo giá dầu về lại mốc 100 USD/thùng.

Dầu Brent hiện tăng 3,37% lên 105,9 USD một thùng. Dầu WTI tăng 3,44% lên 103,2 USD. Giá tăng do lo ngại thiếu cung khi Liên minh châu Âu (EU) dần tiến tới cấm dầu Nga và dòng chảy khí đốt Nga sang châu Âu thông qua một điểm chuyển tiếp quan trọng ở Ukraine bị khóa lại.

Thị trường dầu đang lấy lại đà tăng sau đợt giảm trước đó. Giá đã mất tới 10% trong hai phiên trước. Lo ngại về tăng trưởng do chính sách phong tỏa tại Trung Quốc và Mỹ tăng lãi suất đã gây sức ép lên giá dầu tuần này.

EU tuần trước đã đưa ra đề xuất cấm nhập khẩu dầu Nga. Giới phân tích cho rằng việc này sẽ khiến thị trường càng thêm căng thẳng và thay đổi dòng chảy thương mại. Dù vậy, việc này cần sự đồng ý của tất cả nước và việc bỏ phiếu vẫn đang bị trì hoãn vì Hungary phản đối.

Dầu thô cũng tăng nhờ kỳ vọng Trung Quốc tung kích thích kinh tế khi chỉ số giá sản xuất (PPI) và số ca nhiễm Covid-19 giảm dần.

Thực tế, OPEC+ đã không bơm thêm dầu ra thị trường. Tại cuộc họp tháng 5, liên minh này đã nhất trí nâng mục tiêu sản lượng lên 432.000 thùng/ngày trong tháng 6. Nhìn chung, OPEC+ vẫn bám sát với kế hoạch tăng sản lượng từ từ mà họ thực hiện từ năm ngoái.

Kể cả muốn bán thêm dầu, hầu hết các nước thành viên của OPEC+ đều không thể vì họ đang phải vật lộn với những vấn đề khác nhau, dẫn đến khó tăng sản lượng. Đơn cử, Libya đang gặp bất ổn chính trị, còn Nigeria gặp vấn đề kỹ thuật.

Trong nước, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã có quyết định tăng giá bán lẻ xăng dầu. Thời gian áp dụng là từ 15h ngày 11/5. Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 1.490 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.550 đồng/lít. Mỗi lít dầu diesel tăng 1.120 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 1.340 đồng/lít; dầu mazut giữ nguyên giá. Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 28.950 đồng/lít; RON 95 là 29.980 đồng/lít; dầu diesel 26.650 đồng/lít, dầu hỏa là 25.160 đồng/kg, dầu mazut là 21.560 đồng/kg.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục