Những đại gia nào đang đầu tư mạnh vào giáo dục?

Quốc Hải Thứ hai, ngày 23/10/2017 18:45 PM (GMT+7)
Rất nhiều đại gia Việt nổi tiếng trên thị trường tài chính - chứng khoán đã và đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực giáo dục với những dự định, sứ mệnh cao cả. Tuy nhiên, bên cạnh những đại gia đang hái “trái ngọt” từ hoạt động này thì cũng có không ít những người phải nếm... “trái đắng”.
Bình luận 0

img

ĐH Yersin (Đà Lạt) đã trở thành một thành viên của Hệ thống Giáo dục Thành Thành Công (Ảnh: IT)

“Ông chủ” đằng sau của những ngôi trường

Nổi tiếng trong giới tài chính Việt Nam, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) thường được biết đến với vai trò “cha đẻ” của Sacombank, ông chủ của TTC Group - một công ty gia đình nhưng đã phát triển thành một Tập đoàn đầu tư có quy mô tài sản xấp xỉ 2 tỷ USD. Song, ít ai biết ông Thành cũng là “ông chủ đằng sau” của một hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học vào bậc “khủng” tại khu vực phía Nam.

Cụ thể, hệ thống giáo dục Thành Thành Công có đến 17 trường học phân bố từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đến Bến Tre, trong đó gồm: 7 trường mầm non, 8 trường trung học cở sở và trung học phổ thông, 1 trường cao đẳng là Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi (Đồng Nai) và Đại học Yersin (Đà Lạt). Hiện, quy mô của hệ thống giáo dục này lên tới 1.348 giáo viên và gần 12.000 học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, ở khu vực phía Nam, “chị em nhà họ Đặng” cũng được biết đến là những người giàu nổi tiếng trên sàn chứng khoán Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Cụ thể, đại gia Đặng Thành Tâm - hiện đang xếp vị trí thứ 41 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản tính theo giá cổ phiếu ITA, KBC và SGT là 1.208 tỷ đồng - cũng đã từng đầu tư “mạnh” vào Đại học Hùng Vương TP.HCM.

Còn bà Đặng Thị Hoàng Yến (chị của ông Tâm) cũng đang đầu tư vào Trường ĐH Tân Tạo và một trường trung học phổ thông. Bà Hoàng Yến hiện đang là chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo và xếp thứ 181 trong danh sách những người giàu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với khối tài sản tính theo giá cổ phiếu ITA là 202 tỷ đồng.

Trong khi đó, ở khu vực phía Bắc, nhiều đại gia nổi tiếng trên sàn chứng khoán Việt Nam cũng đang đầu tư mạnh vào giáo dục. Chẳng hạn, tỷ phú USD đầu tiên tại Việt Nam, người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam - ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup - cũng đầu tư mạnh vào giáo dục với hệ thống Vinschool và hệ thống giáo dục này cũng đang mang lại nguồn doanh thu và lợi nhuận đáng kể cho tập đoàn này. Hiện tại, Vinschool có 3 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường trung học. Dự kiến, Vinschool sẽ tiếp tục đầu tư xây thêm 2 trường đại học là Đại học y Vinmec và Đại học quốc tế Vin University.

Xếp thứ 25 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản 1.891 tỷ đồng tính theo giá cổ phiếu FPT, tỷ phú Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cũng khá nổi tiếng với việc đầu tư mạnh cho hệ thống giáo dục FPT. Hiện tại, FPT có 10 trường gồm đại học, cao đẳng, Học viện, trường nghề, 1 trường tiểu học và 1 trường trung học phổ thông.

Hoặc mới đây nhất, đại gia Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT CTCP Viscostone chính thức đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Đại học Thành Tây. Ông Hồ Xuân Năng hiện đang được cho là người giàu thứ 5 trên sàn chứng khoán Việt Nam bởi theo số liệu công bố chính thức, ông Năng đang sở hữu 2.017.897 cổ phiếu VCS, tương đương 2,52% vốn điều lệ. Tuy nhiên, thông qua công ty Phenikaa, ông Năng còn gián tiếp kiểm soát 76,7% cổ phần của Vicostone, tương ứng hơn 61,3 triệu cổ phiếu (Phenikaa là công ty riêng do vợ chồng ông Hồ Xuân Năng sở hữu, trong đó, ông Năng nắm giữ 90% vốn và vợ ông Năng, bà Phạm Thị Thu Hằng nắm giữ 9%).

Do đó, nếu tính cả lượng cổ phiếu VCS do Phenikaa nắm giữ, ông Hồ Xuân Năng sẽ trực tiếp và gián tiếp sở hữu hơn 63 triệu cổ phiếu VCS với trị giá gần 13.000 tỷ đồng. Khối tài sản này gần tương đương với giá trị lượng cổ phiếu của chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long (14.100 tỷ đồng)...

Người nếm “trái ngọt”, kẻ nếm... “trái đắng”

Dù khá thành công trên thị trường tài chính, chứng khoán nhưng không phải đại gia nào cũng dễ nếm “trái ngọt”.

Tại FPT, trong khoảng từ năm 2010 đến nay, doanh thu mảng giáo dục của FPT biến động lên xuống liên tục, song lợi nhuận trước thuế luôn dao động trong khoản từ 100 đến 150 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu của FPT Edu đạt tới con số 700 tỷ đồng. Cũng khả quan không kém là tại Vingroup, dù mới tham gia vào lĩnh vực giáo dục từ năm 2013 nhưng đến năm 2016 thì Vinschool đã đóng góp khoản lợi nhuận 111 tỷ đồng.

Còn tại Thành Thành Công, dù lợi nhuận từ đầu tư giáo dục không được tập đoàn này công bố chi tiết nhưng hệ thống giáo dục của Tập đoàn này liên tục được mở rộng bằng việc M&A lại các trường từ bậc mầm non, tiểu học, trung học đến Cao đẳng và đại học.

Trong khi đó, cũng không hiếm cảnh nhiều đại gia cũng “chật vật” với giáo dục, đáng kể đến là hệ thống các trường đại học của chị em đại gia từng giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam - ông Đặng Thành Tâm. Cụ thể, với việc đầu tư vào Đại học Hùng Vương TP.HCM, đại gia Đặng Thành Tâm từng tuyên bố sẽ đầu tư mô hình trường này thành mô hình giáo dục “phi lợi nhuận” đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó chiến lược phát triển của đại gia này đã vướng vào hàng loạt vấn đề dẫn đến sự chống đối của nội bộ Ban giám hiệu nhà trường.

Đỉnh điểm của những đấu tranh gay gắt giữa nhà đầu tư và một bộ phận Ban giám hiệu, cán bộ, giảng viên nhà trường là việc Đại học Hùng Vương TP.HCM bị đình chỉ tuyển sinh trong nhiều năm liền và đến đầu năm 2017 này mới được phép tuyển sinh trở lại.

Cũng “lận đận” không kém là Đại học Tân Tạo của bà Đặng Thị Hoàng Yến. Trong giai đoạn 4 năm đầu hoạt động, Đại học Tân Tạo liên tiếp báo lỗ do các khoản chi phí, lương giảng viên... tăng cao trong khi việc tuyển sinh cực kỳ “chật vật” khi có năm chỉ tuyển được chưa tới 100 sinh viên, khiến các chi phí đầu tư vượt hàng chục lần doanh thu. Chẳng hạn, năm 2013, doanh thu phi lợi nhuận từ dịch vụ, học phí và các khoản đóng góp đạt khoảng 22 tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động và quản lý lên đến 223 tỷ đồng.

Chưa kể, trong quá trình hoạt động của mình, giữa Đại học Tân Tạo và sinh viên nhà trường cũng liên tục xảy ra kiện cáo liên quan đến bằng cấp, đền bù chi phí đào tạo...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem