Những điểm mới của Luật Cư trú mọi người dân nên biết

07/05/2021 17:02 GMT+7
Rất nhiều điểm mới của Luật Cư trú (có hiệu lực từ 1/7/2021) như bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, quản lý công dân bằng thông tin trên Cơ sở dữ liệu về dân cư... sẽ ảnh hưởng đến mọi người dân. Dưới đây là những điểm mới của Luật này.

1/ Khai tử sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vào năm 2023

Theo đó, kể từ ngày 01/7/2021, ngày Luật này có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.

Đặc biệt, nếu thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.

Như vậy, từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú “giấy” sẽ không còn được sử dụng nữa.

2/ Khi nào sổ hộ khẩu bị thu hồi?

Cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020:

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Trong đó, các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được quy định tại Điều 26 Luật Cư trú 2020 gồm:

- Thay đổi chủ hộ;

- Thay đổi thông tin về hộ tịch so với thông tin đã được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;

- Thay đổi địa chỉ nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú do có sự điều chỉnh về địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính, tên đường, phố, tổ dân phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cách đánh số nhà.

Như vậy, trong 03 trường hợp nêu trên, sổ hộ khẩu sẽ bị thu hồi.

3/ Quản lý công dân bằng thông tin trên Cơ sở dữ liệu về dân cư

Khoản 4 Điều 3 Luật Cư trú 2020 quy định:

Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú.

Đồng thời, khi đăng ký thường trú, khoản 3 Điều 22 Luật này nêu rõ, cơ quan đăng ký cư trú sẽ thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người dân về việc cập nhật.

Như vậy, có thể thấy, từ ngày 01/7/2021, việc quản lý cư trú của công dân sẽ được chuyển từ thủ công, truyền thống thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang quản lý bằng số hóa, thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về cư trú và số định danh cá nhân.

4/ Bỏ nhiều nhóm thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu

Bởi theo Luật Cư trú này, từ ngày 01/7/2021 không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú nên hàng loạt những thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn được đề cập đến trong Luật này. Cụ thể:

- Tách sổ hộ khẩu. Thay vào đó sẽ cập nhật, điều chỉnh thông tin về hộ gia đình liên quan đến việc tách hộ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin này;

- Điều chỉnh thay đổi thông tin về cư trú: Rà soát, điều chỉnh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú… khi đủ điều kiện thì làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú…

5/ Giảm thời gian giải quyết đăng ký thường trú

Bởi việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy nên thời gian giải quyết đăng ký thường trú sẽ nhanh hơn so với hiện nay. Cụ thể, khoản 3 Điều 22 Luật Cư trú 2020 quy định:

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan đăng ký cơ trú có trách nhiệm cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; thông báo cho người đăng ký biết

Hiện nay, thời gian giải quyết thủ tục này đang quy định là 15 ngày (Căn cứ khoản 3 Điều 21 Luật Cư trú 2006).

6/ Không còn điều kiện riêng khi nhập khẩu Hà Nội, TP. HCM

Một trong những quy định đáng chú ý khác của Luật Cư trú là xóa điều kiện riêng khi muốn nhập khẩu các thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng nghĩa, công dân khi muốn đăng ký thường trú vào TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì không còn bị phân biệt về điều kiện mà được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc như quy định tại Điều 20 Luật Cư trú 2020:

- Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó;

- Khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý trong các trường hợp vợ/chồng về ở với chồng/vợ; con đẻ, con nuôi về ở với cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và ngược lại… thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình…

Có thể thấy, quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong việc quản lý cư trú của mọi công dân.

Những điểm mới của Luật Cư trú mọi người dân nên biết - Ảnh 1.

Luật Cư trú năm 2020 có nhiều điểm mới đáng chú ý (Ảnh minh họa)

7/ Diện tích nhà thuê ít nhất 8m2/người được đăng ký thường trú

Đây là phương án được số đông đại biểu Quốc hội đồng ý về việc đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ. Cụ thể, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nếu bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu không thấp hơn 08 m2 sàn/người.

Đồng thời, người này còn phải được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ. Kéo theo đó, trong hồ sơ đăng ký thường trú, phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú.

Ngoài ra, còn cần phải chuẩn bị:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

- Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật...

8/ Sửa đổi đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình

Khoản 2 Điều 37 Luật Cư trú sửa đổi, bổ sung quy định về hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế nêu tại Luật BHYT như sau:

Hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (sau đây gọi chung là hộ gia đình) là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú

Trong khi đó, quy định cũ đang định nghĩa hộ gia đình tham gia BHYT gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.

Như vậy, từ ngày 01/7/2021 - ngày Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT đã thay đổi từ “toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú” sang “cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp”.

9/ Đi khỏi nơi thường trú 12 tháng phải khai báo tạm vắng

Công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng trong các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú. So với quy định tại Luật Cư trú hiện nay, từ 01/7/2021, bổ sung thêm trường hợp công dân phải khai báo tạm vắng:

Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.

Như vậy, khi đi khỏi xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên mà không phải bị can, bị cáo đi khỏi nơi cư trú 01 ngày trở lên, người đang trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đi khỏi huyện từ 03 tháng liên tục trở lên… và chưa đăng ký tạm trú ở nơi ở mới hoặc không phải xuất cảnh ra nước ngoài thì phải khai báo tạm vắng.

Các đối tượng nêu trên có thể khai báo tạm vắng trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú hoặc khai báo qua điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác.

Riêng người chưa thành niên khai báo tạm vắng thì người thực hiện khai báo là cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Những đối tượng này phải khai báo tạm vắng với nội dung gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người khai báo tạm vắng; lý do tạm vắng; thời gian tạm vắng; địa chỉ nơi đến.

Những điểm mới của Luật Cư trú mọi người dân nên biết - Ảnh 2.

Luật Cư trú 2020: Nhiều quy định liên quan đến sổ hộ khẩu bị xóa bỏ (Ảnh minh họa)

10/ Các trường hợp không được đăng ký thường trú mới

Nội dung này được quy định tại Điều 23 Luật Cư trú năm 2020. Cụ thể gồm:

- Nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống....

- Toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng.

- Đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết.

- Bị tịch thu theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

- Là nhà ở đã có quyết định phá dỡ.

PV
Cùng chuyên mục