Những điều 'bất ngờ' về BOT Cầu Thái Hà - Dự án được đề xuất dùng tiền ngân sách hỗ trợ

Thế Anh Thứ bảy, ngày 14/10/2023 09:00 AM (GMT+7)
Dự án BOT Cầu Thái Hà được kỳ vọng là "gà đẻ trứng vàng", nhưng "đặt sai vị trí" đã khiến cho BOT Cầu Thái Hà rơi vào tình trạng thu không đủ chi, liên tục lỗ. Tuy nhiên, điều bất ngờ hơn, cổ đông nắm 65% dự án Cầu Thái Hà là doanh nghiệp tham gia sâu trong mảng trang thiết bị y tế.
Bình luận 0

Tiếp tục đề xuất dùng hơn 10.000 tỷ đồng ngân sách xử lý 8 dự án BOT đặt sai vị trí

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Chính phủ chi 10.342 tỷ đồng để xử lý 8 dự án BOT đặt sai vị trí. Trước khi có văn bản gửi Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất trên, Bộ Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến đầy đủ các bộ, ngành và các địa phương để làm rõ những bất cập tại các dự án BOT và tìm giải pháp cho 8 dự án BOT đặt sai vị trí.

Trong 8 dự án Bộ Giao thông Vận tải nêu, có 5 dự án được đề xuất mua lại gồm: BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 dự kiến 2.850 tỷ đồng; BOT nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91, TP Cần Thơ với 1.754 tỷ đồng; BOT vành đai phía Tây TP Thanh Hóa với 892 tỷ đồng; BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk với 745 tỷ đồng; BOT cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn với 571 tỷ đồng. Theo Bộ GTVT, các dự án này sẽ xóa trạm thu phí sau khi Nhà nước bố trí ngân sách mua lại.

Đối với 3 dự án còn lại, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xem xét tiếp tục hợp đồng và kéo dài thời gian hoàn vốn, đồng thời Chính phủ hỗ trợ không vượt quá 49% tổng vốn đầu tư công trình. Đó là dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả, dự kiến bổ sung 2.280 tỷ đồng, kéo dài thời gian thu phí khoảng 28 năm; BOT cầu Thái Hà (Thái Bình, Hà Nam) được đề xuất bố trí 717 tỷ vốn ngân sách, thời gian hoàn vốn kéo dài 35 năm, nhà đầu tư cam kết giảm 50% tỷ suất lợi nhuận; Dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì dự kiến bổ sung 533 tỷ đồng, kéo dài thời gian hoàn vốn 22 năm.

Doanh nghiệp trang thiết bị y tế nắm chi phối BOT cầu Thái Hà

BOT cầu Thái Hà (Thái Bình, Hà Nam) là 1 trong 3 dự án được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xem xét tiếp tục hợp đồng và kéo dài thời gian hoàn vốn, đồng thời Chính phủ hỗ trợ không vượt quá 49% tổng vốn đầu tư công trình.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, dự án BOT cầu Thái Hà (Thái Bình, Hà Nam) được Bộ GTVT ban hành quyết định 3890/QĐ-BGTVT ngày 14/10/2014, phê duyệt kết quả nhà đầu tư thực hiện dự án cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối tỉnh Thái Bình – Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình theo hình thức BOT.

Khi đó, Liên danh Công ty TNHH – Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân – Công Ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Bình Minh được phê duyệt là nhà đầu tư của dự án. Trong đó, từ giai đoạn thành lập đến thời điểm được phê duyệt kết quả nhà đầu tư dự án BOT Cầu Thái Hà, Tiến Đại Phát là doanh nghiệp tham gia sâu vào nhập khẩu trang thiết bị Y tế.

Kỳ vọng dự án BOT Cầu Thái Hà là "Gà đẻ trứng vàng", chủ đầu tư "méo mặt" - Ảnh 1.

Trạm thu phí BOT cầu Thái Hà. Ảnh: Nhân Dân

Ngày 16/10/2014, liên danh này đã thành lập Công ty CP BOT Cầu Thái Hà với số vốn góp ban đầu là 245 tỷ đồng, trong đó Công ty Tiến Đại Phát nắm giữ 65% vốn, Công ty Phú Xuân nắm giữ 25% và Công ty Bình Minh nắm giữ 10%. Ngày 27/3/2015, Công ty CP BOT Cầu Thái Hà đã ký kết hợp đồng BOT với Bộ GTVT để thực hiện dự án cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối tỉnh Thái Bình – Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình theo hình thực BOT với tổng mức đầu tư là 1.709 tỷ đồng.

Chỉ 3 tháng sau đó, tháng 6/2015, cả 3 cổ đông sáng lập của BOT Cầu Thái Hà đã dùng cổ phần của mình tại Công ty BOT Cầu Thái Hà làm tài sản đảm bảo cho khoản vay gần 1.260 tỷ đồng tại Ngân hàng trong nhóm Big 4. Cụ thể, Công ty Bình Minh dùng 2,48 triệu cổ phần tại BOT Cầu Thái Hà làm tài sản thế chấp cho khoản vay gần 1.260 tỷ đồng. Tương tự, Công ty Tiến Đại Phát đã thế chấp hơn 15,9 triệu cổ phần tại BOT Cầu Thái Hà. Công ty Phú Xuân thế chấp gần 17 triệu cổ phần BOT Cầu Thái Hà.

Trước đó, tháng 5/2015, BOT Cầu Thái Hà đã thế chấp toàn bộ tài sản là tất cả quyền tài sản (bao gồm nhưng không giới hạn Quyền thu phí tại trạm thu phí để hoàn vốn đầu tư của Dự án, quyền khai thác Dự án của BOT Cầu Thái Hà phát sinh từ Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng và Các hợp đồng mà BOT Cầu Thái Hà ký với các tổ chức.

4 năm thành lập, ngày 26/10/2018, Công ty CP BOT Cầu Thái Hà đã tăng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT là ông Ngô Tiến Cương, ông Cương đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tiến Đại Phát; Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Đức Ý.

Đến tháng 1/2019, dự án cầu Thái Hà chính thức được đưa vào khai thác thu phí và Công ty CP BOT Cầu Thái Hà cũng chính thức niêm yết trên sàng chứng khoán với số lượng cổ phiếu đăng ký là 40 triệu cổ phiếu.

Tính đến ngày 15/1/2019, cơ cấu cổ đông nắm giữ trên 5% cổ phần của Công ty CP BOT Cầu Thái Hà gồm có Công ty TNHH Tiến Đại Phát nắm giữ 23.790.000 cổ phần, tương đương 59,48%; Cá nhân bà Nguyễn Thị Lan Hương nắm giữ 2.725.000 cổ phần, tương đương 6,81%; Công ty CP CNC Capital Việt Nam nắm giữ 7.600.000 cổ phần, tương đương 19%; Công ty CP PIV nắm giữ 3.950.000 cổ phần, tương đương 9,88%.

Công ty CP BOT Cầu Thái Hà được thành lập với mục đích duy nhất là triển khai dự án cầu Thái Hà vượt sông Hồng theo hình thức BOT.

Về cơ cấu nguồn vốn của Công ty CP BOT Cầu Thái Hà tính đến ngày 31/12/2018 có vốn chủ sở hữu chỉ đạt 400 tỷ đồng; Nợ phải trả là 1.087 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 49 tỷ đồng, nợ dài hạn là hơn 1.038 tỷ đồng.

Có thể nói, khi thành lập Công ty CP BOT Cầu Thái Hà lãnh đạo doanh nghiệp này kỳ vọng rất lớn vào dự án BOT Cầu Thái Hà sẽ đem lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp.

Lợi nhuận BOT Cầu Thái Hà "lao dốc"

Dự án BOT Cầu Thái Hà được kỳ vọng "Gà đẻ trứng vàng" cho chủ đầu tư. Công ty CP BOT Cầu Thái Hà đặt kế hoạch năm 2019 có doanh thu đạt 88,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2,2 tỷ đồng; Năm 2020 có doanh thu đạt 111,1 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 2,8  tỷ đồng, tương đương tăng 26% so với năm 2019.

Trái với kỳ vọng trước đó, kể từ khi dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng, nối Thái Bình và Hà Nam được thông xe kỹ thuật tháng 11/2016 và bắt đầu chính thức khai thác, thu phí từ tháng 1/2019 với Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16 năm 7 tháng.

Trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2021, doanh thu của dự án BOT cầu Thái Hà  đem về vỏn vẹn hơn 83 tỷ đồng. Bình quân một ngày thu khoảng 76 triệu đồng, đạt 14 -15% so phương án tài chính xây dựng.

Cụ thể, năm 2019, doanh thu đạt hơn 26 tỷ đồng (hơn 15% số thu theo hợp đồng). Sang năm 2020, doanh thu đạt hơn 28 tỷ đồng (hơn 14% số thu theo hợp đồng). Năm 2021, doanh thu hơn 29 tỷ đồng (đạt hơn 14%); lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 81 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Công ty CP BOT Cầu Thái Hà giảm chỉ còn hơn 238 tỷ đồng; Nợ phải trả tăng lên hơn 1.221 tỷ đồng; Doanh thu gộp chỉ đạt hơn 24 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 79 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo Quý II/2023 của Công ty CP BOT Cầu Thái Hà, lợi nhuận sau thuế lỗ gần 19 tỷ đồng.

Vì doanh thu đạt tỷ lệ quá thấp so với phương án tài chính nên ảnh hưởng đến khả năng hoàn vốn của dự án khiến Công ty CP BOT Cầu Thái Hà đứng trước nguy cơ phá sản và phải "cầu cứu" tới Bộ GTVT. Nguyên nhân được Công ty CP BOT Cầu Thái Hà đưa ra là do chủ yếu lưu lượng xe chọn đi tuyến cầu Hưng Hà vì không phải trả phí.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư dự án BOT cầu Thái Hà, Bộ GTVT đã nhiều lần đàm phán với Công ty CP BOT Cầu Thái Hà để tìm ra phương án tháo gỡ, đồng thời đề xuất Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 717 tỷ vốn ngân sách trả cho nhà đầu tư và thời gian hoàn vốn kéo dài 35 năm, nhà đầu tư cam kết giảm 50% tỷ suất lợi nhuận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem