Dự án BOT dừng thu phí: Doanh nghiệp phải ký bàn giao để Bộ GTVT tiếp quản

Thế Anh Thứ năm, ngày 08/06/2023 09:02 AM (GMT+7)
Sáng nay (8/6), tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tiếp tục trả lời các vấn đề "nóng" tranh luận về hoạt động vận tải và logistics.
Bình luận 0

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu về các giải pháp giảm chi phí logistics, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: "Chi phí logistics của chúng ta và thế giới đều được so sánh với chỉ số GDP. Năm 2022, chi phí logistics của chúng ta đang là con số 18,6% GDP, tỷ lệ này còn cao so với bình quân chung.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đã tiệm cận được chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đã đề ra về mục tiêu logistics của Việt Nam đến năm 2025 chi phí logistics chiếm khoảng từ 16 - 20%. Điều này đã minh chứng bằng chỉ số EPI, đó là chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam vừa được ngân hàng thế giới công bố vào tháng 3/2023.

Dự án BOT dừng thu phí: Doanh nghiệp phải ký bàn giao để Bộ GTVT tiếp quản - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Quốc hội

Chúng ta đang xếp ở vị trí 43 trong tổng số 139 nước tham gia xếp hạng và trong ASEAN chúng ta đứng thứ 4. Đây cũng là những kết quả ban đều để chúng ta phấn đầu, thực tế dư địa để giảm chi phí logistics còn rất nhiều.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nỗ lực cố gắng với trách nhiệm của Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan để tập trung giải quyết một số giải pháp.

Thứ nhất là tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, đầu tư phát triển một số cảng cạn, trung tâm logistics để đẩy mạnh vận tải đa phương thức.

Đặc biệt, chúng ta đã công bố 4 quy hoạch, riêng chỉ còn quy hoạch cảng hàng không cũng đã hoàn tất các thủ tục đã trình lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT hy vọng trong những ngày tới, quy hoạch sẽ được phê duyệt.

Như vậy, chúng ta sẽ có 5 quy hoạch, khi thực hiện Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để tính toán câu chuyện kết nối hạ tầng với nhau. Trong 5 quy hoạch, chúng ta lấy quy hoạch hàng hải làm trung tâm kết nối với đường thuỷ, đường bộ, đường sắt. Cái khó nhất là kết nối các tuyến đường vào cảng thuỷ phía Bắc, các cảng nằm bên ngoài đê do đó vướng về trọng tải đi qua đê.

Dự án BOT dừng thu phí: Doanh nghiệp phải ký bàn giao để Bộ GTVT tiếp quản - Ảnh 2.

Bộ GTVT đang quy hoạch thêm nhiều cảng cạn làm trung tâm logistics. Ảnh: Thế Anh

Thứ 2 là ra soát nghiên cứu để đề xuất các giải pháp liên quan đến giá phí vận tải như giảm phí sử dựng đường bộ, phí hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển. Tiếp đó, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý khai thác cảng biển, chỉ làm vậy mới giảm được thủ tục tạo thuận lợi cho chủ hàng và chủ tàu.

Ngoài ra, Bộ GTVT tiếp tục chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện phân cấp, phân quyền trong đầu tư khai thác hạ tầng để tránh dàn trải và gây cạnh tranh không lành mạnh, lãng phí nguồn lực xã hội.

Cũng trả lời câu hỏi của một đại biểu về câu hỏi tần suất khai thác cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải, Bộ trưởng Thắng cho rằng: "Những thông tin đại biểu đưa ra về quá tải hạ tầng Tân Sơn Nhất là rất chính xác".

Đường băng tại Tân Sơn Nhất xuống cấp, chúng ta nâng cấp nhằm đảm bảo mục tiêu cất hạ/cánh an toàn. Vừa qua có câu chuyện, bay từ 42 - 46 chuyến bay dẫn tới nhà ga Tân Sơn Nhất không đáp ứng được và cả đường kết nối trong và ngoài nhà ga đều không kết nối được.

Cục Hàng không đã phải phối hợp với Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) điều chỉnh và phải đẩy một số chuyến ra khỏi giờ vàng khai thác để gỉam ùn tắc. Vừa qua, việc ùn tắc đã được giải quyết, sắp tới chúng tôi xin ghi nhận để khi hoàn thành nhà ga T3 Tân Sơn Nhất chúng ta sẽ đẩy các chuyến bay lên.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thị Phúc về giải pháp xử lý dự án BOT đã dừng thu phí, Bộ trưởng Thắng nêu rõ: Với quốc lộ 51, vừa qua Bộ GTVT đã yêu cầu doanh nghiệp dự án thực hiện bàn giao và doanh nghiệp chưa chịu bàn giao.

Chúng tôi đang yêu cầu quyết liệt phải ký phụ lục bàn giao để Bộ GTVT tiếp quản và thực hiện quản lý, bảo trì dự án. Trong trường hợp doanh nghiệp không chịu bàn giao, Bộ GTVT vẫn sẽ chỉ đạo thực hiện việc tiếp quản và bỏ tiền nâng cấp sửa chữa những điểm hư hỏng và sẽ tính vào chi phí với doanh nghiệp.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem