Những doanh nhân 9X đưa nông nghiệp Hà Tĩnh 'cất cánh'

13/10/2020 16:37 GMT+7
Nhiều người tuổi đời còn trẻ nhưng đã là giám đốc, phó giám đốc các Hợp tác xã (HTX), chủ trang trại... đang hoạt động kinh tế có hiệu quả.

Nhiều người tuổi đời còn trẻ nhưng đã là giám đốc, phó giám đốc các Hợp tác xã (HTX), chủ trang trại... đang hoạt động kinh tế có hiệu quả.

Những doanh nhân 9X đó góp phần đưa nông nghiệp Hà Tĩnh ngày càng phát triển. Họ mang nhiệt huyết tuổi trẻ cống hiến và góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Đó chính là anh Trần Hậu Nhân (sinh năm 1992) - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà). HTX của anh Nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các dịch vụ khác như phân bón, vật tư nông nghiệp... nên anh mạnh dạn đầu tư để xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn sản xuất với tiêu thụ.

Vụ hè thu 2020, HTX thuê 27,9 ha đất sản xuất xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Đây là mô hình tích tụ ruộng đất đầu tiên của Hà Tĩnh triển khai theo cơ chế này. Anh Trần Hậu Nhân cho biết: “HTX đã cắm mốc quy hoạch 15 vùng sản xuất, lộ trình sẽ phá bỏ 284 thửa đất nhỏ lẻ thành 50 thửa lớn với diện tích tối thiểu 0,5 ha/thửa; HTX cũng quy hoạch lại hạ tầng, xây kênh mương nội đồng hợp lý, đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả cao nhất”.

Những doanh nhân 9X đưa nông nghiệp Hà Tĩnh 'cất cánh' - Ảnh 1.

Cơ giới hóa trên cánh đồng mẫu lớn.

Theo kế hoạch, HTX sẽ thành lập 15 tổ hợp tác để quản lý, chăm sóc 15 vùng sản xuất dưới sự quản lý của HTX; áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến bao tiêu, xây dựng sản phẩm OCOP.

Từ đây, từng bước thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, gieo cấy truyền thống hướng đến nền sản xuất nông nghiệp tập trung, hàng hóa, đồng nhất giống, quy trình và sản phẩm; giúp giảm chi phí và sức lao động, tăng diện tích, năng suất và thu nhập cho người dân.

Đó chính là chị Đặng Thị Bình (sinh năm 1992) -  Phó Giám đốc HTX thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng. Sinh ra và lớn lên ở Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh), từ nhỏ chị Bình đã rất mê hương vị nước mắm truyền thống quê mình, luôn ấp ủ ước mơ làm giàu, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương bằng những giọt nước mắm truyền thống.

Chị Bình tâm sự: “Nước mắm ngon, chất lượng tốt nhưng nếu không được giới thiệu và quảng bá rộng rãi thì cũng không ai biết đến sản phẩm của mình. Vì vậy tôi đã theo chân các đoàn tham quan học hỏi  kinh nghiệm tại các tỉnh bạn để lĩnh hội cách thức kinh doanh, quảng bá thương hiệu. Cũng nhờ đó, nước mắm, cá mờm rim lạc của HTX chúng tôi càng ngày được nhiều người biết đến. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ trên thị trường Hà Tĩnh mà đã có mặt ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hòa Bình.... HTX đang hoàn thiện hợp đồng ký kết để đưa vào tiêu thụ tại siêu thị BigC, Mường Thanh, Coopmart”.

Những doanh nhân 9X đưa nông nghiệp Hà Tĩnh 'cất cánh' - Ảnh 2.

Gian trưng bày sản phẩm nước mắm của HTC Chiến Thắng.

Ước mơ làm giàu cho  quê hương mới ngày nào còn ấp ủ trong tâm trí của chị Bình giờ đã trở thành hiện thực khi quy mô sản xuất của HTX được mở rộng, doanh thu ngày một tăng lên, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho lao động địa phương. Riêng năm 2019 doanh thu đạt trên 8,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1 tỷ (gấp hơn 2 lần năm 2018), giải quyết việc làm cho 14 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ có thu nhập trên 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Đó chính là chàng thanh niên sinh năm 1991 Phạm Đình Đạo (thôn Trần Phú, xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà) từ hai bàn tay trắng đến nay anh Đạo đã xây dựng cho mình một trang trại chăn nuôi gà thả rông trên cát theo hướng chăn nuôi an toàn thực phẩm.

Năm 2017, anh Đạo thuê lại 5,6 ha đất hoang hóa để xây dựng trang trại nuôi gà thả rông trên cát với 4 chuồng nuôi gà, mỗi chuồng có từ 1.000 – 2.000 con. Mỗi chuồng gà có diện tích 100 m2, nền được phủ một lớp trấu, có gắn camera an ninh.

Bên cạnh 4 chuồng nuôi đều có kho chứa thức ăn, có 24 máng thức ăn và 8 máng uống nước tự động. Khoảng cách giữa các chuồng nuôi là 30m, đảm bảo sân rộng khi thả gà. Nhờ không gian nuôi rộng nên gà thả rông cho thịt săn chắc, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng.

Tại thời điểm hiện tại, anh Đạo bán gà thịt với giá 65.000 đồng/kg, mỗi tháng lời 25 - 30 triệu đồng. Hiện nay, gà thịt từ trang trại của anh Đạo có thị trường tiêu thụ chủ yếu ở TP Vinh (Nghệ An), TP Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh, huyện Thạch Hà và các vùng lân cận.

Những doanh nhân 9X đưa nông nghiệp Hà Tĩnh 'cất cánh' - Ảnh 3.

Trang trại gà của anh Đạo.

Với kinh nghiệm và học hỏi từ các khóa học nông nghiệp, anh Đạo đang hướng đến mô hình nuôi gà trên cát an toàn. Bước đầu anh đang dần thay thế việc dùng vacxin, thuốc kháng sinh bằng cách pha chế và cho gà uống các thảo dược, trong đó có tỏi ngâm. Anh Đạo cũng đang nghiên cứu và áp dụng các loại cây cỏ có chứa kháng sinh và có thể trị bệnh cho gà. Nhờ vậy mỗi tháng anh có thể vừa tiết kiệm được chi phí chăn nuôi, vừa đảm bảo gà an toàn phục vụ thị hiếu người tiêu dùng.

Trên đây là điển hình tiêu biểu đại diện cho những thanh niên thế hệ 9X đã và đang sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, đưa nền nông nghiệp Hà Tĩnh ngày càng phát triển.


Hoàng Thanh/ Nông nghiệp VN
Cùng chuyên mục