Hình ảnh mới nhất về cảnh quan nông thôn mới sạch, đẹp, khang trang ở huyện Nho Quan của Ninh Bình

Vũ Thượng Thứ tư, ngày 09/11/2022 10:59 AM (GMT+7)
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trong điều kiện là huyện miền núi, Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) đã chủ động khắc phục khó khăn để từng bước hoàn thành các tiêu chí. Đến nay, huyện Nho Quan đã có 26 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 1 xã NTM kiểu mẫu, 2 xã NTM nâng cao…
Bình luận 0

Nho Quan huyện xuất phát điểm nông thôn mới thấp

Huyện Nho Quan nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Ninh Bình, là huyện miền núi, bao gồm 27 đơn vị hành chính. Dân số trung bình năm 2021, toàn huyện là trên 151.000 người, trong đó dân tộc thiểu số là trên 27.000 người, chiếm 18%; công giáo là trên 25.000 người, chiếm 17%.

Ngoài ra, huyện Nho Quan nằm trong vùng phân lũ chậm lũ (trong đó có 9 xã an toàn khu; trước năm 2021 có 5 xã đặc biệt khó khăn và 24 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn). Đây cũng là huyện có xuất phát điểm thấp, năm 2011, khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, bình quân các xã trên địa bàn huyện Nho Quan mới chỉ đạt từ 3-4 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người 14,86 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo bình quân 11,69%.

Trong khi đó tiêu chí huyện mới đạt từ 3 tiêu chí. Đến hết năm 2015, huyện Nho Quan mới có 7/26 xã đạt chuẩn NTM, bình quân các xã đạt 13 tiêu chí/xã, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao 6,9%...

Ninh Bình: Huyện miền núi Nho Quan đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh 2.

Huyện Nho Quan xuất phát điểm xây dựng NTM năm 2011, đang còn thấp Ảnh: Vũ Thượng

Đồng thời, trong công tác lập quy hoạch vùng huyện, cũng như công tác lập quy hoạch chung xây dựng NTM của các xã, còn một số hạn chế dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung cục bộ quy hoạch. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn chưa đồng bộ, kinh tế và tổ chức sản xuất có nhiều chuyển biến, nhưng chưa bền vững;..

Đặc biệt, trong công tác phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với thực tế để nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn còn lúng túng. Công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề phát triển còn chậm, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn.

Ninh Bình: Huyện miền núi Nho Quan đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh 3.

Kỳ Phú (huyện Nho Quan) là một trong 10 xã có mật độ dân cư thấp nhất tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Vũ Thượng

Cả hệ thống quyết tâm hoàn thành huyện nông thôn mới

Nho Quan là huyện miền núi, xuất phát điểm thấp…trong khi đó xây dựng NTM cần có kinh phí, tính ổn định lâu dài sau khi đạt chuẩn nông thôn mới. Chính vì thế, trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên.

Ninh Bình: Huyện miền núi Nho Quan đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh 4.

Cả hệ thống chính trị huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) quyết tâm hoàn thành huyện nông thôn mới. Ảnh: Vũ Thượng

Đồng thời, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, Ban Chỉ đạo huyện, sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp; chủ trương, chính sách xây dựng NTM đã huy động được sự tham gia của toàn xã hội; sự tham gia của cộng đồng dân cư nông thôn, những người đóng vai trò là chủ thể của xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, huyện Nho Quan thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Ninh Bình về triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Huyện ủy, UBND huyện Nho Quan đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện hệ thống tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện từ huyện đến cơ sở.

Qua đó, huyện Nho Quan sớm thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của huyện, thường xuyên kiện toàn đảm bảo chỉ đạo thực hiện chương trình có hiệu quả. Giai đoạn 2021-2025, gồm 37 người, do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban.

Ninh Bình: Huyện miền núi Nho Quan đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh 5.

Huyện Nho Quan có lợi thế phát triển du lịch. Ảnh: Vũ Thượng

Bên cạnh đó, Nho Quan cũng có hỗ trợ kinh phí từ 30-60 triệu đồng/xã mua xi măng cho các xã, thị trấn để hoàn thành xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang đường giao thông; Hỗ trợ 30-40 triệu đồng/công trình để xây mới, nâng cấp nhà văn hóa thôn; Hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp 50-150 triệu đồng/mô hình;…

Huyện Nho Quan còn thưởng từ 100-200 triệu đồng cho các xã đạt chuẩn NTM, xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 20 triệu đồng cho thôn, xóm được công nhận Khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Ninh Bình: Huyện miền núi Nho Quan đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh 6.

Trường THPT đặt trên địa bàn huyện Nho Quan được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Vũ Thượng

Cũng trong xây dựng NTM, Ban chỉ đạo huyện Nho Quan đã phối hợp với Văn phòng điều phối NTM tỉnh Ninh Bình, và các xã trên địa bàn mở 280 lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề và hội nghị lồng ghép về NTM cho 4.072 lượt cán bộ thuộc ban chỉ đạo cấp huyện, xã tham gia

Ngoài ra còn tổ chức đoàn đi thăm quan học tập các mô hình xây dựng NTM, mô hình sản xuất; mở các lớp chuyên đề nâng cao kiến thức xây dựng NTM và dồn điền đổi thửa cho các hộ thôn, bản...cụ thể ở các tỉnh như: Nam Định, Quảng Ninh, Thái Bình, Hòa Bình, Quảng Nam....

Nho Quan tự hào với kết quả nông thôn mới đạt được

Được biết, trong quá trình huyện Nho Quan xây dựng NTM, tổng kinh phí đầu tư: 6.616.129 triệu đồng bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước 2.205.479 triệu đồng (chiếm 33,3%); Vốn tín dụng 2.983.874 triệu đồng (chiếm 45,1%); Vốn huy động từ doanh nghiệp 443.523 triệu đồng (chiếm 6,7%); Vốn tham gia của cộng đồng dân cư 983.253 triệu đồng (chiếm 14,9%).

Ninh Bình: Huyện miền núi Nho Quan đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh 7.

Văn Phong xã NTM nâng cao của huyện Nho Quan. Ảnh: Vũ Thượng

Cụ thể, năm 2011, UBND huyện Nho Quan đã chỉ đạo 26/26 xã triển khai lập quy hoạch xây dựng NTM và xây dựng đề án xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020. Đến năm 2012, đã có 100% các xã đã được UBND huyện phê duyệt quy hoạch chung xây dựng NTM. Năm 2016, có 100% xã được UBND huyện phê duyệt Quy hoạch sản xuất giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đến hết năm 2021, có 26/26 xã (100%) đạt tiêu chí số 1 về quy hoạch theo Bộ tiêu chí xã NTM.

Đối với tiêu chí giao thông, từ năm 2012-2021, toàn huyện Nho Quan đã tiếp nhận 67.150 tấn xi măng, triển khai xây dựng, nâng cấp được 2.398 tuyến đường, với tổng chiều dài 641 km đường giao thông; cứng hóa 185 km đường trục chính nội đồng.

Ninh Bình: Huyện miền núi Nho Quan đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh 8.

Những tuyến đường hoa nông thôn mới tại huyện Nho Quan. Ảnh: Vũ Thượng

Đến nay 100% số xã đã có đường tới trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn theo quy định; 100% số thôn, xóm có đường ngõ, xóm bằng bê tông; Các xã đã lắp đặt 452 biển báo, chỉ dẫn giao thông, xây dựng 25km rãnh thoát nước, vỉa hè, lắp đặt 253km đường điện chiếu sáng, trồng trên 150 km đường hoa, cây xanh ven các trục đường và ở các khu dân cư.

Ninh Bình: Huyện miền núi Nho Quan đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh 9.

Một vụ cấy lúa, vụ còn lại thả cả đem lại kinh tế cao cho người dân Nho Quan. Ảnh: Vũ Thượng

Đối với tiêu chí về thủy lợi, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện Nho Quan đã triển khai thực hiện việc lồng ghép các chính sách (công ích thủy lợi) xây dựng, nâng cấp trên 150 công trình thủy lợi các loại (trong đó kiên cố hóa được 360,14km kênh mương, đạt 80%; xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa được 54 trạm bơm, 80 cống các loại...).

Nhìn chung các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Nho Quan thường xuyên được quan tâm đầu tư, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay, 35.358ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện Nho Quan đều đảm bảo tưới, tiêu.

Tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Nho Quan giảm qua các năm

Huyện Nho Quan có xuất phát điểm thấp, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao nên năm 2011, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện mới đạt 14,86 triệu đồng/người/năm.

Ninh Bình: Huyện miền núi Nho Quan đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh 10.

Nhờ mô hình nuôi hươu sao lấy nhung giúp nhiều gia đình tại huyện Nho Quan có thu nhập ổn định. Ảnh: Vũ Thượng

Để cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nho Quan đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Qua đó, năm 2020, mức thu nhập bình quân toàn huyện Nho Quan đạt 51,59 triệu đồng/người/năm; năm 2021, thu nhập bình quân toàn huyện đạt 52,50 triệu đồng/người/năm. Đối với tỷ lệ hộ nghèo, năm 2011, toàn huyện Nho Quan chiếm tới 11,69%, đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo 526/45.384 hộ, giảm xuống còn 1,16%.

"Huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) đạt chuẩn nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước và công tác tuyên truyền vận động của Mặt trận, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở;…

Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, không ngừng củng cố, duy trì, nâng cao các tiêu chí NTM. Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng các nhóm tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, y tế,…nhằm phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế so sánh, vai trò chủ thể của người dân trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện.

Quá trình xét công nhận các xã đạt chuẩn NTM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân ở các xã kết quả đều đạt 90% trở lên.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Nho Quan duy trì, nâng cao 9/9 tiêu chí huyện NTM. Ngoài ra, giữ vững số xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010-2020 (26/26 xã); Duy trì, giữ vững 1 xã Đồng Phong đạt NTM kiểu mẫu và 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Gia Thủy, Văn Phong)…Giai đoạn 2025-2030, huyện Nho Quan phấn đấu huyện NTM nâng cao", ông Hoàng Khắc Tiệp-Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem