Nikkei: Kinh tế Việt Nam là điểm sáng duy nhất ở Đông Nam Á trong đại dịch
Trong quý III/2020, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đạt 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý tăng trưởng thứ hai liên tiếp trong bối cảnh đại dịch. Trái với các nền kinh tế khác trong khu vực đang vật lộn để phục hồi, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương ổn định. Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF mới đây dự kiến Việt Nam sẽ vươn lên thành nước có GDP danh nghĩa lớn thứ 4 trong ASEAN trong năm nay.
Tờ Nikkei Asian chỉ ra GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện chỉ rơi vào khoảng 3.500 USD, tức thấp hơn rất nhiều mức 58.500 USD của Singapore và 10.200 USD của Malaysia. Nhưng cuộc khủng hoảng đại dịch đang thúc đẩy sự thay đổi trật tự kinh tế trong khu vực. Trong khi các nền kinh tế ASEAN khác chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, Việt Nam đã thành công kiểm soát dịch bệnh từ rất sớm và bình thường hóa hoạt động kinh tế.
Kim ngạch xuất khẩu tăng cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Tính riêng trong tháng 10 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 26,7 tỷ USD. Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt mức tăng 3-4%.
Cuối tháng 10 qua, một siêu tàu container của Maersk đã cập cảng Cái Mép, đánh dấu một dấu mốc quan trọng cho bản đồ hàng hải Việt Nam. Sau sự kiện này, cảng Cái Mép của Việt Nam chính thức trở thành một trong số khoảng 20 cảng lớn trên thế giới có đủ năng lực tiếp nhận siêu tàu container lớn nhất thế giới. Điều này cũng mở ra cánh cửa cho hàng hóa từ Việt Nam được vận chuyển trực tiếp đến người mua, qua đó giảm chi phí vận chuyển cũng như rút ngắn thời gian vận chuyển, tăng lợi thế cạnh tranh cho nước ta với tư cách nhà xuất khẩu. Trước đây, các siêu tàu này thường lựa chọn những cảng quốc tế lớn trong khu vực như Singapore để cập cảng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được đánh giá là một trong các quốc gia hưởng lợi từ xung đột thương mại Mỹ - Trung khi đón làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Nhiều tập đoàn đa quốc gia toàn cầu và thậm chí cả các doanh nghiệp Trung Quốc đã chọn cách chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận dụng nguồn lao động tay nghề cao, chi phí thấp. Theo Nikkei Asian, Samsung Electronics hiện cũng đang xem xét chuyển hoạt động sản xuất laptop từ một nhà máy Trung Quốc sang Việt Nam.
Tính đến nay, Việt Nam mới ghi nhận khoảng 1.300 ca nhiễm Covid-19. Chính phủ Việt Nam đã áp đặt hàng loạt hạn chế kiểm dịch từ rất sớm giúp kiểm soát thành công đại dịch và đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường nhanh hơn các quốc gia khác trong khu vực. Tỷ lệ mất việc được giảm thiểu tối đa trong khi chi tiêu tiêu dùng - vốn đóng góp 70% vào tăng trưởng GDP - vẫn duy trì ở mức ổn định.
Trong khi đó, các quốc gia ASEAN khác vẫn đang lao đao vì dịch bệnh. IMF cảnh báo Singapore và Malaysia có nguy cơ chứng kiến tăng trưởng GDP -6% trong khi tăng trưởng kinh tế Thái Lan dự kiến rơi xuống mức -7,1%.
Tại Malaysia, chính phủ đã công bố dữ liệu GDP -2,7% trong quý III, kéo theo sự sụt giảm 4% trong lĩnh vực dịch vụ vốn đóng góp gần 60% trong cơ cấu GDP quốc gia. Các ngành dịch vụ liên quan đến du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong bối cảnh số ca nhiễm mới Covid-19 có dấu hiệu tăng vọt.
Chính phủ Thái Lan hồi đầu tuần cũng công bố dữ liệu GDP -6,4% trong quý III, quý giảm thứ 3 liên tiếp. Tại Indonesia, các ca nhiễm mới cũng đang tăng lên mức cao, gây sức ép trực tiếp lên sự phục hồi kinh tế.
Tờ Asian Nikkei chỉ ra rằng dù một số quốc gia ASEAN được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm tới nhưng Việt Nam có thể sẽ là nền kinh tế duy nhất trong khu vực ghi nhận mức tăng trưởng GDP thực tế trong nửa đầu năm 2021.