Ninh Thuận: Nuôi những con bò lạ vóc dáng to bự, nhà nào chăn nuôi bò vỗ béo nhà đó khá giả

Thứ ba, ngày 13/10/2020 13:00 PM (GMT+7)
Nhằm phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân, những năm qua xã Hòa Sơn (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) đã tuyên truyền, khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đất trồng mỳ, mía kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi bò theo hình thức nuôi bò vỗ béo và đạt thành công nhất định.
Bình luận 0

Theo chân cán bộ nông nghiệp xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) chúng tôi đến thăm gia trại của anh Trần Quốc Hùng, thôn Tân Hòa để tận mục sở thị hiệu quả kinh tế mà mô hình chăn nuôi bò vỗ béo mang lại. 

Ninh Thuận: Trồng cỏ nuôi những con bò lạ to bự, nhà nào chăn nuôi bò vỗ béo nhà đó khá giả - Ảnh 1.

Nuôi bò vỗ béo đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân xã Hòa Sơn (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận). Các hộ dự toán nuôi bò thịt đều có lãi.

Mô hình nuôi bò hộ gia đình

Anh Hùng chia sẻ: Những năm trước kinh tế gia đình phụ thuộc vào sản xuất mía và mỳ, thời tiết ngày một khắc nghiệt, đầu ra bấp bênh, mùa được mùa mất nên thu nhập không đáng kể. Đến năm 2016, thông qua dự án nuôi bò vỗ béo tại địa phương, gia đình được hỗ trợ vốn để mua 3 con bò đực. Sau 6 tháng chăm sóc, tôi xuất lứa đầu tiên, với số tiền lãi 20 triệu đồng...".


Nhận thấy tiềm năng kinh tế mà nuôi bò vỗ béo đem lại, anh bắt đầu đi mua những con bê về chăm sóc, trồng thêm 6 sào cỏ, đến nay gia trại của anh có 20 con bò đực vỗ béo, trong đó đáng chú ý là 6 con giống ken Pháp-giống bò ngoại to bự.

Theo anh Hùng thì giống bò ngoại vóc dáng to bự này cần nhiều vốn đầu tư, thời gian nuôi kéo dài, nhưng bù lại giá đầu ra cũng như chất lượng cao hơn so với giống bò lai sind, bò 3B, giống bò bản địa. Trung bình cứ mỗi con sau 6-10 tháng chăm sóc bán cho thương lái sau khi trừ chi phí, gia đình thu về hơn 15 triệu đồng.

Hạch toán chăn nuôi bò thịt

Giống như anh Hùng, mô hình của ông Võ Thành Đạt, thôn Tân Lập, xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) cũng cho thấy những ưu điểm vượt trội so với cách nuôi truyền thống như không mất công chăn thả, tiết kiệm thời gian.

Chia sẻ về cách nuôi bò vỗ béo ông Đạt cho hay: Trước hết chuồng nuôi bò phải kiên cố, thoáng mát, nền láng xi măng, máng ăn sạch sẽ. Thức ăn chính cho bò vỗ béo vẫn là cỏ xay, ngoài ra gia đình còn bổ sung thêm cám viên, uống nước muối pha loãng nhằm đảm bảo đủ dưỡng chất giúp bò tăng trọng nhanh. 

Chất thải chăn nuôi bò còn được tận dụng để trồng rau màu, bón cho cỏ rất tốt. Trước đây chăn bò thả rông, bây giờ chuyển sang nuôi bò theo hình thức bán công nghiệp nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. 

Với 9 con bò nuôi vỗ béo hiện nay, ông Đạt dự kiến sẽ bán vào dịp noel, sát Tết lúc nhu cầu tiêu thụ của thị trường cao, trừ chi phí còn lại cũng hơn trăm triệu đồng.

Đồng chí Đặng Hoàng Anh, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận cho biết: Hiện nay, tổng đàn bò của xã đạt 1.675 con. Thông qua các dự án nuôi bò vỗ béo, nuôi bò sinh sản, cải tạo đàn bò, người dân địa phương tham gia ngày một nhiều.

Vừa qua, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã đã hỗ trợ 15 con bò cho 15 hộ nghèo, với số tiền 299 triệu đồng. Thời gian tới, xã Hòa Sơn tiếp tục nhân rộng mô hình, vận động nhân dân đầu tư phát triển kinh tế vươn lên ổn định cuộc sống...",

ông Đặng Hoàng Anh, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.

Lê Tuấn (Báo Ninh Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem