Nợ nần chồng chất, đại gia tiền mã hóa hàng đầu thế giới Genesis chính thức nộp đơn xin phá sản
Nợ hơn 3 tỉ USD "đại gia tiền tệ" nộp đơn xin phá sản
Theo Thời báo Chứng khoán (Stcn.com), ngày 19/1/2023 theo giờ địa phương, công ty cho vay tiền mã hóa Genesis Global Capital đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên Tòa án Liên bang quận Nam New York. Là một trong những công ty cho vay tiền mã hóa lớn nhất thế giới, trong năm 2022 Genesis đã phát hành các khoản cho vay tiền mã hóa tổng cộng tới 130,6 tỉ USD.
Trong tài liệu đệ trình lên tòa án, Genesis cho biết rằng quy mô các khoản nợ phải trả của họ nằm trong khoảng từ 1 tỉ USD đến 10 tỉ USD.
Theo tin tức của các cơ quan truyền thông, Genesis hiện đang nợ các chủ nợ hơn 3 tỉ USD và sau khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản, các yêu cầu của chủ nợ sẽ được xử lý thông qua các thủ tục của Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ. Genesis và các cố vấn của công ty cho biết họ sẽ tiếp tục đánh giá các lựa chọn để thúc đẩy tiến độ hướng tới một giải pháp toàn cầu.
Hồ sơ xin phá sản Genesis đã công bố Danh sách 50 chủ nợ lớn nhất của họ, bao gồm Gemini Trust Company (765 triệu USD), công ty Mirana Ventures Mirana Corp (151 triệu USD), Moonalpha Financial Services Limited (150 triệu USD), tổ chức Coincident Capital International Ltd thuộc Quỹ phòng hộ tiền điện tử Coincident Capital (112 triệu USD), Decentraland (55 triệu USD), VanEck (53 triệu USD), Cumberland (18 triệu USD), Stellar Foundation (13 triệu USD) . Theo thống kê, số tiền Genesis nợ 50 chủ nợ lớn nhất này đã vượt quá 3,5 tỉ USD.
Điều đáng nói là Genesis Global Capital là một trong những công ty cho vay tiền mã hóa lớn nhất thế giới, đại diện tài sản kỹ thuật số cho các tổ chức tài chính như quỹ phòng hộ và công ty quản lý tài sản. Theo thông tin do Genesis cung cấp, vào năm 2022, Genesis đã phát hành tổng cộng 130,6 tỉ USD cho các khoản vay tiền mã hóa và quy mô giao dịch tài sản lên tới 116,5 tỉ USD.
Sau khi Genesis nộp đơn xin phá sản, số phận của chủ sở hữu đằng sau nó, Digital Currency Group (DCG), cũng đang khiến giới tiền tệ lo lắng.
Genesis trước đây đã cảnh báo rằng họ có thể phải nộp đơn xin phá sản nếu không thể huy động được tiền mặt. Công ty mẹ của Genesis là Digital Currency Group (DCG) đã viết thư gửi các cổ đông nói rằng công ty đang tạm dừng chia cổ tức hàng quý để tiết kiệm tiền mặt.
DCG là quỹ đầu tư mạo hiểm tiền điện tử lớn nhất thế giới và là công ty mẹ của Grayscale và CoinDesk. Theo thông tin chính thức, Digital Currency Group được thành lập vào năm 2015 và liên tục nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư như SoftBank, Tập đoàn Đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) và Quỹ đầu tư mạo hiểm CapitalG của Alphabet.
“Vụ nổ” FTX trở thành “chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài”
Nguyên nhân khiến Genesis bất ngờ nộp đơn xin phá sản là do hàng loạt sự kiện khủng hoảng trong giới tiền tệ kể từ đầu năm 2022 đến nay. Trong số đó, FTX, một trong những sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới "phát nổ" là cọng rơm cuối cùng đè bẹp hay chiếc đinh cuối đóng vào cỗ quan tài chôn vùi Genesis.
Vào ngày 11/11/2022, FTX đã đệ đơn xin phá sản. Tiền vốn của hơn một triệu khách hàng trên khắp thế giới đã bị biển thủ và không thể rút được số dư tài khoản. Người sáng lập của nó, Sam Bankman-Fried, một người thế hệ 9X được mệnh danh là "Buffett phiên bản 2.0" trở thành mục tiêu chỉ trích của công chúng. Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã cáo buộc Bankman-Fried biển thủ hàng tỷ đô la tiền gửi của khách hàng để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh và chính trị của mình. Các công tố viên liên bang Hoa Kỳ nói rằng Sam Bankman-Fried đã dàn dựng một trong những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Vào thời điểm đó, Genesis đã khẩn cấp tạm ngừng việc rút tiền của khách hàng với lý do "sự biến động chưa từng có của thị trường" và các vấn đề về thanh khoản.
Kể từ đó, công ty Genesis đã cố gắng tìm nguồn tài trợ mới nhưng không thành công. Cuối cùng, họ không còn cách nào khác là nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án vào ngày 19/1.
Theo trang Blue Whale Finance (lanjinger.com), vào tháng 11/2022, FTX, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới bị phá sản, Genesis bị ảnh hưởng nặng, phải đóng băng tất cả tài khoản của khách hàng vào ngày 16/11/2022, không thể đáp ứng yêu cầu mua lại của khách hàng . Theo thông tin công khai, 900 triệu USD tiền của khách hàng trên sàn giao dịch tiền mã hóa Gemini bị mắc kẹt trong Genesis.
Theo những người thông thạo về vấn đề này, Genesis và công ty mẹ DCG đã đàm phán bí mật với các chủ nợ về việc trả nợ và xử lý tài sản, nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được sự đồng thuận và các kế hoạch vẫn có thể thay đổi. Ngoài ra, Genesis đang thực hiện kế hoạch tái cấu trúc và đã thương lượng với các chủ nợ, một số chủ nợ đã đề xuất có được tiền mặt và quyền sở hữu cổ phiếu từ DCG. Nếu Genesis không thể huy động tiền mặt, phải nộp đơn xin phá sản vào đầu tuần. Vào ngày 6/1, một người am hiểu vấn đề tiết lộ Genesis đã cắt giảm 30% nhân sự.
Trước đây, Genesis đã chịu tổn thất nặng nề vì các khoản vay đối với cơ quan giao dịch của SBF là Alameda Research và Three Arrows Capital. Cả Alameda và Three Arrows đều đã nộp đơn xin phá sản vào năm ngoái. Sau khi thanh lý Three Arrows, Genesis đã phải sa thải 20% nhân viên của mình.
Theo trang Jiemian.com, Genesis đã bị lỗ 2,36 tỉ USD do cơn bão Three Arrows Capital. Sau khi FTX phá sản, Genesis tiết lộ rằng hoạt động kinh doanh phái sinh của họ có 175 triệu USD tiền không thể rút được.