Nông dân Bắc Giang, Hòa Bình bán vải, thanh long sang Nhật Bản, Úc ngon ơ vì được cấp một thứ, đó là gì?

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 06/01/2022 06:30 AM (GMT+7)
Từ khi được cấp mã số vùng trồng (MSVT) cho vùng sản xuất trái cây, nông dân đã từ bỏ thói quen canh tác truyền thống mà chuyển dần sang canh tác thông minh, áp dụng khoa học kỹ thuật, số hóa vào sản xuất. Từ đây, chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên rõ rệt cả về chất lượng và số lượng.
Bình luận 0

Trái vải thiều rộng đường sang Nhật

Tỉnh Bắc Giang hiện có 103ha vải thiều được cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật Bản. Để có được thành quả ngọt ngào này là sự cố gắng rất lớn của các cơ quan chuyên môn và người dân.

Niên vụ 2021, gia đình anh Lại Văn Viên ở thôn Hợp Thành, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) trồng 1ha vải theo tiêu chuẩn để xuất đi Nhật Bản. 

Từ thời điểm vải ra hoa, tuần nào cán bộ kỹ thuật thuộc tổ hỗ trợ của huyện cũng đến tận vườn kiểm tra, hướng dẫn quy trình chăm sóc. Khi có dấu hiệu của sâu bệnh, anh được khuyến cáo phun thuốc gì, phun như thế nào... Nhờ đó vườn vải phát triển tốt, bội thu.

gop/ Vé thông hành cho trái cây Việt ra thế giới - Ảnh 1.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) được cấp 2 mã số vùng trồng nhãn, với 18,8ha. Ảnh: Thu Thủy

"Nếu như trước đây, việc chăm sóc, bón phân không cần ghi chép, thì giờ chúng tôi đều phải ghi chép tỉ mỉ. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc từ phía công ty xuất, nhập khẩu vải, qua đó họ sẽ theo dõi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng".

Nông dân Phạm Văn Giang (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Hải Dương)

Ông Hoàng Ngọc Thanh ở xã Nam Dương cho biết, vụ vải năm 2021 ông bán cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu hơn 2 tấn vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản.

 Ông phấn khởi kể: "Để đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật Bản, vải thiều phải được sản xuất theo quy trình GlobalGAP, khi thu hoạch cũng cần thực hiện nghiêm ngặt về thời gian, tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào, ảnh hưởng đến chất lượng, mẫu mã quả".

Gia đình ông Thanh hiện có 350 cây vải, trồng cách đây 25 năm. Do chăm sóc đúng kỹ thuật cộng với kinh nghiệm lâu năm làm vườn nên vải thiều của gia đình ông năm 2021 đã cho sản lượng khoảng 10 tấn, chất lượng bảo đảm để xuất khẩu.

Huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương hiện có 17 vùng trồng vải được cấp mã vùng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. 

Diện tích vải của huyện hiện có trên 3.300ha, trong đó quy hoạch 34 vùng vải với diện tích 400ha sản xuất đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước châu Âu và Nhật Bản, Singapore, Australia.

Ông Phạm Văn Giang - thành viên của HTX Ameii Việt Nam ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, cho biết, trồng vải theo quy trình xuất khẩu đi Nhật Bản rất nghiêm ngặt. Từ thuốc bảo vệ thực vật đến phân bón cũng theo đúng hướng dẫn của Nhật. Trong quá trình trồng, nông dân phải ghi chép nhật ký đầy đủ để các kỹ thuật viên kiểm tra...

Từ bỏ thói quen lạc hậu

Ông Bùi Văn Lực (ở xóm Khoang, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi, Hòa Bình) có 2,5ha diện tích trồng nhãn được cấp mã số vùng trồng. 

Ông chia sẻ, từ khi đăng ký tham gia trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, nhất là khi được cấp MSVT, gia đình ông luôn tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn, quy định từ cơ quan chuyên môn cũng như yêu cầu từ các bạn hàng.

Trong quá trình trồng, ông Quang và các hộ chỉ sử dụng những thuốc BVTV trong danh mục cho phép, phun thuốc có thời gian nhất định, có nhật ký ghi lại. 

Tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ, chỉ sử dụng công lao động bằng tay hoặc máy cắt cỏ. Hạn chế tối đa phân hóa học, sử dụng nhiều phân bón hữu cơ bằng cách tận dụng phân chăn nuôi, cỏ dại… ngâm ủ với men vi sinh.

Ông Vũ Ngọc Quang (khu Quyết Tiến, thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) đang có 7,8ha thanh long trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Năm 2020, ông xuất bán được 100 tấn. 

Ông cho hay, khi được cấp MSVT cho diện tích thanh long của mình, ông đã thay đổi tư duy canh tác từ truyền thống sang sản xuất gắn với ứng dụng rộng rãi khoa học - công nghệ. 

Theo đó, ông Quang đã áp dụng kỹ thuật trồng thanh long leo giàn, ủ và sử dụng phân hữu cơ bón cho vườn thanh long, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, kết hợp đưa phân bón vào hệ thống tưới phun, kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, quy trình quản lý bệnh đốm nâu, kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ bằng xông đèn compact giúp tiết kiệm điện, kỹ thuật tuyển chọn nụ và trái, giảm lượng phân bón vô cơ và thuốc BVTV…

Hiện toàn tỉnh Hòa Bình đã được Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cấp 8 MSVT với diện tích 76,3ha và 6 mã số cơ sở đóng gói. Trong đó, phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có 6 mã số: Nhãn 1 mã, thanh long 2 mã, chuối 3 mã; xuất sang thị trường Úc có 2 mã trên cây nhãn.

Từ những vùng trồng được cấp mã số, trong năm 2020 đã có 120 tấn nhãn Sơn Thủy của huyện Kim Bôi và 180 tấn chuối của TP.Hòa Bình được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem