Nông dân coi chừng bị lừa

Thứ tư, ngày 08/12/2010 20:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hiện nay, nhiều nông dân ở các tỉnh miền Trung đổ xô lên Tây Nguyên để hái cà phê thuê. Đây là thời điểm "hết việc" ở quê vì vụ đông xuân chưa gieo sạ mà các dịch vụ khác như phụ hồ hoặc ve chai đồng nát cũng không còn đất sống vì mưa lũ.
Bình luận 0

Những năm trước đây, người lao động tự tìm việc trên Tây Nguyên thông qua các mối quan hệ. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, thị trường lao động có nhiều biến động, nhân công ngày một khan hiếm nên các chủ rẫy cà phê rất cần người làm, nhất là thời điểm cà phê vào vụ.

Nguồn cung cấp lao động không dồi dào như các năm, trong khi nhu cầu cần người làm lại tăng do cà phê năm nay được mùa nên các chủ rẫy phải thuê lao động với giá đắt. Nắm được điểm yếu này, một loạt các dịch vụ môi giới người hái cà phê hình thành tự phát ở một số vùng tại Lâm Đồng và Đăk Lăk. Họ lùng sục về các vùng quê ở miền Trung để tìm người. Đám môi giới này "ra giá" rất cao, có khi lên đến 150.000 đồng cho mỗi công lao động, cộng với điều khoản chủ nuôi cơm và lo chỗ ngủ. Thực chất, cái gọi là "chỗ ngủ" ấy chỉ là ngủ tại rẫy, và "bao cơm" cũng chỉ là rau dưa ngày ba bữa mà thôi. Tuy nhiên, với mức thuê 150.000 đồng/ngày công, mỗi tháng kiếm được 4,5 triệu đồng thì đó quả là con số hấp dẫn với những người lao động cơ bắp hiện nay.

Nhiều nông dân chỉ cần nghe số tiền trên là nhắm mắt lên đường. Thế nhưng, khi đến nơi mới vỡ lẽ ra rằng mình bị mắc lừa! Giá ngày công không còn như lời hứa của những người môi giới nữa mà hạ xuống còn 60.000 đồng/người/ngày. Nghĩa là, mỗi tháng chỉ còn 1,8 triệu chứ không phải 4,5 triệu nữa. Một số lao động là con em đồng bào thiểu số các huyện miền núi hết sức hoang mang khi biết cái "giá" của mình nhưng tìm đường về quê là cả một chặng đường trần ai cuốc chĩa vì giấy tờ tùy thân đã bị đám môi giới thu giữ rồi, còn tiền lộ phí để về quê đã hết nhẵn trong túi.

Thực ra, số tiền mà các chủ rẫy thuê nhân công vẫn có thể lên đến 150.000 đồng cho một ngày công, song những người môi giới đã ăn chặn của người lao động hết 90.000 đồng rồi. Đây là một kiểu ăn chặn vô lương tâm nhất nhưng các cơ quan chức năng không làm gì được họ vì tất cả các trò "tuyển người" để đi hái cà phê trên Tây Nguyên đều diễn ra "trong bóng tối". Vụ việc vừa xảy ra tại Lâm Đồng có lẽ sẽ thức tỉnh nhiều lao động ở quê có ý định lên Tây Nguyên để hái cà phê.

Qua đây cho thấy, nếu trung tâm giới thiệu việc làm của các tỉnh đứng ra làm môi giới thì người lao động sẽ không bị ăn chặn mà các chủ rẫy cà phê cũng không phải khan hiếm người làm như hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem