Những nông dân Long An sáng chế máy nông nghiệp trông máy nào cũng "ngầu", giá "hạt dẻ" mà lại tiện dụng

Chủ nhật, ngày 05/06/2022 14:05 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, phong trào sáng tạo khoa học - kỹ thuật thu hút sự tham gia của nông dân trong tỉnh Long An. Nhiều nông dân đã tìm tòi, nghiên cứu, sáng chế, sáng tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao...
Bình luận 0

Nông dân sáng chế, sáng tạo góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu trong sản xuất nông nghiệp và giảm chi phí trong quá trình sản xuất.

Những nông dân Long An sáng chế máy nông nghiệp trông máy nào cũng "ngầu", giá "hạt dẻ" mà lại tiện dụng - Ảnh 1.

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông là sân chơi trí tuệ, bổ ích của nông dân...


Đam mê sáng tạo

Xuất phát từ tình hình thực tế tại địa phương khi vấn nạn lục bình trên sông, kênh, rạch dày đặc ảnh hưởng đến việc đi lại và gây ô nhiễm môi trường, bằng những kinh nghiệm sau hơn 30 năm gắn bó với ngành Cơ khí, ông Ngô Nguyên Hồng (ấp Bà Mía, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã chế tạo máy vớt lục bình trên sông. 

Tuy không được đào tạo qua các lớp chuyên môn kỹ thuật nhưng từ thực tiễn sản xuất, ông tự mày mò nghiên cứu và sáng chế ra được sản phẩm đầy tính ứng dụng thực tế.

Những nông dân Long An sáng chế máy nông nghiệp trông máy nào cũng "ngầu", giá "hạt dẻ" mà lại tiện dụng - Ảnh 2.

Hiện máy vớt lục bình của ông Ngô Nguyên Hồng đã được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đón nhận và đặc hàng sản phẩm.

Ông Hồng cho biết: “Để có được sản phẩm hoàn thiện như hôm nay, tôi phải bỏ ra gần 2 năm để nghiên cứu, chế tạo và khắc phục những điểm hạn chế của chiếc máy này. Kinh phí để làm nên một chiếc máy vớt lục bình không quá lớn, những bộ phận ráp vào máy do tôi tự tay làm, không phải trải qua khâu trung gian nên ít tốn kinh phí. Hiện nay, máy vớt lục bình hoạt động trơn tru so với một số sản phẩm trước đây có mặt trên thị trường”.

Các giải pháp có hiệu quả, được nhân rộng, cơ quan chức năng cần hỗ trợ nông dân đăng ký bản quyền, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra thị trường”.

Ông Ngô Nguyên Hồng, ngụ xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa

Với những cải tiến mang tính vượt trội của thiết bị cùng sự đầu tư về công sức mà ông Hồng đã bỏ ra để hướng đến mục tiêu phục vụ chung cho cộng đồng, sản phẩm máy vớt lục bình được vinh danh giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông tỉnh Long An lần thứ VI, năm 2019-2020. Hiện Sở Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp sáng tạo cho ông Hồng; đồng thời, hỗ trợ gần 35 triệu đồng để bảo hộ sản phẩm tại Hà Nội.

Hiện máy vớt lục bình của ông Hồng được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đón nhận, đặt hàng sản phẩm. Thành quả này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho gia đình ông Hồng mà còn là dấu ấn mang đậm sự sáng tạo, góp phần vào hoạt động sáng tạo khoa học - kỹ thuật của địa phương ngày càng vươn xa.

Lớn lên từ đồng ruộng, không qua trường lớp đào tạo nhưng với niềm đam mê sáng tạo, anh Hồ Văn Gừa (ấp 1, xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ) đã mày mò nghiên cứu và sáng chế thành công chiếc máy “3 trong 1” (với các tính năng xịt thuốc, sạ lúa, sạ phân), giúp nông dân tiết kiệm chi phí cũng như bảo vệ sức khỏe. 

Anh Gừa chia sẻ: “Thấu hiểu những vất vả, nặng nhọc của nông dân mỗi khi đến lúc xịt thuốc thì đeo bình xịt ra đồng, vất vả, nhọc nhằn, vậy là tôi bắt đầu có ý tưởng sáng chế ra chiếc máy này để họ đỡ phải tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình phun xịt, ảnh hưởng đến sức khỏe, tăng lợi nhuận sản xuất nông nghiệp”.

Sau gần 2 năm miệt mài nghiên cứu và qua nhiều lần thất bại, đến năm 2019, chiếc máy “3 trong 1” của anh Gừa chính thức vận hành thành công. 

Chiếc máy vận hành bằng bánh xích, chạy bằng động cơ dầu, được chế tạo từ những bộ phận của chiếc máy gặt đập liên hợp. Phía sau là hệ thống giàn phun thuốc gồm 2 cần phun có chiều dài gần 20m, ít hao thuốc và được phun đều, có thể điều chỉnh lên xuống theo chiều cao cây lúa. 

Với hệ thống máy phun xịt thuốc bảo vệ thực vật này, mỗi hécta lúa chỉ mất khoảng 30 phút để phun, trong khi phun thủ công phải mất tới 2 - 3 giờ.

Những nông dân Long An sáng chế máy nông nghiệp trông máy nào cũng "ngầu", giá "hạt dẻ" mà lại tiện dụng - Ảnh 5.

Hàng năm, hàng chục máy cắt cây bắp, cây mè của ông Phạm Thành Đồng (ấp 6, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) được bán ra thị trường


Ngoài tính năng phun xịt thuốc, máy còn được anh Gừa chế tạo thêm tính năng sạ phân và sạ giống. Trên chiếc máy này, anh lắp đặt 1 máy sạ phân, giống và dùng 1 mô-tơ điều khiển cần gạt qua lại, lượng phân, giống nhiều, ít, gần, xa có thể điều chỉnh được bằng tay. Trung bình 1 ngày, máy có thể sạ phân, giống từ 16-20ha. Chiếc máy “3 trong 1” của anh Gừa đã góp phần giải quyết việc thiếu hụt lao động tại nông thôn, giảm lao động chân tay.

Tiếng vang thương hiệu

Với niềm đam mê sáng tạo, thấu hiểu được nỗi vất vả của người làm nông nghiệp, vài năm trở lại đây, ông Phạm Thành Đồng (ấp 6, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) tiếp tục chế tạo thành công máy cắt cây bắp và máy cắt cây mè xếp dãy phục vụ nông nghiệp.

Những loại máy do ông Đồng chế tạo giải quyết được vấn đề thiếu nhân công lao động trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, giúp nông dân tiết kiệm chi phí và thời gian.Nhớ lại những ngày đầu nghiên cứu, chế tạo, ông Đồng chia sẻ: “Thời gian đầu rất khó khăn bởi mình không có vốn. Do đam mê sáng chế và thấy việc sản xuất của người dân địa phương còn phụ thuộc quá nhiều vào sức người nên tôi quyết tâm sáng chế và cho ra đời những chiếc máy này để giúp người dân giảm bớt sức lao động, tăng thu nhập”.

Theo ông Đồng, 1 máy cắt cây bắp, mè hoàn chỉnh được lắp ráp trong vòng khoảng 15 ngày, gồm các bộ phận: Đầu máy, lưỡi cắt, cánh sao, chong chóng, dây băng tải,...

Trung bình 1ha bắp cần khoảng 30-40 lao động thu hoạch trong 1 ngày, trong khi đó 1 máy cắt cây bắp 1 ngày có thể thu hoạch từ 4-6ha. Còn đối với cây mè, 1ha cần khoảng 20 lao động thu hoạch trong 1 ngày, trong khi đó sử dụng máy cắt cây mè mỗi ngày có thể cắt đến 4ha.

Những sản phẩm của ông Đồng sáng chế không những góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, tiết kiệm thời gian, giúp nông dân hạ giá thành sản xuất mà giá thành các sản phẩm tương đối vừa túi tiền của nông dân. 

Hiện tại, ông Đồng chế tạo máy cắt cây bắp, cắt cây mè có 2 loại với kích thước 1m và 1,6m. Máy có kích thước 1m được bán với giá 55 triệu đồng/cái và máy có kích thước 1,6m bán với giá 130 triệu đồng/cái. Do đó, sản phẩm của ông làm ra không chỉ phục vụ tại địa phương mà nông dân trong và ngoài tỉnh mua sử dụng với số lượng hàng chục máy mỗi năm.

Những nông dân Long An sáng chế máy nông nghiệp trông máy nào cũng "ngầu", giá "hạt dẻ" mà lại tiện dụng - Ảnh 7.

Máy 3 trong 1 của anh Hồ Văn Gừa mỗi ngày có thể xịt thuốc hay bón phân, sạ giống từ 16 - 20ha.


Người dân khi sử dụng chiếc máy “3 trong 1” của anh Hồ Văn Gừa tiết kiệm được các khâu thuê mướn lao động thủ công phun xịt thuốc, sạ phân, sạ lúa, tất cả đều có trong tính năng từ chiếc máy của anh Gừa chế tạo. 

Anh Trần Văn Háy (xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa) cho biết: “Gia đình tôi sản xuất hơn 10ha lúa, bây giờ nhiều lao động ở nông thôn đổ xô đi làm công ty, xí nghiệp nên việc tìm nhân công phun thuốc, sạ phân rất khó. Sau thời gian tìm hiểu máy do anh Gừa chế tạo, tôi thấy chiếc máy này có nhiều ưu điểm, phù hợp với vùng đất mình canh tác, giá thành hợp lý nên đã mua về sử dụng, giảm chi phí rất nhiều”.

Với sáng kiến này, anh Gừa đoạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông tỉnh Long An lần thứ VI, năm 2019 - 2020. Chiếc máy “3 trong 1” của anh Gừa sáng chế đến nay được nông dân ủng hộ, giá thành khoảng 110 triệu đồng/chiếc. Sản phẩm của anh làm ra không chỉ phục vụ gia đình mà còn được nông dân các địa phương lân cận mua sử dụng. Đến nay, anh đã bán được hơn 10 chiếc.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh - Ngô Thanh Tuyền cho biết: Các đề tài sáng chế (giải pháp) của nông dân trong thời gian qua đều có ý tưởng xuất phát từ thực tiễn sản xuất, bắt nguồn từ những trăn trở của nông dân trong quá trình lao động. Sự sáng tạo của nông dân đã trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực, mang lại hiệu quả cao trong quá trình sản xuất và được ứng dụng rộng rãi. Chúng tôi hết sức hoan nghênh tinh thần tìm tòi, sáng tạo của nông dân trên địa bàn. Ngoài lợi ích về kinh tế, những giải pháp đã góp phần bảo vệ sức khỏe cho nông dân, giải quyết lao động thiếu hụt tại địa phương, giảm lao động chân tay cho nông dân.

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông được tổ chức 2 năm 1 lần, trung bình qua mỗi lần hội thi có 50-70 giải pháp tham gia. Hội thi đã tạo thành phong trào khơi dậy, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và thật sự là sân chơi trí tuệ bổ ích của nông dân ở nông thôn”.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Long An - Ngô Thanh Truyền.

Văn Đát (Báo Long An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem