Nông dân Tây Ninh đang khát giống sắn kháng bệnh khảm lá, kẻ gian lợi dụng bán giống giả mạo

Thiện Đức (Báo Tây Ninh) Thứ bảy, ngày 06/05/2023 11:49 AM (GMT+7)
Hiện, giá sắn (mì) tăng cao, nông dân tỉnh Tây Ninh có xu hướng mở rộng diện tích trồng. Tuy nhiên, nguồn giống mì sạch bệnh đang là nhu cầu bức thiết của người dân.
Bình luận 0

Bệnh khảm lá sắn hoành hành, nông dân “khát” nguồn giống mì sạch bệnh

Gắn bó với cây mì hơn 10 năm nay, ông Đinh Văn Thanh, ngụ ấp Sa Nghe, xã An Cơ, huyện Châu Thành (Tây Ninh) cho biết, gia đình ông có khoảng 5 ha đất tại xã An Cơ, mỗi năm thường trồng một vụ mì xen canh một vụ hoa màu (khổ qua).

Thời gian qua, do trồng những giống mì truyền thống bị bệnh khảm lá khiến nhiều nông dân gặp khó khăn, thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên năng suất và sản lượng giảm khoảng 30%. Về sau, nhờ tích cực chăm sóc nên cây mì phát triển tốt hơn nhưng chi phí đầu tư tăng cao, nếu không nhờ giá củ mì tươi những năm qua luôn duy trì ở mức cao, có lẽ ông đã chuyển sang cây trồng khác.

Để chuẩn bị cho đợt xuống giống mì niên vụ 2023-2024, ông Thanh dò tìm khắp nơi về những giống mì được cơ quan chức năng công nhận kháng được bệnh khảm là đang được trồng nhân giống. Tuy nhiên, việc tìm kiếm thông tin là quá khó đối với ông vì không nhiều người biết về những giống này.

Một nông dân ở ấp Trà Sim, xã Ninh Điền cho biết, ông có nghe thông tin về việc ngành nông nghiệp tỉnh đang triển khai nhân và chuyển giao các giống mì kháng bệnh khảm lá cho nông dân nên ông cũng muốn tìm mua về trồng, nhằm thay thế các giống mì truyền thống, đang nhiễm bệnh khảm lá nặng. Theo ông Dự, ông chỉ cần mua đủ trồng khoảng 0,5 ha đổ lại, rồi từ từ nhân giống thêm, nên dù giá mì giống cao ông cũng chấp nhận được.

Nông dân Tây Ninh đang khát giống sắn kháng bệnh khảm lá, kẻ gian lợi dụng bán giống giả mạo - Ảnh 1.

Giống mì HN5 kháng được bệnh khảm lá sắn và cho năng suất tốt hơn các giống mì truyền thống bị khảm lá. Ảnh: BTN.

Mì kháng bệnh khảm lá sắn, nguồn cung không đủ cầu

Vụ mì Đông Xuân 2022-2023, ông Lê Trường An, tại ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu được Trạm Khuyến nông huyện Tân Châu chuyển giao nguồn giống HN1 để trồng nhân giống, với diện tích gần 0,3 ha. Sau gần một năm, triển khai trồng, cuối tháng 4.2023 vừa qua, ruộng mì của ông được thu hoạch, theo ước tính ban đầu, sản lượng củ mì đạt trên 400kg/công.

Ông An cho biết, đây là lần đầu tiên ông được trồng giống mì mới, từ lúc xuống giống đến lúc thu hoạch, cây mì hoàn toàn không có biểu hiện nhiễm bệnh khảm lá, cây mì phát triển nhanh, tán lá khép kín nhanh, nên ông chỉ phải tốn công diệt cỏ 1 lần đầu. Theo ông An, hiện nay, rất nhiều người tìm đến ông để trao đổi việc mua lại cây giống, không chỉ nông dân trong tỉnh mà còn có nhiều người từ các tỉnh lân cận như Bình Phước, Bình Dương tìm mua.

Ông Huỳnh Phú Quốc, ngụ ấp Hoà Đông A, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên cho biết, thông qua các kênh thông tin từ báo, đài và mạng xã hội, được biết các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp tỉnh đã tìm ra được một số giống mì kháng bệnh khảm lá và hiện được triển khai trồng nhân giống tại huyện Tân Châu, ông đã không quản ngại khó khăn, đường sá xa xôi tìm đến ruộng mì của ông Lê Trường An để mua cây mì giống về trồng.

Theo ông Quốc, việc sử dụng những giống mì cũ, bị nhiễm bệnh khiến chi phí đầu tư tăng cao, do phải tăng lượng phân bón, thuốc trừ bọ cánh trắng, công chăm sóc và nước tưới. Vì vậy, ông cố gắng tìm kiếm giống kháng bệnh khảm lá về trồng để thay thế các giống cũ.

Ông Quốc chia sẻ: “So với những giống mì cũ tôi trồng, bộ củ của giống HN1 có phần to, đều hơn, tán lá rộng, gần như không có cây bị nhiễm bệnh khảm, điều này làm tôi cảm thấy yên tâm hơn khi mua giống tại đây”.

Nông dân Tây Ninh đang khát giống sắn kháng bệnh khảm lá, kẻ gian lợi dụng bán giống giả mạo - Ảnh 2.

Giống khoai mì tuyển chọn được trồng tiếp tục khảo nghiệm tại trại thực nghiệm trồng trọng Tây Ninh. Ảnh: BTN.

Trước tình trạng hầu hết các giống mì địa phương bị bệnh khảm lá xâm nhiễm và chưa có thuốc đặc trị, từ năm 2018 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh tích cực phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ NN&PTNT) và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) nghiên cứu, thử nghiệm các giống mì sạch bệnh, có tính kháng bệnh khảm lá.

Kết quả, đến cuối năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đưa một số giống mì có khả năng kháng bệnh khảm lá là HN3, HN5 và HN1 để hỗ trợ nông dân nhân giống trực tiếp trên đồng ruộng. Hiện các giống mì này phát triển khá tốt, là nguồn giống chất lượng để cung cấp cho địa phương.

Tuy nhiên, do số lượng giống ban đầu còn ít, nhất là giống HN1, nên xảy ra tình trạng giá giống bị đẩy lên cao bất thường, nhiều trường hợp kẻ gian lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nông dân, để bán các loại giống giả mạo với đặc điểm nhận dạng gần giống với các giống kháng bệnh khảm lá.

Ông Dương Thanh Phương- Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tân Châu, hiện nay, các giống mì kháng bệnh khảm lá HN3, HN5 đang được chuyển giao cho nông dân trồng để nhân giống nhanh. Riêng với giống HN1, nguồn giống còn ít, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 30 ha. Trong khi nhu cầu về nguồn giống sạch bệnh là rất lớn, do đó, đã có nhiều trường hợp lợi dụng tình hình để bán giống giả mạo, gây thiệt hại cho người trồng.

Theo ông Phương, những nông dân có nhu cầu tìm nguồn giống mì sạch bệnh có thể liên hệ Trung tâm Khuyến nông tỉnh để được giới thiệu những điểm sản xuất giống uy tín, để không mua nhầm giống mì nhiễm bệnh khảm lá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem