Nông dân trồng chè dây Ra zéh làm nước uống, hoá ra là cây dược liệu quý, nhiều người muốn mua

Công Tú - Trần Hậu Thứ sáu, ngày 31/03/2023 18:31 PM (GMT+7)
Đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng tập trung, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu có quy mô gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm, huyện Đông Giang (Quảng Nam) đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp tình hình thực tế, hướng đến thoát nghèo cho người dân.
Bình luận 0

Trồng chè dây làm dược liệu - hướng đi hiệu quả

Như nhiều hộ khác, nhiều năm về trước, lão nông Phạm Quốc Phòng (trú thôn Pa nan, xã Tư, huyện Đông Giang) vào nương rẫy rồi hái chè dây Ra zéh đem về nhà nấu nước uống như vị thuốc dân gian. Theo nghiên cứu khoa học, loại chè vừa đề cập có vị ngọt, đắng, tính mát có thể chữa các bệnh liên quan tới dạ dày, đường ruột, mất ngủ… cây thích nghi với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng các thôn trên địa bàn xã Tư và vùng lân cận.

Năm 2016, có người đặt vấn đề mua Ra zéh, lão nông này thu hái về đem bán. Để có chè cung cấp thường xuyên ra thị trường, ông bắt đầu ươm cây con để trồng trong vườn nhà, trên đồi với diện tích ban đầu 0,5ha và chỉ sau 7 tháng có thể thu hoạch. 

Vụ đầu tiên thu hái khoảng 10 tấn chè tươi, sấy khô còn 3 tấn. Với giá bán sỉ 100.000 đồng/kg chè khô, 0,5ha chè của ông bán được 300 triệu đồng.

Đông Giang hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững - Ảnh 1.

Ông Phạm Quốc Phòng (trú thôn Pa nan, xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) chuẩn bị cây giống chè dây để nhân rộng diện tích trồng. Ảnh; C.T

"Chúng tôi đang kỳ vọng, người dân ngày đêm đang mong chờ Thaco Trường Hải có những động thái tích cực để địa phương có thể bắt tay ngay vào việc quy hoạch nông nghiệp hữu cơ theo chủ trương của Tỉnh ủy. Doanh nghiệp này sớm liên kết, định hướng, hỗ trợ người dân nuôi con nào, trồng cây gì để xây dựng vùng nguyên liệu".

Ông A Vô Tô Phương

"Lúc đồi keo rộng 1ha có cây to bằng cổ tay, tôi cho chặt đi thì có người bảo hâm, liễu lĩnh sao không chờ keo tới kỳ thu hoạch, liệu rồi trồng chè dây có hiệu quả không? Tôi mặc kệ vì đã nghĩ tới chuyện phải thay thế dần cây keo vừa làm xấu đất, giá cả thấp và không ổn định. Trong lúc, chè dây đang được nhiều người biết và tin dùng"- ông Phòng chia sẻ.

Đến nay, hộ ông Phòng trồng được 1,5ha chè dây; mỗi ha cho thu hoạch giá cao gấp 30 lần so với cây keo. Ngoài ra, vườn nhà ông còn trồng 2 sào hoa hồng, từ đây thu hoạch búp để chế biến thành "Trà hoa hồng túi lọc" cung cấp cho thị trường Hội An và Hà Nội. Sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, hộ ông Phòng còn giải quyết 3 lao động có việc làm thường xuyên.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc - Chủ tịch UBND xã Tư, trên địa bàn xã hiện có 19,5ha trồng chè dây. Nguồn thu nhập từ loại cây bản địa này đã góp phần cải thiện đời sống người dân.

Được biết, tổng diện tích chè dây tại xã Tư và các vùng lân cận khoảng 35ha; sản phẩm chè dây Ra zéh được công nhận OCOP 4 sao. Tại xã Mà Cooih, ớt A riêu - sản vật bản địa đặc trưng trồng hàng năm khoảng 6-7ha, năng suất gần 1 tấn/ha, đạt lợi nhuận khoảng 212 triệu/ha/năm. Ớt A riêu có thể chế biến thành ớt trái muối, muối ớt, tương ớt… và được công nhận OCOP đạt 3 sao.

Diện tích cây chuối mốc, chuối tiêu, chuối A Vương tăng lên đáng kể với giá bán ổn định đã góp phần cải thiện thu nhập của người dân. Lòn bon là loại cây đặc sản của Đông Giang, vừa mọc trong tự nhiên và một số ít do người dân tự trồng với diện tích khoảng 40ha.

Ngoài ra, huyện Đông Giang đã triển khai dự án cải thiện nâng cao năng suất, chất lượng lòn bon với khoảng 14ha, nhờ đó có thể thu hoạch 13 tấn/ha, lợi nhuận 120 triệu đồng/ha/năm.

Những kỳ vọng lớn

Ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, địa hình huyện Đông Giang là đồi núi phức tạp, phần lớn diện tích đất sản xuất có độ dộc cao, chia cắt, đất đai manh mún... giữa bối cảnh giải pháp nước tưới khó khả thi, huyện xác định trồng rừng gỗ lớn là chủ trương đúng đắn, đem lại lợi ích về nhiều mặt.

Vì thế, địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển dần diện tích trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn. Tại 2 xã Ba và Tư có độ dốc thấp, lại nằm phía tây chân núi Bà Nà nên khí hậu ẩm và thấp hơn nơi khác, do đó dư địa phát triển nông nghiệp lớn. 

Huyện đang phối hợp cùng với Hợp tác xã Nông nghiệp Tây Bà Nà kiến nghị với tỉnh cho triển khai nghiên cứu, phát triển dự án nông nghiệp hữu cơ, diện tích đề xuất 100ha. Mục đích còn nhằm tạo nên vùng lõi, để người dân thấy mà học tập cách làm.

Cũng theo ông Phương, huyện sẽ đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và vùng nguyên liệu, dược liệu tập trung. Trong đó, chú trọng sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc trưng phục vụ du lịch trên địa bàn, trước mắt là Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang đã đưa vào khai thác.

Ông Lê Vương - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Đông Giang cho biết, các loại cây dược liệu cũng đang được bảo tồn, trồng và nhân rộng dưới tán rừng như sâm ba kích, sâm 7 lá. Việc khuyến khích trồng các loại cây quế, măng cụt, sầu riêng đang có bước tiến triển khả quan với diện tích hàng trăm héc ta. Đáng chú ý, địa phương đã xây dựng xong "Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn huyện Đông Giang".

Đề án nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và vận dụng các cơ chế, chính sách của HĐND, UBND tỉnh nhằm cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem