Nông dân trong vùng dự án Nhà máy Điện hạt nhân ở Ninh Thuận giờ ra sao?

Bùi Phụ - Đức Cường Chủ nhật, ngày 05/06/2022 07:00 AM (GMT+7)
Một ngày đầu tháng 6/2022, chúng tôi tìm về thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh huyện Ninh Phước( Ninh Thuận), đây là vùng đất nổi tiếng khắp thế giới được quy hoạch thành dự án Nhà máy Điện hạt nhân 1.
Bình luận 0

Sống âu lo trong vùng dự án Nhà máy Điện hạt nhân

Có thể nói, cảnh quan tự nhiên 2 bên cung đường ven biển này từ cầu An Đông (TP Phan Rang- Tháp Chàm đi khoảng hơn 25km đến thôn Vĩnh Trường) đẹp khiến du khách ngẩn ngơ. 

Nông dân trong vùng dự án Nhà máy Điện hạt nhân ở Ninh Thuận giờ ra sao? - Ảnh 1.

Một góc thôn Vĩnh Trường. Ảnh: Đức Cường.

Theo quan sát của chúng tôi, một bên biển xanh, một bên sa mạc trùng trùng điệp điệp. Ấn tượng nhất là những dãy núi đá chồng lên nhau như có bàn tay của ai đó xếp thành. Có thể nói, đây là vùng đất "sơn thủy hữu tình", suốt hàng trăm năm qua người dân địa phương quen gọi vùng Sơn Hải. 

Tuy nhiên, con đường nhựa dẫn vào thôn Vĩnh Trường đã xuống cấp, trầm trọng, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi. Hai bên đường, trước đây là những trại tôm thì nay dường như chủ bỏ hoang, đìu hiu, vắng lặng… Đi vào sâu trong thôn Vĩnh Trường, chúng tôi chứng kiến hàng trăm nhà cấp 4 của người dân bị xuống cấp, cũ kỹ…

Đang lom kho, sửa cái hàng rào xiêu vẹo, ông Phan Văn B. buồn giọng: "Nhà xuống cấp nặng nhưng năm qua không xây mới được vì nằm trong vùng dự án. Dân ở đây cả chục năm quan khổ sở trăm bề chú ơi,…"

Cũng theo ông B. nhờ thiên nhiên ưu đãi nên vùng biển này có nhiều rặng san hô gần bờ nên sinh ra nhiều loại hải sản và rong biển rất ngon mà nơi khác khó sánh bằng. Tuy nhiên, từ ngày quy hoạch làm điện hạt nhân, dân trong thôn bỏ đi khắp nơi làm thuê kiếm sống khiến vùng biển vắng buồn thêm…

Nông dân trong vùng dự án Nhà máy Điện hạt nhân ở Ninh Thuận giờ ra sao? - Ảnh 2.

Nhiều căn nhà trong thôn Vĩnh Trường xuống cấp nhưng không được sửa chữa, xây dựng mới. Ảnh: Đức Cường.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh thôn Vĩnh Trường, một cán bộ xã Phước Dinh cho biết, toàn thôn Vĩnh Trường có khoảng 250 hộ gia đình và khoảng 1000 nhân khẩu. Người dân ở đây bao đời chỉ biết làm nông và nghề đi biển (đánh bắt gần) nhưng mấy năm gần đây do quy hoạch làm dự án điện hạt nhân, toàn thôn được công bố sẽ bị giải tỏa trắng nên nhiều người đã bỏ nhà đi xứ khác làm thuê.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong thôn hầu hết là nhà cấp 4, hiếm lắm mới thấy căn nhà lầu có gác. Việc này cũng dễ hiểu bởi nhiều năm qua bị quy hoạch dự án điện hạt nhân nhiều gia đình không được sửa chữa, xây dựng mới.

Cụ Nguyễn Văn Tr. (hơn 70 tuổi) tâm sự, gia đình cụ có 1ha đất nông nghiệp trồng dưa. Nhưng từ ngày quy hoạch điện hạt nhân đến giờ gia đình không làm nổi nữa, do con cháu bỏ đi xứ khác làm thuê kiến ăn qua ngày.

Ngồi bán hàng trong tạp hóa nhỏ, cựu chiến binh Trương Văn Hồ và vợ Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, từ lúc nghe tin quy hoạch, bàn giao mặt bằng cho nhà Nước làm nhà máy điện hạt nhân, gia đình đã chủ động bán hết đất nông nghiệp, vay thêm vốn ngân hàng để chăn nuôi.

"Gom hết tiền bán đất và tiền vay gia đình tôi mua được 16 con cừu với giá 4,8 triệu đồng/con để chăn nuôi chờ giải tỏa rồi mang theo về nơi ở mới. Thế nhưng, mười mấy năm qua, dự án vẫn nằm im nên tôi phải bán dần đàn cừu để trả lãi ngân hàng. Tính đến nay, cừu 16 con không còn con nào xem như mất trắng…", ông Hồ thở dài.

Nông dân trong vùng dự án Nhà máy Điện hạt nhân ở Ninh Thuận giờ ra sao? - Ảnh 4.

Người dân thôn Vĩnh Trường trao đổi với phóng viên. Ảnh: Đức Cường.

Ông Lê Văn Lâm nhà gần đó cho biết, năm 2010, ai cũng nghĩ sẽ dời đi nên gia đình ông đã bán hết gần 10ha đất sản xuất nông nghiệp. "Thế nhưng người tính không bằng trời tính. Dân làm nông như tôi cũng đã 10 năm qua chưa cầm lại cây cuốc vì còn đất đâu để sản xuất. Còn 50 triệu nợ ngân hàng vẫn không thể trả nổi… ", ông Lâm ngậm ngùi.

Sống nghèo trên vùng biển đẹp

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Du, trưởng thôn Vĩnh Trường cho biết, trước đây khi chưa quy hoạch xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, tỷ lệ hộ nghèo ở thôn Vĩnh Trường ít thì nay đã tăng lên nhiều. Năm 2015, toàn thôn chỉ có 20 hộ nghèo (40 khẩu, tỷ lệ 8,59%) thì đầu năm 2019 đã lên đến 46 hộ nghèo (168 khẩu, chiếm 17,04%)…

Ông Du vào nhà mở tủ lấy một tập giấy dày mấy trăm trang đem ra "khoe" đây là danh sách các hộ vay tiền ngân hàng đến nay không còn khả năng trả nợ. Chính ông đã dẫn cán bộ ngân hàng đi thu nợ và họ tận mắt nhìn thấy dân nghèo quá, không biết thu cách nào.

Nông dân trong vùng dự án Nhà máy Điện hạt nhân ở Ninh Thuận giờ ra sao? - Ảnh 5.

Bờ biển thôn Vĩnh Trường. Ảnh: Bùi Phụ.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Du, đa số người dân trong thôn bao đời làm nghề đánh bắt cá ven biển và làm nông. Nhưng hiện nay, nghề đánh bắt gần bờ cũng không có ăn, đất đai đã bán nên bà con phải đi làm thuê khắp nơi…

"Dân thôn Vĩnh Trường rất đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong trong cuộc sống hàng trăm năm qua. Trước đây, bà con chấp hành rất tốt việc quy hoạch làm điện hạt nhân nhưng rồi "treo" suốt nhiều năm liền khiến ai cũng buồn. Chúng tôi thiết tha kiến nghị các cơ quan Trung ương sớm có thông báo rõ ràng vấn đề quy hoạch điện hạt nhân này để bà con yên tâm sinh sống…", ông Nguyễn Thành Du nói.

Cách thôn Vĩnh Trường hơn 35km là vùng bờ biển thuộc thôn Thái An xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải được quy hoạch dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Hơn chục năm qua cuộc sống của hơn 800 hộ dân với hơn 2.500 nhân khẩu ở thôn Thái An cũng như thôn Vĩnh Trường. Nhà cửa, đất đai không thể giao dịch được như thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích, đăng ký thế chấp vay vốn...

Theo UBND xã Phước Dinh, tình trạng quy hoạch kéo dài đã dẫn đến nhiều hệ lụy như: Vấn đề thất nghiệp hoặc việc làm không ổn định đã tác động không nhỏ đến sự phát triển ở thôn Vĩnh Trường. Trước đây. Khi chưa quy hoạch xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, tỷ lệ hộ nghèo ở thôn Vĩnh Trường ít thì nay đã tăng lên nhiều. Đến cuối năm 2020, toàn thôn Vĩnh Trường có 76 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 23,84% và 19 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,76%.

Theo quan sát của chúng tôi, nằm gần bờ biển thôn Vĩnh Trường là ngọn hải đăng Mũi Dinh (duy nhất của tỉnh Ninh Thuận), gần đây rất được khách du lịch tìm đến khám phá.

Nông dân trong vùng dự án Nhà máy Điện hạt nhân ở Ninh Thuận giờ ra sao? - Ảnh 7.

Bờ biển thôn Vĩnh Trường. Ảnh: Bùi Phụ.

Theo người dân địa phương, Mũi Dinh là đá tảng và đụn cát nhô ra biển, có thể gây trở ngại cho thuyền bè qua lại. Phát hiện ra việc này, năm 1904 người Pháp đã cho xây ngọn hải đăng cao 16m trên ngọn đồi cao 178m so với mặt nước biển. Công suất đèn rọi của hải đăng này khoảng 30 hải lý.

Trước đây, để đến được hải đăng này là một hành trình gian nan nhưng từ ngày có cung đường ven biển, dân phượt tìm về rất nhiều để tận thấy sa mạc cát vàng và ngắm bình minh trên biển…

Được biết, tỉnh Ninh Thuận có chiều dài bờ khoảng 105km với nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Bãi biển Ninh Chử - Bình Sơn, Cà Ná, Bình Tiên, bãi Thùng, bãi Kinh, vịnh Vĩnh Hy, biển Hang Rái, Vườn quốc gia Núi Chúa…

Vùng biển này được thiên nhiên ưu ái, đa dạng chủng loài thủy hải sản. Khí hậu nắng ấm quanh năm, hầu như không bị ảnh hưởng bão hơn 100 năm qua cũng là một lợi thế tự nhiên giúp Ninh Thuận phát triển những loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và trở thành đặc sản của địa phương như: Măng tây xanh, táo, tỏi, bò, dê, cừu, tôm giống…

Nông dân trong vùng dự án Nhà máy Điện hạt nhân ở Ninh Thuận giờ ra sao? - Ảnh 8.

Năm 1904 người Pháp đã cho xây ngọn hải đăng Mũi Dinh cao 16m trên ngọn đồi cao 178m so với mặt nước biển. Ảnh Thuận Nam.

Đại biểu Quốc hội muốn dừng điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ trưởng Công Thương nói "kiên trì giữ"

Chiều 30/5, tại phiên thảo luận của Quốc hội, Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) và Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) đã đóng góp ý kiến liên quan đến Dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cho hay, năm 2016, Quốc hội khóa XIV đã có chủ trương dừng đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Song, việc kéo dài dự án đã gây nên những bất cập ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế, gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Người dân bị hạn chế quyền sử dụng đất, không được mua bán, không được chuyển nhượng hay thế chấp đất để vay vốn sản xuất; không được xây dựng, cải tạo nhà ở, cơ sở hạ tầng… Người dân trải qua thời gian dài chờ đợi, không ổn định được sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn…

img

Một góc thôn Vĩnh Trường, xã Vĩnh Hải, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). Ảnh: Quang Đăng

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) đề nghị Quốc hội giải quyết dứt điểm và "xóa bỏ quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận".

Theo ông Trương Trọng Nghĩa, Quốc hội nhiệm kỳ trước, Đảng và Nhà nước đã cân nhắc rất kỹ việc dừng dự án này. Vì vậy, bước tiếp theo phải tập trung giải quyết quyền lợi của người dân, cán bộ, kỹ sư đã được đào tạo, tạo quy hoạch mới cho Ninh Thuận, giúp chuyển động kinh tế địa phương để đời sống bà con được nâng lên với việc thực hiện quy hoạch mới.

Trả lời việc này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Các cấp có thẩm quyền đã có chủ trương và Quốc hội cũng đã biểu quyết Nghị quyết về việc tạm dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

"Như vậy, Nghị quyết của là tạm dừng chứ không phải là hủy bỏ nên không có cơ sở để hủy bỏ dự án này. Mặt khác, địa điểm này đã được các đối tác và các ngành liên quan nghiên cứu rất kỹ, Ninh Thuận là địa điểm phù hợp nhất để phát triển điện hạt nhân của chúng ta", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Trước đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã có báo cáo giám sát việc thực hiện nghị quyết 31 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2016 - 2021.

Ủy ban này đánh giá, mặc dù tỉnh Ninh Thuận đã có phát triển vượt bậc, nhưng một bộ phận đời sống người dân vùng dự án vẫn gặp khó khăn, chưa an tâm ổn định sản xuất, dẫn tới lãng phí nguồn lực đất đai… Ủy ban Kinh tế cho rằng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới được dừng thực hiện, nếu hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai, đồng thời ảnh hưởng đến quan hệ với các nước đối tác, nên đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi cấp có thẩm quyền có quyết định chính thức về vấn đề này.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem