Nông dân Việt Nam xuất sắc: Nuôi tôm làm giàu trên vùng đất lửa

Ngọc Vũ Thứ tư, ngày 31/07/2019 13:04 PM (GMT+7)
Không chỉ là hộ nuôi tôm giỏi, làm giàu cho bản thân, ông Hoàng Đình Anh (SN 1951), trú khu phố 9, phường Đông Giang, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị còn là “bà đỡ” giúp nhiều nông dân khác phát triển kinh tế.
Bình luận 0

Clip: Mô hình nuôi tôm của ông Hoàng Đình Anh (Quảng Trị) - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019 

Tiên phong nuôi tôm bán thâm canh

Những ngày giữa tháng 7, chúng tôi theo chân ông Trần Văn Bến, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị về thăm hồ nuôi tôm bán thâm canh của gia đình ông Hoàng Đình Anh.

img

Ông Hoàng Đình Anh (trái) được Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị Trần Văn Bến đích thân đến thăm hỏi, động viên phát triển diện tích nuôi tôm. Ảnh: Ngọc Vũ

Đang cho tôm ăn, thấy bóng lãnh đạo Hội Nông dân cùng chúng tôi xuất hiện, ông Anh tay bắt mặt mừng, chẳng còn sự ngăn cách nào giữa cán bộ với nhân dân.

Dẫn chúng tôi đi thăm 3 hồ nuôi tôm của mình, ông Anh cho biết, sau khi lập gia đình, chỉ biết bám đất làm ruộng, cuộc sống vô cùng vất vả. Năm 1998, ông Anh bắt đầu dấn thân vào nuôi tôm nhưng chỉ nuôi với phương thức quảng canh, hiệu quả kinh tế không cao.

Nhận thấy nuôi tôm quảng canh có nhiều hạn chế, năm 2003 khi được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cùng Hội Nông dân các cấp động viên, ông Hoàng Đình Anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi tôm bán thâm canh. Ông Anh trở thành người tiên phong nuôi tôm bán thâm canh ở TP.Đông Hà với số vốn khởi nghiệp 50 triệu đồng. Ngay ở vụ tôm bán thâm canh đầu tiên ông Anh đã thành công và có lãi 90 triệu đồng.

Tiền lãi từ việc nuôi tôm bán thâm canh vụ đầu, ông Hoàng Đình Anh tập trung cải tạo, mở rộng thêm hồ nuôi. Bên cạnh đó, ông còn siêng năng học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm trên sách báo, đi học tập kỹ thuật nuôi tôm ở các lớp tập huấn để nuôi tôm tốt hơn.

Hiện nay, ông Hoàng Đình Anh đang nuôi tôm trên diện tích 0,8 ha mặt nước, doanh thu 1,3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí có lãi khoảng 700 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông Anh còn gieo trồng thêm 1,6ha lúa đi kèm dịch vụ thu mua lương thực cho lãi khoảng 200 triệu đồng.

Bà đỡ của người nuôi tôm

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Hoàng Đình Anh hiện còn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Đông Giang II và Tổ trưởng tổ nuôi tôm của Hợp tác xã. Với vai trò lãnh đạo Hợp tác xã và hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông Anh đã có điều kiện giúp đỡ nhiều hội viên, nông dân thoát nghèo.

Nhìn về phía đồng tôm rộng lớn, ông Hoàng Đình Anh cho biết, ban đầu khu này chỉ có 5ha với 8 hộ nuôi tôm. Các hộ nuôi tôm chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về khoa học kỹ thuật nuôi tôm còn hạn chế nên năng suất thấp. Những năm 2007-2009, vì chưa chủ động được nguồn tôm giống nên việc nuôi tôm gặp khó khăn hơn do gặp phải rủi ro về nguồn giống, dịch bệnh...

img

Ông Hoàng Đình Anh có thu nhập khoảng 700 triệu đồng từ việc nuôi 0,8 ha tôm bán thâm canh. Ảnh: Ngọc Vũ

Đến năm 2010, khi Hợp tác xã Đông Giang II được cải tổ, chỉ đạo tập trung phát triển vùng nuôi tôm thì tình hình tiến triển ngày càng tốt hơn. Những lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm được mở ra giúp nông dân tiếp cận sâu hơn. Bản thân ông Anh lặn lội đến những địa phương nuôi tôm lớn trong nước để tham khảo, học tập kinh nghiệm nuôi  tôm về truyền đạt lại cho nông dân. Bên cạnh đó, Hơp tác xã còn liên kết với doanh nghiệp cung cấp thức ăn và tiêu thụ để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm…

Làm thế nào để nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm cũng là câu hỏi lớn đối với Hợp tác xã Đông Giang II, mà trực tiếp là ông Anh – người thuyền trưởng lèo lái con tàu.

Không kể ngày đêm, ông Anh cùng lãnh đạo Hợp tác xã Đông Giang II dày công đến từng hộ gia đình để vận động. Người trước bày vẽ, cầm tay chỉ việc, tuyên truyền cho người sau hiểu được lợi ích kinh tế để chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm.

Nhờ tinh thần đó, từ 5ha đến nay Hợp tác xã Đông Giang II đã mở rộng diện tích nuôi tôm bán thâm canh lên tới 26,3 ha với 50 hộ tham gia, thu nhập mỗi hộ đạt hàng trăm triệu đồng/năm.

Theo ông Anh, nuôi tôm bán thâm canh có tỷ lệ thả từ 40-50 con/m2, tốc độ tăng trưởng nhanh. Từ tháng 3 đến tháng 7 Hợp tác xã nuôi tôm sú, từ tháng 9 đến tháng 11 Hợp tác xã thả nuôi tôm thẻ chân trắng.

“Nuôi tôm phải có tính cộng đồng, quy trình đồng bộ. Nếu đảm bảo ba yếu tố môi trường, con giống và kỹ thuật thì sẽ chắc thắng”, ông Hoàng Đình Anh chia sẻ.

Ông Anh cho hay, bí quyết xử lý môi trường của nông dân nuôi tôm tại Hợp tác xã Đông Giang II là dùng chế phẩm sinh học EM do Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị phối hợp cung ứng theo hình thức chậm trả. Đây được xem là bí quyết đột phá giúp nông dân nâng cao hiệu quả nuôi tôm.

Từ những đóng góp tích cực trong việc sản xuất giỏi, giúp nông dân phát triển kinh tế, ông Hoàng Đình Anh đã nhiều lần được Hội Nông dân các cấp và UBND tỉnh Quảng Trị tặng Bằng khen, giấy khen.

Ông Trần Văn Bến, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đánh giá, ông Hoàng Đình Anh xứng đáng là tấm gương sáng trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững...".

Với những thành tích trong lao động sản xuất vươn lên làm giàu và tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ nông dân thoát nghèo, ông Hoàng Đình Anh đã được bình chọn là 1 trong 63 gương mặt nhà nông trên cả nước xứng đáng nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019". Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019" sẽ được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10 sắp tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem