Nóng: Lạng Sơn thông tin về nhu cầu nhập nông sản của Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán

Trần Quang Thứ bảy, ngày 25/12/2021 09:48 AM (GMT+7)
Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết, trước Tết Nguyên đán 14 ngày, phía Trung Quốc dự kiến sẽ nghỉ, không nhập hàng hóa đông lạnh mà chỉ nhập hàng nóng không qua đông lạnh nên các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để có phương án sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp lý.
Bình luận 0
 Nóng: Lạng Sơn thông tin nhu cầu nhập nông sản của Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Hàng nghìn xe chở nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu chờ thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Quỳnh Chi

Đưa hàng về cửa khẩu theo đơn đặt hàng của Trung Quốc

Chia sẻ tại Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 17 thúc đẩy liên kết cung cầu nông sản, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sáng 25/12, đại diện lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong thời gian gần đây, tình hình đại dịch Covid-19 tại tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh lân cận trong nước có diễn biến phức tạp nên phía Trung Quốc kiểm soát rất chặt chẽ hàng hóa nông sản vận chuyển từ miền Nam ra cửa khẩu Lạng Sơn để tiêu thụ.

Theo bà Thu, số liệu cập nhật mới nhất về hàng hóa tồn tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) khoảng 4.500 xe chủ yếu là xoài, thanh long, mít, dưa hấu...

Vừa qua tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản gửi các tỉnh, Bộ NNPTNT khuyến cáo các tỉnh miền Nam cân nhắc, lưu ý các doanh nghiệp khi có đơn hàng với bạn hàng Trung Quốc mới đưa hàng lên cửa khẩu.

"Hiện nay, các bến bãi của Lạng Sơn đã vận hành hết mức, do tình hình đại dịch nên việc quản lý lái xe, hàng rất khó khăn", bà Thu nói và khuyến cáo các địa phương phía Nam xem xét, thông tin thị trường liên tục đến các doanh nghiệp xuất khẩu để tránh thiệt hại.

Đại diện lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn chia sẻ thêm, trong thời gian vừa qua, lãnh đạo tỉnh, các cơ quan liên quan của địa phương cũng thường xuyên trao đổi, hội đàm, thư với phía bạn Trung Quốc để có giải quyết các vướng mắc liên quan đến tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, đến giờ mỗi ngày cũng chỉ xuất được 100 đến 200 xe.

"Thời điểm này thời tiết tại tỉnh Lạng Sơn khá thất thường, ngày nóng, đêm lạnh khiến việc bảo quản nông sản rất khó khăn nên các doanh nghiệp tại các tỉnh đưa về cửa khẩu cần cần nhắc và có giải pháp kịp thời", bà Thu lưu ý.

Theo bà Thu, hiện mỗi ngày các doanh nghiệp vẫn đưa hàng lên tỉnh Lạng Sơn với khoảng 200 xe khiến cho tình trạng ùn ứ, tồn nông sản càng nghiêm trọng hơn.

 Nóng: Lạng Sơn thông tin về nhu cầu nhập nông sản của Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết, trước Tết Nguyên đán 14 ngày, phía Trung Quốc dự kiến sẽ nghỉ, không nhập hàng hóa đông lạnh. Ảnh chụp màn hình.

Đại diện lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ NNPTNT và các cơ quan thuộc Bộ tiếp tục trao đổi, đàm phán, hội đàm với các cơ quan của Trung Quốc để triển khai các nghị định thư sớm đưa các mặt hàng (chưa được xuất khẩu chính ngạch), sớm được xuất khẩu sang nước này.

Trước 12h hàng ngày phải có bản tin về tình hình thông quan

Mới đây, để giải quyết việc ùn ứ nông sản sang Trung Quốc, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc số 8297-BCT/XNK gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Để kịp thời giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản sang Trung Quốc, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021.

Qua đó, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Văn bản số 9249/VPCP-KTTH ngày 18 /12/2021 của Văn phòng Chính phủ về tình hình ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và các văn bản liên quan.

Đồng thời, nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa cửa khẩu, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường các hoạt động: Thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Trong đó, đặc biệt lưu ý lịch nghỉ Tết nguyên đán của phía Trung Quốc để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.

Trao đổi ngay với bạn hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác (thí dụ như Cao Bằng) nhằm giảm ùn ứ tại Lạng Sơn. Chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác, thí dụ như đường biển mà hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đang làm rất tốt.

 Nóng: Lạng Sơn thông tin về nhu cầu nhập nông sản của Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 3.

Bến xe Tân Thanh, nơi mọi xe hàng hóa xuất khẩu ở đây đều phải vào làm thủ tục song những ngày qua bị ùn ứ nông sản sang Trung Quốc. Ảnh: Gia Tưởng

Tiếp tục chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch như Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến cáo (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính,…).

Đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương đã hướng dẫn.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,… cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu, cụ thể:

Chỉ đạo các Sở, ban ngành chức năng điều tiết sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường. Căn cứ khả năng sản xuất để phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị nông sản chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời chú trọng phát triển hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản.

Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản.

Chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các Sở, ban ngành khẩn trương thực hiện Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030".

Đối với UBND các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị này chỉ đạo ngành chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với đơn vị của các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai các giải pháp sau:

Trao đổi, đàm phán với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý phía Trung Quốc để triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu; nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng của cả 02 nước tại các cửa khẩu (như hải quan, kiểm dịch, doanh nghiệp dịch vụ vận tải, bốc xếp hàng hóa,…). 

Qua đó, tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Tiếp tục cập nhật, đưa tin thường xuyên về diễn biến giao nhận, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu và các vấn đề liên quan. Kịp thời trao đổi, phản ánh với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh để cùng phối hợp xử lý.

Trước mắt, để tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp quản lý, đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn cung cấp, đăng thông tin trước 12h00 hàng ngày trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh về tình hình xuất nhập khẩu, vận chuyển, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới; hoạt động của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, lưu thông hàng hóa qua địa bàn tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem