Giá nông sản hôm nay 25/12: Cà phê biến động trái chiều; tiêu cao nhất 79.500 đồng/kg
Cập nhật giá nông sản: Tiêu đi ngang
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 77.500 – 79.500 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 77.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (78.500 đồng/kg); Bình Phước (79.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 79.500 đồng/kg.
Việt Nam là nước có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu top 1 thế giới, chiếm khoảng gần 60% sản lượng toàn cầu. Song, ghi nhận từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong 11 tháng năm 2021, nhập khẩu hồ tiêu từ Campuchia tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Nam Hải, nguyên Chủ tịch VPA, cho biết, sản lượng hồ tiêu ở các tỉnh biên giới Campuchia giáp Việt Nam ước đạt 30.000 tấn/năm, chủ yếu bán sang Việt Nam theo đường tiểu ngạch. Hai năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên một lượng hồ tiêu Campuchia chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu nhập hồ tiêu để chế biến xuất khẩu.
Theo báo cáo của Thương vụ Campuchia tại Việt Nam, hầu hết các loại nông sản của quốc gia này xuất khẩu sang nước ta đều tăng từ 20-400% so với cùng kỳ 2020.
Đơn cử, trong 11 tháng qua, Campuchia xuất khẩu 3,1 triệu tấn thóc sang Việt Nam, tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm ngoái; hạt điều xuất sang khoảng 912.000 tấn; ngô hạt trên 134.000 tấn; đậu xanh khoảng 26.000 tấn; đậu tương 66.200 tấn...
Còn báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ, vượt xa Trung Quốc, Campuchia trở thành nhà cung cấp nông sản lớn thứ hai cho Việt Nam với kim ngạch đạt 3,3 tỷ USD, chiếm 8,5% thị phần (mặt hàng điều chiếm gần 61,7%), chỉ đứng sau Mỹ.
Trên thị trường thế giới, số liệu tổng hợp được cho thấy, xuất khẩu hồ tiêu của các nước cung cấp hàng đầu thế giới là Việt Nam, Brazil và Indonesia từ đầu năm đến nay đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức giảm mạnh nhất được ghi nhận tại Indonesia, giảm tới 26,9% trong 10 tháng đầu năm, trong khi Việt Nam và Brazil cũng giảm lần lượt là 7% và 1,5% trong 11 tháng.
Nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu thế giới trong năm nay vẫn tương đối tốt, nhưng tình trạng mất mùa tại các nước sản xuất chính dẫn đến sự sụt giảm về xuất khẩu.
Hiện, Mỹ đã dần đặt chỗ cho các đơn hàng năm 2022 trong khi thị trường châu Âu vẫn cho thấy sự dè dặt trong nhập hàng. Tương tự, sức mua từ thị trường Trung Đông cũng được dự báo không mấy tích cực.
Giá cà phê hôm nay: Biến động trái chiều
Trên thị trường thế giới, giá cà phê tăng giảm trái chiều. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 1/2022 được ghi nhận tại mức 2.462 USD/tấn sau khi tăng 0,65% (tương đương 16 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 3/2022 tại New York đạt mức 231,20 US cent/pound, giảm 1,01% (tương đương 2,35 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h15 (giờ Việt Nam).
Giá cà phê thế giới trong tháng 11 tiếp tục tăng 7,5% so với tháng trước và tăng 78% so với cùng kỳ năm 2020, lên mức cao nhất trong 10 năm qua kể từ sau mức trung bình 213 US cent/pound đạt được vào tháng 9/2011.
Nguyên nhân xuất phát từ lo ngại thiếu hụt nguồn cung, bên cạnh tình trạng tắc nghẽn tại các cảng quốc tế được dự đoán có thể kéo dài tới năm sau.
Trong niên vụ cà phê 2020-2021 (từ tháng 10/2020 đến tháng 9/2021), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,81 triệu tấn, giảm 10,6% so với niên vụ 2019-2020 do ảnh hưởng của thời gian giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết không thuận lợi khi Vành đai cà phê Thái Bình Dương xuất hiện mưa nhiều, gây bất lợi cho nhiều quốc gia sản xuất, trong khi lại gây khô hạn cho vùng trồng cà phê arabica chính ở phía Đông Nam Brazil.
Xu hướng tăng kể từ khi bắt đầu niên vụ cà phê 2020-2021 đang cho thấy sự phục hồi của giá cà phê thế giới sau 4 năm liên tiếp duy trì ở mức thấp, phản ánh sự thay đổi đáng kể trong điều kiện thị trường tổng thể.