Nông nghiệp 4.0 gặp khó vì thủ tục đất đai
TP HCM định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao nhưng nông dân và các HTX liên tục kêu khó trong xin phép xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp như: nhà lưới, nhà màng, nhà kho, nhà sơ chế đóng gói… Đây là những công trình quan trọng nhằm khép kín chuỗi sản xuất, giúp nông dân và HTX gia tăng giá trị, tăng giá bán, thay đổi cơ bản sản xuất nông nghiệp từ truyền thống sang hiện đại.
Muốn xây phải cam kết dỡ bỏ
Ông Huỳnh Đoàn Thông, một nông dân sản xuất rau màu giỏi ở huyện Củ Chi, cho biết để ứng dụng công nghệ cao hay nông nghiệp 4.0 người nông dân phải đầu tư rất nhiều. "Ngoài các thiết bị phục vụ cây trồng như hệ thống tưới, hệ thống cung cấp dinh dưỡng tự động, chúng tôi phải xây dựng nhà trồng cây nhằm bảo vệ cây tránh tác nhân gây hại bên ngoài như mưa gió, côn trùng, dịch bệnh.
Khi xây nhà màng, nông dân phải xin phép và để được cấp giấy phép xây dựng. Địa phương yêu cầu người dân phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác gây nhiều khó khăn. Nếu người dân không chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cơ quan quản lý yêu cầu phải cam kết dỡ bỏ, tháo gỡ nhà trồng cây này khi địa phương có quy hoạch hoặc dùng mục đích khác và không được đền bù. Chi phí xây dựng nhà màng từ 4-5 tỉ đồng/ha nhưng với những điều kiện như trên chúng tôi không yên tâm khi đầu tư" - ông Thông bày tỏ.
Nông dân chưa yên tâm đổ vốn vào nhà màng, nhà lưới để canh tác.
Theo Đào Thanh Đức, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất và dịch vụ Phước An (huyện Bình Chánh), HTX của ông muốn xây dựng nhà sơ chế hiện đại để đủ chuẩn xuất khẩu nhưng không xin được giấy phép xây dựng, xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng không được nên chỉ có thể sơ chế sản phẩm trên cơ sở vật chất hiện có, sản phẩm chỉ tiêu thụ trong nước.
"Tương lai, với các đơn hàng xuất khẩu, HTX phải thực hiện gia công tại các cơ sở bên ngoài đủ điều kiện. Làm như vậy HTX vừa bị chia sẻ bớt lợi nhuận vừa tốn chi phí và thời gian vận chuyển do nơi sơ chế, đóng gói xa vùng nguyên liệu" - ông Đức chia sẻ.
Báo cáo của Liên minh HTX TP HCM cho thấy từ năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP đã chủ trì phối hợp cùng các ban, ngành liên quan hỗ trợ xây dựng 7 mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến hiện đại, trong đó có hỗ trợ các HTX xây dựng nhà sơ chế. Tuy nhiên đến nay, chỉ duy nhất HTX Bò sữa Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) xây dựng được nhà máy sơ chế, đóng gói các sản phẩm từ bò sữa, những HTX nông nghiệp còn lại đang vướng mắc trong quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác hoặc chưa có mặt bằng để xây dựng.
Tiếp tục chờ
Theo Hội Nông dân TP, một trong những nguyên nhân khiến việc xin phép xây dựng công trình phụ trợ sản xuất nông nghiệp gặp khó là do một số địa phương có tư tưởng thủ thế, tránh vi phạm pháp luật về quản lý xây dựng. Bên cạnh đó, một số nơi, cán bộ sợ bị lợi dụng để biến tướng trong hoạt động xây dựng công trình phụ trợ.
Đại diện Sở Xây dựng TP cho biết theo quy định của pháp luật hiện hành, việc xây dựng nhà màng, nhà lưới được thực hiện trên đất nông nghiệp khác; việc xây dựng nhà sơ chế, nhà kho, nhà bảo quản thực hiện trên đất phi nông nghiệp khác. Tuy nhiên, thủ tục chuyển đổi hiện vẫn còn nhiều vướng mắc phải xin ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp…
Trước nhu cầu lớn của người dân trong việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp, ông Đoàn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP, thông tin các ban, ngành đã thống nhất chọn huyện Củ Chi để thí điểm quy trình hướng dẫn xác nhận hiện trạng đất nông nghiệp và chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác để cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết nên người dân vẫn phải tiếp tục chờ.
Quỹ đất nông nghiệp khác còn rất lớn
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho thấy năm 2018, toàn TP có 114.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có 386 ha đất đất nông nghiệp khác và 92,2 ha đất phi nông nghiệp khác. Theo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của các huyện, đến năm 2020, TP sẽ có 2.970 ha đất nông nghiệp khác cho thấy từ hiện trạng và quy hoạch đất nông nghiệp khác còn rất lớn.