Nông sản thế giới chưa hết “nóng”, doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi dè chừng, chờ đợi
Thị trường nông sản liên tục "nóng", lo ngại về nguồn cung liên tiếp chồng chất
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), giá lúa mì Chicago đóng cửa phiên 12/5 ở mức 1178,75 cent/giạ ( 433 USD/tấn) sau khi nhảy vọt lên gần 6%, mức tăng mạnh nhất kể từ giai đoạn chiến tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra vào đầu tháng 3. Giá ngô mặc dù chỉ tăng nhẹ lên mức 791,50 cent/giạ ( 311 USD/tấn) nhưng đây cũng là vùng giá cao đạt được kể từ năm 2012.
Báo cáo cung – cầu nông sản thế giới tháng 5 (WASDE) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) được phát hành đêm 12/5 đã khiến cho giá các mặt hàng đồng loạt “dậy sóng”. Theo MXV, trong bối cảnh các yếu tố gây ra lo ngại về nguồn cung liên tiếp chồng chất, những số liệu này có thể khơi mào cho một nhịp tăng mới của nhóm nông sản trong thời gian tới.
Trong báo cáo tối qua, USDA cũng đã đưa ra những số liệu đầu tiên cho mùa vụ 2022/23 sắp tới ở Mỹ. Diện tích gieo trồng ngô, đậu tương thấp do chi phí phân bón tăng cao, cùng với mức năng suất duy trì so với niên vụ trước khiến cho sản lượng dự báo sẽ giảm 4,3%. Tuy nhiên, mưa bão xuất hiện liên tục trong quá trình gieo trồng ở Midwest, khu vực sản xuất ngô và đậu tương chính của Mỹ đã khiến cho tiến độ năm nay mới chỉ đạt 22% diện tích dự kiến, chậm hơn nhiều so với mức 50% trung bình 5 niên vụ trước. Điều này không chỉ gây ra rủi ro về chất lượng suy giảm mà còn khiến diện tích ngô có thể tiếp tục bị thu hẹp.
Sản lượng ngô niên vụ 2021/22 của cả Argentina và Brazil đều được USDA duy trì dự báo bất chấp những ảnh hưởng từ hạn hán kéo dài trong vài tháng qua. Trước 2 báo cáo hàng tháng gần nhất, thị trường đều kỳ vọng dự báo nguồn cung của Argentina sẽ bị cắt giảm nhưng con số này vẫn được USDA giữ nguyên ước tính ở mức 53 triệu tấn.
Còn tại Brazil, sau khi thu hoạch vụ ngô thứ 1 bị thiệt hại nặng nề vừa qua, triển vọng vụ 2 cũng không khả quan hơn khi khô hạn và sương giá vẫn đang đe doạ tới năng suất cây trồng. Chính vì thế, nguồn cung ở các nước sản xuất chính có thể sẽ thắt chặt hơn so với những số liệu trong báo cáo vừa qua của USDA, MXV cho biết.
Giao dịch của các nhà máy vẫn ảm đạm
Argentina vẫn giữ vị thế là nguồn cung rẻ nhất thị trường với hàng giao trong quý II/2022, tuy nhiên, chất lượng ngô của quốc gia này đang kém hơn sau đợt hạn hán vừa qua. Cùng với đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn đang tiếp diễn cùng với thời tiết bất lợi ở Nam Mỹ khiến cho nhập khẩu ngô của nước ta đã giảm xuống. Tính trong tháng 4/2022, chỉ có 483.013 tấn ngô đã được Việt Nam nhập khẩu, tiếp tục giảm 6,4% so với tháng 3. Luỹ kế trong 4 tháng đầu năm nay, khối lượng ngô về Việt Nam đã giảm mạnh 24,8% so với cùng kì năm ngoái.
Nhu cầu mua ngô của các nhà máy trong giai đoạn này vẫn khá ảm đạm do triển vọng mùa vụ ngô Mỹ và Brazil, 2 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới vẫn chưa rõ ràng. Tâm lý chờ đợi cùng kì vọng giá nông sản có thể điều chỉnh khi ở vùng đỉnh nhiều năm vẫn đang chiếm ưu thế. Ngô giao tháng 7, 8 đang được các nhà máy của ta hỏi mua nhiều hơn so với các đợt giao hàng tháng xa.
Theo MXV, với triển vọng nông sản thế giới vẫn tiếp tục tăng cao trong giai đoạn quý III này khi nguồn cung thắt chặt hơn, việc chần chừ đang mang tới rủi ro khá lớn và dẫn tới việc chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi có khả năng sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, giá thịt lợn cũng khó tăng lên trên 60.000 đồng/kg bất chấp nguồn cung trong tháng 5 bị ảnh hưởng bởi dịch tả châu Phi. Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn thấp ở thời điểm này lại đang tạo thêm áp lực về đầu ra với ngành chăn nuôi.
Cập nhật đến hôm nay (13/5), giá lợn hơi hôm nay giữ mức ổn định, chỉ có 1 địa phương là tỉnh An Giang có mức giá cao nhất trên cả nước, đạt 60.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Bắc, thị trường lợn hơi đồng loạt chững giá, mức giao dịch thấp nhất khu vực được chứng kiến tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình là 54.000 đồng/kg. Thương lái tại Hưng Yên vẫn thu mua lợn hơi với giá 57.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Các tỉnh thành còn lại đều đang giao dịch ổn định trong khoảng 55.000 - 56.000 đồng/kg. Thị trường khu vực miền Trung, Tây nguyên cũng đi ngang so với ngày hôm qua, dao động trong khoảng 54.000 - 58.000 đồng/kg. Hiện tại, thương lái tỉnh Bình Thuận tiếp tục giao dịch tại ngưỡng 58.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại trong khu vực vẫn thu mua ổn định quanh mốc 55.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi không ghi nhận nhiều thay đổi trong hôm nay. Hầu hết thương lái tại các tỉnh thành trong khu vực đều đang giao dịch ổn định quanh mốc trung bình là 56.000 đồng/kg. Riêng tỉnh Bến Tre điều chỉnh giá thu mua lên 57.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với hôm qua.
Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng lần thứ 4 trong năm nay, từ ngày 1/5. Thức ăn chăn nuôi tăng lần thứ 4, tổng mức tăng 40.000 đồng/bao. Các công ty lớn tăng giá bán thức ăn chăn nuôi từ ngày 1/5 gồm: USFeed, C.P Việt Nam, Unipresident Việt Nam, Hòa Phát Đồng Nai, GreenFeed, CJ Vina Agri, Wagon Việt Nam...
4 tháng đầu năm, nhập gạo tấm Ấn Độ của doanh nghiệp Việt Nam đã tăng vọt, ghi nhận con số khoảng 80,000 tấn, gấp 4 lần so với cùng kì năm ngoái. Đây được xem là nguồn cung thay thế có chi phí hợp lý hơn trong bối cảnh giá ngô nhập khẩu đang ở mức cao.
Sau nhiều năm tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, hiện nay Việt Nam hầu như không còn sản xuất gạo chất lượng thấp, ngay cả gạo tấm Việt Nam cũng là gạo tấm chất lượng cao, phục vụ con người và có giá bán từ 430-450 USD/tấn. Trong khi các doanh nghiệp chỉ có nhu cầu gạo tấm chất lượng thấp, lại mua được với giá rẻ của Ấn Độ, chênh tới cả hơn trăm USD/tấn thì việc nhập tấm cho chế biến có thể hy vọng giúp kìm giá thức ăn chăn nuôi.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, lĩnh vực chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao do xung đột giữa Nga và Ukraine.
Cơ quan này dự đoán thời gian tới giá ngô và một số nguyên liệu thức ăn công nghiệp chính tiếp tục tăng do hạn chế về nguồn cung. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao cho đến hết năm 2022.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi. Giá thức ăn thành phẩm phi mã đã làm cho lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ. Bởi thực tế, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi, giống chiếm tỷ trọng nhỏ hơn.