Nông sản xuất khẩu: Chủ yếu sản phẩm thô, khó đạt mục tiêu 2019
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường thế giới từ năm 2018 có nhiều biến động, tiêu biểu là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cùng với đó là sự gia tăng bảo hộ đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường nông sản lớn của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Cụ thể, Trung Quốc không chỉ nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng nông sản nhập khẩu, mà còn tăng cường quản lý và siết chặt thương mại biên giới. Thị trường EU vẫn giữ cảnh báo "thẻ vàng" đối với thủy sản khai thác nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời dự thảo các quy định mới về các chất sử dụng trên sản phẩm giống cây trồng.
Ngoài ra, Mỹ cũng gia tăng các biện pháp bảo hộ thông qua áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng thủy sản Việt Nam. Trong đó, tiêu biểu là chương trình Thanh tra đối với cá da trơn theo Đạo luật Nông nghiệp (Farm Bill) và việc áp dụng Đạo luật Lacey Act đối với nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ đang được triển khai mạnh mẽ.
Tuy đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trên thị trường quốc tế, những tháng đầu năm 2019, ngành nông sản Việt Nam vẫn có những thành tựu nhất định. Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 19,8 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ N&PTNT) cho biết, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan đã tích cực phối hợp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở cửa thị trường, giải quyết vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu nông sản như: Xuất khẩu xoài sang Mỹ, Anh, Australia; măng cụt vào thị trường Trung Quốc...
"Dù đạt được những kết quả nhất định, song tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm 2019 vẫn khá khiêm tốn so với cùng kỳ năm 2018 và có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân là bởi nông sản nước ta chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng không nhiều..." Bộ NN&PTNT thông tin.
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN& PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho hay, 6 tháng đầu 2019, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018.
Đơn cử như: Hạt tiêu giảm 26,5%, gạo 16,7%, cà phê 11,8%... Trong khi đó, một số thị trường truyền thống như: Philippines, Indonesia đều đã nhập khẩu nông sản trong năm 2018 và hiện chưa có nhu cầu nhập khẩu thêm...
Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, ông Nguyễn Ngọc Nam, Tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thông tin thêm, từ tháng 6-2018 đến nay, Trung Quốc áp thuế nhập khẩu gạo Việt Nam lên mức 50%, nên ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng này. Trong khi đó, sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam khó cạnh tranh về giá so với Thái Lan, Ấn Độ…
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Diệu Cương, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại Minh Nghĩa Thịnh (tỉnh Đồng Nai) đánh giá, những tháng đầu năm 2019, nhiều đơn hàng xuất khẩu nông sản của doanh nghiệp gần như bị đình đốn bởi một số nước hạn chế nhập khẩu và đưa ra yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng.
"Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn nhỏ lẻ, công nghệ bảo quản sau thu hoạch kém, nên một số đơn hàng chưa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu." Bà Cương cho hay.
Để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2019 đạt 43 tỷ USD, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, hai mặt hàng lâm nghiệp và thủy sản sẽ là "cứu cánh" của ngành Nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2019. Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là gỗ và thủy sản cần chú trọng sản xuất những mặt hàng bảo đảm chất lượng mà các nước nhập khẩu yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung phối hợp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia cho một số mặt hàng nông sản chủ lực, nhất là đồ gỗ và thủy sản, trái cây…; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ, nâng cao giá trị gia tăng và hạ giá thành sản phẩm…
Về thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) được ký kết vào ngày 30-6 sẽ góp phần mở ra cơ hội, triển vọng lớn cho nông sản Việt Nam.