Nóng: Tên lửa bắn trúng căn cứ Mỹ ở Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan phớt lờ cảnh báo của Lầu Năm Góc

Lê Phương (RT) Thứ bảy, ngày 26/11/2022 11:09 AM (GMT+7)
Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành chiến dịch quân sự xuyên biên giới chống lại lực lượng dân quân người Kurd.
Bình luận 0
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan phớt lờ cảnh báo của Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trong lễ hạ thủy chiếc tàu thứ ba trong dự án Tàu hộ tống MILGEM của Pakistan, ngày 25 tháng 11 năm 2022 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty

Ít nhất hai quả đạn đã nhắm mục tiêu vào một "căn cứ tuần tra" của Mỹ gần thị trấn al-Shaddadi ở phía đông bắc Syria vào tối 25/11 (giờ địa phương), Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết trong một tuyên bố, tuy nhiên không cung cấp thông tin chi tiết về thủ phạm vụ tấn công.

Quân đội cho biết: "Vụ tấn công không gây thương tích hoặc thiệt hại cho căn cứ hoặc tài sản của liên minh", bên cạnh đó lưu ý một "tên lửa khác chưa khai hỏa" đã được phát hiện tại một địa điểm gần đó. Người phát ngôn của CENTCOM Joe Buccino nói thêm rằng các cuộc tấn công "dạng này khiến các lực lượng liên minh và dân thường gặp rủi ro, đồng thời làm suy yếu sự ổn định và an ninh của Syria cũng như khu vực".

Vụ việc xảy ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố hôm 25/11 rằng nước này quyết tâm "diệt tận gốc" những kẻ khủng bố bất kể chúng ở đâu hoặc là đối tác của ai.

Trước đó, Washington đã phản đối Ankara về một cuộc không kích "đe dọa trực tiếp" quân đội Mỹ đang làm việc với lực lượng dân quân người Kurd ở Syria.

"Bất kể những kẻ khủng bố thông đồng với ai, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ buộc chúng phải chịu trách nhiệm cho những hành động của mình", ông Erdogan nói trong một bài phát biểu tại nhà máy đóng tàu Istanbul. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng với Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif tham dự buổi lễ khánh thành 'PNS Khaibar', một trong bốn tàu hộ tống mà Islamabad đưa vào hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan cũng nói rằng "không ai có thể thuyết phục chúng tôi, đồng minh NATO duy nhất đã chiến đấu tay đôi với Daesh và giành chiến thắng", dường như ông muốn ám chỉ đến nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS, trước đây là ISIS).

Kể từ hôm Chủ nhật tuần trước (20/11), Ankara đã tiến hành các cuộc không kích và pháo kích, được gọi là Chiến dịch Claw-Sword, ở miền bắc Syria và Iraq. Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt lực lượng dân quân người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ quy trách nhiệm cho vụ tấn công khủng bố ngày 13/11 ở Istanbul khiến 6 người thiệt mạng và 81 người bị thương. 

Hôm 23/11, máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đã ném bom một địa điểm chỉ cách căn cứ của Mỹ gần Hasakah 300 mét, khiến Lầu Năm Góc cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ gây nguy hiểm cho quân đội của họ.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết các cuộc không kích gần đây ở Syria đã đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của các nhân viên Mỹ đang làm việc tại Syria với các đối tác địa phương để đánh bại IS và duy trì việc giam giữ hơn 10.000 tù nhân IS. Ông nói thêm rằng sự leo thang tiếp tục đe dọa "tiến bộ kéo dài nhiều năm" của liên minh do Mỹ lãnh đạo.

Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã trả lời vào hôm 25/11 rằng Ankara chỉ nhắm mục tiêu vào những kẻ khủng bố và "không làm hại các lực lượng liên minh hoặc dân thường".

Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó tuyên bố rằng toàn bộ lãnh thổ do IS kiểm soát đã được giải phóng vào tháng 3/2019. Washington tiếp tục duy trì khoảng 900 binh sĩ ở Syria mà không có sự cho phép của chính phủ ở Damascus hoặc Liên Hợp Quốc.

Đầu tuần này, ông Erdogan cho biết mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là tạo ra một "vùng đệm" dọc biên giới Syria, đặc biệt đề cập đến các thành phố Tall Rifat, Manbij và Kobane. Dải đất dài 30 km là mục tiêu trong cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria năm 2019, vốn đã bị một số đồng minh NATO lên án và bị Mỹ trừng phạt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem