Nước lũ sát mặt đê, người dân An Giang đứng ngồi không yên

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 10/09/2018 13:25 PM (GMT+7)
Mực nước đang ở mức cao và dự báo sẽ còn tiếp tục lên nhanh trong vài ngày tới, uy hiếp nhiều đoạn đê bao xung yếu khiến người dân An Giang lo lắng, đứng ngồi không yên.
Bình luận 0

Thu hoạch lúa chạy lũ

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, mực nước lũ đang lên cao, nhiều nơi đã ngấp nghé bờ đê ở một số khu vực thuộc xã Lương An Trà, Lạc Quới, Vĩnh Phước, Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn), trong đó có nơi mực nước chỉ cách mặt đê từ 0,3-0,4m.

img

Người dân huyện Tri Tôn (An Giang) thu hoạch lúa ngoài đê bao bị nước lũ nhấn chìm

Điều mà người dân nơi đây lo ngại là phía bên trong đê có nhiều ruộng lúa chưa thu hoạch trong khi các đoạn đê phần lớn mới gia cố nên đất mềm, rất dễ sạt lở trước áp lực nước từ kênh Vĩnh Tế đang lên mạnh và trong trường hợp có mưa lớn kéo dài.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, nước lũ đang có chiều hướng lên. Đến ngày 15.9 tới, mực nước cao nhất trong ngày trên kênh Vĩnh Tế có khả năng ở mức 3,9m.

Theo thống kê của UBND huyện Tri Tôn, toàn huyện đã có 887ha lúa thu đông bị thiệt hại do lũ và có 2.070ha khu vực ngoài đê bao xung yếu cần tập trung bảo vệ. Đã có một số nơi, người dân đang thu hoạch chạy lũ (những diện tích lúa chưa chín tới nhưng có nguy cơ bị thiệt hại), cụ thể là 431ha ở xã Lạc Quới, 209ha ở xã Vĩnh Gia.

Được biết, để công tác ứng phó với lũ đạt hiệu quả tốt nhất, các địa phương trên địa bàn huyện Tri Tôn đã tổ chức 61 cuộc họp dân để thông báo diễn biến lũ, đưa ra phương án đặt máy bơm chống úng, gia cố đê bao, cống bọng bảo vệ lúa. 

"Mấy ngày nay địa phương huy động trên 700 người (bộ đội, biên phòng, dân quân tự vệ) cùng người dân gia cố đê bao. Năm nay lũ về sớm hơn mọi năm gần cả tháng, đồng thời mực nước lên nhanh và cao hơn cùng kỳ gây khó khăn trong công tác bảo vệ, đặc biệt là khu vực ngoài đê bao" - ông Võ Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Lạc Quới (Tri Tôn) cho biết.

Bảo vệ các tuyến đê xung yếu

Theo Phòng NNPTNT huyện Châu Phú, trước tình hình nước lũ diễn biến phức tạp, nơi đây đã gia cố 20 đập, 27 công trình đê, 7 công trình cống bọng, 9 công trình gia cố trạm bơm và 4 công trình khác. Hiện, huyện Châu Phú đang tổ chức lực lượng ứng trực 24/24h bảo vệ các tuyến đê bao xung yếu, đảm bảo sản xuất. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát bảo vệ tính mạng, tài sản người dân.

img

Lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi yêu cầu tỉnh An Giang tích cực hỗ trợ người dân thu hoạch lúa hè thu trước ngày 15.9

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ Tây, ông Lương Hoàng Viễn cho biết, vài ngày qua, nhiều người dân và lực lượng chức năng xã cùng nhau gia cố tuyến đê Tây Kênh 8 để bảo vệ khoảng 2.300ha lúa thu đông bên trong. Hiện, mực nước bên trong và ngoài đê đã chênh lệch hơn 1,5m nên không thể lơ là. Ngoài việc gia cố đê, các bên liên quan còn thường xuyên  kiểm tra các điểm xung yếu để kịp thời xử lý các chỗ rò rỉ nước dưới thân đê.

Khi được hỏi về lũ năm nay như thế nào, ông Nguyễn Văn Hoà ở xã Thạnh Mỹ Tây nói: "Lũ năm nay cao hơn các năm trước rất nhiều nên tôi rất lo lắng, đứng ngồi không yên. Tôi thường xuyên ra đê bao để xem mực nước, chủ động ứng phó cùng bà con trong xã”.

Được biết, ngày 7.9 vừa qua, sau khi khảo sát tình hình mực nước lũ và kiểm tra công tác gia cố đê bao tại vùng sản xuất vụ ba tại An Giang, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Đỗ Văn Thành đã yêu cầu các cấp, các ngành tỉnh này tiếp tục tích cực hỗ trợ người dân thu hoạch lúa hè thu trước ngày 15.9. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đê bảo vệ lúa thu đông, kịp thời gia cố điểm xung yếu tránh sự cố phát sinh…

Sáng nay (10.9), mực nước lũ lên nhanh kết hợp với triều cường đã gây ngập một số tuyến đường nội ô TP. Long Xuyên (An Giang) khiến giao thông bị ùn tắc, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều hộ dân. Theo dự báo, nhiều tuyến đường TP. Long Xuyên sẽ tiếp tục bị ngập trong vài ngày tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem