Nuôi con đặc sản, cưa sừng non bán 22 triệu/kg, nông dân này ở Bình Phước nhanh khá giả

Chủ nhật, ngày 16/10/2022 05:48 AM (GMT+7)
Các hộ nông dân trên địa bàn huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình nuôi hươu lấy nhung gắn với tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ.
Bình luận 0
Xác định đa dạng hình thức chăn nuôi là giải pháp giúp giảm bớt rủi ro về giá thành, dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh chi phí đầu vào chăn nuôi tăng cao, các nông hộ trên địa bàn huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình nuôi hươu lấy nhung gắn với tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ. 

Hiệu quả bước đầu mô hình mang lại là hướng gợi mở để nhiều nông dân có thể tham khảo, tiếp cận trong bối cảnh các vật nuôi truyền thống gặp nhiều bất lợi.

Tận dụng thời gian nhàn rỗi trong quá trình trồng, chăm sóc cây cao su, anh Trần Đình Nhu ở thôn Bình Đức 1, xã Đức Hạnh quyết định chọn nuôi hươu lấy nhung để cải thiện thu nhập. 

10 con hươu cùng hệ thống chuồng trại được đầu tư ban đầu với số tiền khá lớn khoảng 350 triệu đồng, nhưng chỉ sau gần 3 năm, gia đình anh đã thu hồi vốn, nhờ giá nhung đang ở mức 22 triệu đồng/kg như hiện nay.

Anh Nhu cho biết: Nuôi hươu lấy nhung cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi dê, bò. Thời gian khai thác nhung kéo dài từ 15-20 năm, sản lượng cũng như chất lượng cao dần theo thời gian, riêng chi phí nuôi rất thấp vì nguồn thức ăn tận dụng tại chỗ.

Sắp tới, gia đình sẽ thay đổi cách chăn nuôi, chuyển từ nuôi nhốt sang thả đồng và tiếp tục mở rộng quy mô. Gia đình rất mong ngành chức năng hỗ trợ kỹ thuật, nguồn vốn để tăng đàn vì diện tích chăn thả, nguồn thức ăn ở đây còn nhiều.

Nuôi con đặc sản, cưa sừng nón bán 22 triệu/kg, nông dân này ở Bình Phước nhanh khá giả - Ảnh 2.

Anh Trần Đình Nhu hài lòng với mô hình nuôi hươu lấy nhung đang cho hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: Trung Quang

"Trước mắt, địa phương đang định hướng nông dân phát triển, nhân rộng mô hình, sau đó sẽ tính đến việc kết nối với doanh nghiệp, tạo đầu ra lâu dài cho sản phẩm. Để làm được việc này, Hội Nông dân xã sẽ liên kết các hộ nuôi, tuy nhiên rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng về vốn, kỹ thuật để địa phương tiến tới thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi hươu lấy nhung", ông Nguyễn Thanh Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập.

Bà Hồ Thị Diệu cùng ở thôn Bình Đức 1 cho biết: Hươu chỉ ăn những cây lá tận dụng sẵn có trong vườn. Đây là lợi thế lớn nhất trong quá trình chăn nuôi hươu, nếu có trái cây cho hươu ăn thêm thì sẽ phát triển tốt hơn. Từ ngày nuôi đến nay, giá nhung hươu rất tốt, người ta đặt thì mình cắt bán nên không lo về đầu ra.

Để đảm bảo đầu ra lâu dài, người chăn nuôi ở địa phương đã chủ động ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp cung cấp giống. 

Đây được xem là phương án giúp giảm rủi ro về giá bán, đồng thời tạo điều kiện cho việc mở rộng quy mô, tăng đàn, liên kết sản xuất trong thời gian tới.

Nuôi hươu lấy nhung không phải là mô hình mới đối với nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên vốn đầu tư ban đầu khá lớn nên rất ít người tiếp cận với mô hình này. 

Giá bán nhung hươu luôn ở mức cao, ổn định, thức ăn chủ yếu tận dụng tại chỗ, đây là lợi thế rất lớn để người nuôi hươu lấy nhung tại địa phương tiếp tục mở rộng quy mô, tăng đàn. Tuy nhiên, sự đồng hành, hỗ trợ về vốn ưu đãi, kỹ thuật từ ngành chức năng là hết sức cần thiết để chăn nuôi hươu lấy nhung phát triển bền vững.


Trần Cảnh (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem