Ở xã này của Cà Mau, người ta rủ nhau nuôi 2 loài bò sát, người lạ xem hết hồn nhưng nông dân giàu lên

Chúc Ly - Tâm Như Thứ bảy, ngày 07/05/2022 13:06 PM (GMT+7)
Tại xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau có những nông dân khá giả lên nhờ nuôi cua đinh, nuôi rắn ri tượng, bắt lên toàn con to bự, người lạ xem hết hồn...
Bình luận 0

Khá giả nhờ nuôi loài bò sát, con thì có chân, con chẳng chân nào

Hồ Thị Kỷ là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer. Xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2020 nhưng đến nay tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chí mới lên đến gần 10%.

Phó chủ tịch UBND xã Hồ Thị Kỷ Lê Văn Vĩnh cho rằng: "Do xã có 2 ấp thuộc diện đặc biệt khó khăn, đông đồng bào dân tộc. 

Mặc dù có lợi thế nằm ven TP.Cà Mau, lại giáp ranh các huyện có nhiều điều kiện về việc làm, nhưng vấn đề nan giải là số hộ nghèo lại rơi vào những hộ ý thức vươn lên thoát nghèo chưa cao. Từ đó rất khó để giảm nghèo bền vững".

Qua rà soát các tiêu chí theo chuẩn cũ thì đến nay xã mới chỉ đạt 5/13 chỉ tiêu. Khó nhất cho địa phương hiện nay là việc tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Mỗi năm địa phương dự định giảm khoản 100 hộ nghèo và cận nghèo.

Dù là xã đạt chuẩn NTM nhưng tiêu chí tổ chức sản xuất cũng còn nhiều bấp bênh. Tuy vậy, vẫn có những lão nông cần cù, luôn tìm kiếm những mô hình hay, cách làm mới để phát triển kinh tế gia đình.

Nông dân Lý Sơn (ngụ ấp Đường Đào), cho biết: "Ở đây người giàu thì giàu lắm, còn người nghèo thì cũng cao. Bộ phận người nghèo do không đất sản xuất lại chưa chí thú làm ăn nên khó thoát nghèo. Chứ như nông dân chúng tôi, chỉ cần 20m2 đất mà chăm chỉ cũng có mô hình thoát nghèo".

Ở xã này, nhiều người ngỡ ngàng trước những lão nông khấm khá từ cua đinh, rắn ri tượng - Ảnh 2.

Tại xã Hồ Thị Kỷ xuất hiện những lão nông khấm khá từ những mô hình độc lạ. Ảnh: Tâm Như.

Mô hình thoát nghèo theo lời ông Sơn là nuôi cua đinh. Với diện tích 12m2 ông Sơn chia 3 ô nuôi 50 con cua đinh. Ông Sơn bán cua đinh thương phẩm với giá 1 triệu đồng/kg.

Cua đinh là loài ít ăn, mau lớn (khoảng 2 ngày mỗi con chỉ ăn 1 con cá phi); mỗi tháng thay nước từ 1-2 lần. "Sau 1 năm nuôi là có thể bán cua đinh thịt được; còn nếu để bán cua đinh giống thì 6 tháng cua đinh đẻ 1 lần, với giá bán cua đinh giống là 500.000/con", ông Sơn chia sẻ.

Ở xã này, nhiều người ngỡ ngàng trước những lão nông khấm khá từ cua đinh, rắn ri tượng - Ảnh 3.

Lão nông Lý Sơn khấm khá từ mô hình nuôi cua đinh, ba ba. Ảnh: Tâm Như.

Ngoài nuôi cua đinh, ông Sơn còn nuôi thêm ba ba. Với diện tích 12m2 gia đình chú Sơn thả nuôi 1.000 con ba ba. Sau 10 tháng nuôi với thức ăn là cá phi sẵn có tại địa phương, gia đình ông thu về hơn 180 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí.

"Độc canh cây lúa hoặc con tôm đều không mang lại kết quả sản xuất như mong muốn. Để sản xuất được bền vững thì phải đa dạng trong sản xuất, nông dân phải nhanh nhạy với thị trường, sản xuất những gì người tiêu dùng cần", ông Sơn chia sẻ.

Có thu nhập, thoát được nghèo lại ham làm giàu

Ông Tạ Văn Thi - Chủ tịch Hội nông dân xã Hồ Thị Kỷ, bộc bạch: "Đặc trưng của đất ở vùng này là trủng nên không thể làm lúa được mà chỉ nuôi trồng thủy sản. 

Dân đây hơn 80% hộ khá, giàu. Hội viên nông dân không còn hộ nào thuộc diện nghèo, cận nghèo. Hộ nghèo trên địa bàn đa số rơi vào hộ người dân tộc, không đất, không tư liệu sản xuất hoặc neo đơn, không sức lao động".

Hơn 10 năm trước, gia đình bà Tạ Thị Tư (ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ) từng là hộ nghèo. Giờ đây khi đã 70 tuổi nhưng bà luôn nỗ lực phát triển kinh tế gia đình.

Bà Tư trần tình: "Trước đây gia đình tôi nghèo vì ít đất sản xuất lại đông con (10 người con những chỉ có 2 công đất). Dần dà con lớn hết và ra ở riêng nên cuộc sống cũng đỡ hơn. Giờ còn 2 vợ chồng già với thằng con trai út những chúng tôi vẫn lao động hàng ngày. Phải tự mình vươn lên chứ ai giúp mình hoài được".

Và cũng nhờ đồng vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình cô thả nuôi 100 con rắn ri tượng. Sau 9 tháng nuôi, gia đình bà Tư đã cho xuất chuồng được 250 con rắn con (mỗi con 60.000 đồng). Hiện tại trong ao nhà vẫn còn gần 80 con rắn đang chuẩn bị đẻ.

Ngoài ra vợ chồng bà Tư còn nuôi thêm cua đinh, càng đước,…Nhờ đa dạng trong sản xuất mà gia đình bà cũng đã thoát nghèo.

Ở xã này, nhiều người ngỡ ngàng trước những lão nông khấm khá từ cua đinh, rắn ri tượng - Ảnh 4.

Gia đình bà Tư thoát nghèo từ mô hình nuôi rắn ri tượng, cua đinh. Ảnh: Tâm Như.

Ông Lê Văn Vĩnh trần tình: "Nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, chúng tôi sẽ nghiên cứu để người khá hơn nhận đỡ đầu người nghèo. Cụ thể, mỗi đảng viên hoặc hội viên sẽ nhận giúp đỡ 1 hộ nghèo cho đến khi thoát nghèo. Chỉ có cách sát sao như thế mới mong xóa nghèo được bền vững".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem