Nuôi loại con mọc sừng quý, trồng thứ cây nở hoa quý, một ông nông dân Thái Nguyên phát tài

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ ba, ngày 16/04/2024 05:46 AM (GMT+7)
Tận dụng diện tích vườn đồi rộng, ông Nguyễn Đức Hiền (60 tuổi, xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đã đầu tư trang trại nuôi hươu sao lấy nhung và bán hươu giống, kết hợp trồng cây sâm nam cho hoa quý, tạo thành một vòng kinh tế tuần hoàn hiệu quả, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Gia đình ông Nguyễn Đức Hiền (xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) là hộ đầu tiên trên địa bàn xã Phấn Mễ đưa giống hươu sao về nuôi tại địa phương.

Nuôi hươu lấy nhung nhàn nhã, bỏ túi gần nửa tỷ đồng lần thu đầu tiên

Sau nhiều năm làm thợ xây vất vả, khi đã có tuổi ông Hiền quyết định tìm công việc nhàn nhã hơn mà lại có thu nhập ổn định. 

Qua nghiên cứu và tham khảo nhiều mô hình chăn nuôi khác nhau, nhận thấy nuôi hươu mang lại giá trị kinh tế cao mà lại ít dịch bệnh nên đầu năm 2021 ông Hiền đã quyết định đầu tư trang trại và mua con giống từ Hà Tĩnh về nuôi.

Với nguồn vốn ban đầu tương đối lớn, vợ chồng ông đã mạnh dạn vay 400 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để xây dựng trang trại và mua 25 con hươu giống, tổng chi phí lên tới 1,2 tỷ đồng.

Nuôi loại con mọc sừng quý, trồng thứ cây nở hoa quý, một ông nông dân Thái Nguyên phát tài- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Hiền bắt tay vào nuôi hươu sao từ đầu năm 2021, đến năm 2023 khi thu hoạch lứa đầu (bán nhung và bán giống), gia đình ông thu về gần nửa tỷ đồng. Ảnh: Hà Thanh.

Chia sẻ về quá trình nuôi hươu, ông Hiền cho biết, thời điểm đó, trên địa bàn xã chưa có ai phát triển mô hình này nên đây là một mô hình rất mới.

Theo ông Hiền, nuôi hươu cơ bản rất nhàn vì công chăm sóc không nhiều. Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra khoảng 2 tiếng đồng hồ cắt cỏ cho hươu ăn vào buổi sáng và buổi chiều.

Năm đầu tiên khi đến với mô hình này do chưa có nhiều kinh nghiệm nên gia đình ông cũng gặp phải một số khó khăn như nguồn cỏ chưa tự chủ động được, kỹ thuật chăm sóc chưa nắm chắc. 

Nhưng rồi với sự đam mê, tâm huyết ông Hiền đã dần khắc phục những khó khăn ban đầu và phát triển ổn định mô hình đến nay. Sau hơn 2 năm bắt tay vào nuôi hươu, hươu của gia đình ông Hiền phát triển tốt, cho lợi nhuận cao, khoảng hơn 400 triệu đồng năm 2023 (cả bán nhung và bán giống). 

Do đó, ông Hiền đang đầu tư xây dựng thêm trang trại để mở rộng quy mô chăn nuôi hươu sao.

Theo ông Hiền, nuôi hươu cơ bản rất nhàn vì công chăm sóc không nhiều. Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra khoảng 2 tiếng đồng hồ cắt cỏ cho hươu ăn vào buổi sáng và buổi chiều. 

Vì nguồn thức ăn của hươu chủ yếu từ trong tự nhiên như cỏ voi, các loại lá nên rất dễ kiếm và có thể chủ động được. Hiện, gia đình ông đã trồng khoảng hơn 3.600m2 cỏ voi để làm nguồn thức ăn cho hươu.

Nuôi loại con mọc sừng quý, trồng thứ cây nở hoa quý, một ông nông dân Thái Nguyên phát tài- Ảnh 3.

Gia đình ông Nguyễn Đức Hiền (xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) trồng khoảng hơn 3.600m2 cỏ voi để làm nguồn thức ăn cho hươu. Ảnh: Hà Thanh.

Ngoài cho hươu ăn cỏ, ông Hiền còn cho ăn thêm các loại lá cây trồng trong vườn nhà như lá mít, lá xạ đen, lá đinh lăng… kết hợp với cho ăn ngô hạt vào thời điểm hươu mới cắt nhung và sau khi hươu sinh sản để bổ sung chất dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho hươu.

"Chuồng trại nuôi hươu không cần quá cầu kỳ, chỉ cần đảm bảo yếu tố thoáng mát về mùa hè và ấm áp vào mùa đông", ông Hiền cho hay.

Hiện, gia đình ông Hiền đang có 21 con hươu sao, trong đó 14 con lấy nhung và 7 con cái sinh sản. Đối với hươu giống, sau khi sinh ra khoảng 7 – 8 tháng là có thể xuất bán.

Khác với một số hộ nuôi hươu lấy nhung, một năm chỉ khai thác nhung được 1 lần thì ông Hiền có cách chăm sóc hiệu quả giúp nhung ra hai lần trong một năm. 

Trung bình mỗi con hươu cho từ 1,7 – 1,8kg nhung, nhung hươu được ông bán đi một số tỉnh thành như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… với giá 1,8 triệu đồng/lạng.

Nuôi hươu kết hợp trồng sâm nam, hướng tới sản phẩm OCOP

Thấy nuôi hươu tương đối nhàn nhã, đầu năm 2023 ông Hiền lại tìm hiểu rồi về Bắc Giang mua giống để trồng thêm cây sâm nam. 

Ban đầu ông trồng thử khoảng 300 gốc. Đến nay bước đầu nhận thấy cây sâm phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao nên ông đã phát triển lên 3.400 gốc trên diện tích 1ha.

Nuôi loại con mọc sừng quý, trồng thứ cây nở hoa quý, một ông nông dân Thái Nguyên phát tài- Ảnh 5.

Bên cạnh việc nuôi hươu, ông Hiền còn kết hợp trồng cây sâm nam để tận dụng lá cho hươu ăn. Ảnh: Hà Thanh

Theo đông y, cây sâm nam là một loại dược liệu có thể sử dụng được vỏ thân, vỏ rễ và lá. Sâm nam không chỉ có tác dụng bồi bổ cơ thể mà còn được dùng để chữa một số bệnh như: Khử phong trừ thấp, sơn căn hoạt lạc, giải biếu, ra mồ hôi. 

Tinh dầu chiết xuất từ vỏ thân cây có khả năng kích thích hệ thần kinh, chữa cảm lạnh, hạ đường huyết. Còn rễ cây sâm nam được sử dụng để thông tiểu, giải nhiệt, làm mát và bồi bổ sức khỏe.

Đặc biệt, lá cây sâm nam được ông Hiền tận dụng để làm thức ăn cho hươu giúp tăng cường sức đề kháng rất tốt. 

Cùng với trồng sâm nam, ông Hiền còn nuôi thêm ong mật để tận dụng nguồn thức ăn từ hoa sâm. Ngược lại phân hươu được ông sử dụng đế bón cho cây sâm giúp sâm phát triển nhanh và giảm chi phí mua phân bón. Đây là một mô hình kinh tế tuần hoàn bước đầu cho hiệu quả rất tốt.

Nuôi loại con mọc sừng quý, trồng thứ cây nở hoa quý, một ông nông dân Thái Nguyên phát tài- Ảnh 7.

Cây sâm nam có nhiều công dụng trong việc điều trị bệnh mà lại cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hà Thanh

Qua vài tháng trồng, sâm đã bắt đầu cho thu hoạch hoa với sản lượng khoảng 200kg tươi năm 2023 được ông bán với giá dao động từ 200.000 - 250.000 đồng/kg. 

Bên cạnh đó, ông còn học hỏi kinh nghiệm và mua tôn quay về sấy hoa thành sản phẩm trà hoa sấy khô. Sản phẩm này được gia đình ông bán với giá 1 triệu đồng/kg. Trong năm 2024, gia đình ông đang làm hồ sơ thủ tục để đăng ký sản phẩm này là sản phẩm OCOP của địa phương.

Nuôi loại con mọc sừng quý, trồng thứ cây nở hoa quý, một ông nông dân Thái Nguyên phát tài- Ảnh 8.

Trà hoa sâm nam sấy khô là sản phẩm ông Hiền sẽ đăng ký OCOP trong năm 2024. Ảnh: Hà Thanh

Cây sâm nam có ưu điểm là có thể tận thu từ hoa tới lá và củ. Củ sâm nam sẽ được thu hoạch sau 5 năm trồng với sản lượng mỗi gốc khoảng 2 – 3kg củ, giá bán trên thị trường hiện khoảng 1,5 triệu đồng/kg. Bên cạnh trồng sâm nam để thu hoạch hoa và củ, ông Hiền còn ươm giống để bán cho những bà con có nhu cầu.

Nuôi loại con mọc sừng quý, trồng thứ cây nở hoa quý, một ông nông dân Thái Nguyên phát tài- Ảnh 9.

Hội Nông dân huyện Phú Lương dẫn PV Dân Việt đến thăm mô hình trồng cây sâm nam của gia đình ông Hiền. Ảnh: Hà Thanh

Bà Trịnh Ngọc Trà – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Lương đánh giá: Mô hình nuôi hươu sao và trồng sâm nam của hộ gia đình ông Nguyễn Đức Hiền - hội viên nông dân xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ là một mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trên địa bàn. 

Hằng năm, ông Hiền đã thường xuyên nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi mang lại thu nhập cao cho gia đình.

"Năm 2024, gia đình ông Hiền có định hướng đăng ký sản phẩm trà hoa sâm nam sấy khô là sản phẩm OCOP, do đó, Hội Nông dân huyện Phú Lương có chủ trương sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện để hướng dẫn, hỗ trợ gia đình hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo đúng quy trình.

Cùng với đó, năm 2024, Hội Nông dân huyện Phú Lương cũng đã chỉ đạo Hội Nông dân xã Phấn Mễ rà soát các mô hình kinh tế tiêu biểu và xác định từ giờ đến cuối năm khi có các nội dung hướng dẫn của tỉnh, chúng tôi sẽ hỗ trợ các điều kiện giúp cho hộ gia đình ông Hiền dự thi sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2024, đồng thời sẽ có bình xét, đề xuất hộ gia đình ông Hiền là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương", bà Trà thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem