Hai anh nông dân Quảng Ninh nuôi đàn ngựa trên đồng cỏ mênh mông, mong một ngày thành điểm check in độc đáo

Công Thành Thứ hai, ngày 02/10/2023 18:49 PM (GMT+7)
Hai anh Chu Văn Trình và Chu Văn Mộc (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) đang phát triển đàn ngựa 26 con trên những đồng cỏ rộng mênh mông ở Khe Và. Mô hình này hứa hẹn sẽ là sản phẩm du lịch mới trong tương lai.
Bình luận 0

Đưa đàn ngựa lên Khe Và

Cùng cán bộ xã Vô Ngại, chúng tôi đến thăm nơi nuôi ngựa của hai anh Chu Văn Trình và Chu Văn Mộc ở một vùng đồng cỏ mênh mông ước tính rộng hàng trăm hecta tại Khe Và (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh). Đón chúng tôi trên Khe Và lần này là anh Chu Văn Trình. 

Nuôi ngựa ở Bình Liêu - Ảnh 5.

Khe Và (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) là nơi bà con chăn thả nhiều loại gia súc, trong đó có ngựa. Ảnh: Công Thành.

Những con ngựa được anh Trình chăn nuôi đều đã mang vóc dáng cao lớn của ngựa đã trưởng thành. Chúng rất hiếu động, thỉnh thoảng lại ngẩng cao đầu hí vang rồi khua móng lộp cộp. Theo anh Trình, ngựa càng năng động thì chúng càng nhanh và khỏe, có thể làm được ngựa đua. Nếu ngựa được huấn luyện tốt, chúng là con vật rất thông minh và trung thành với chủ.

Anh Trình kể, từ khi còn nhỏ, anh đã quen với việc nuôi ngựa, khi ấy các con đường ở xã Vô Ngại rất xấu, gồ ghề, lại phải lội qua nhiều con suối, đi bằng xe máy cũng khó. Nhiều hộ trên địa bàn huyện trồng cây hồi, mỗi vụ thu hoạch, họ đều thuê ngựa nhà anh để chuyên chở quả hồi và nhiều loại hàng hóa khác. Còn nay, nhờ có chương trình nông thôn mới, những con đường liên thôn, liên xã ở đây cơ bản đều đã được bê tông hóa, đâu cần gì đến ngựa thồ. 

Nuôi ngựa ở Bình Liêu - Ảnh 1.

Những đồng cỏ ở Khe Và rộng mênh mông, cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp. Công Thành.

Thế nhưng hai anh vẫn phát triển đàn ngựa, bởi Bình Liêu đang đẩy mạnh phát triển du lịch và dần trở thành điểm du lịch độc đáo. Do đó, hai anh em cảm thấy cần có một mô hình gì đó để níu chân du khách khi đến Bình Liêu. 

Vậy là năm 2020, hai anh em cất công sang Bắc Giang để mua 20 ngựa giống và đầu tư chuồng trại với số tiền gần 800 triệu đồng, trong đó các anh được hỗ trợ 360 triệu đồng từ nguồn xây dựng nông thôn mới xã Vô Ngại.

Nuôi ngựa ở Bình Liêu - Ảnh 4.

Ngựa ăn rất nhiều, hầu như loại cỏ nào cũng ăn được. Ảnh: Công Thành.

Ban đầu, hai anh em nuôi ngựa ở thôn Nà Cắp (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu), thế nhưng khu vực này khá đông dân cư, việc phát triển đàn ngựa ở đây không phải kế sách lâu dài. Ngoài ra, dù đã chuyển đổi một số cánh đồng trồng trồng lúa sang trồng cỏ làm thức ăn cho ngựa, nhưng nếu để phát triển thành đàn ngựa lớn thì không đủ. 

Bên cạnh đó, ngựa là loài thích vận động, nên khu vực này không đủ rộng để đàn ngựa tung bờm chạy. Vậy là hai anh em quyết định đưa đàn ngựa đến Khe Và, nơi có nhiều đồi hoang đồng cỏ xanh tốt, giống như những thảo nguyên.

Theo anh Trình, ngựa tỏ ra rất hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của Bình Liêu, nên chúng lớn rất nhanh. Khi mới mua, những con ngựa chỉ nặng chừng 20kg, thế nhưng chỉ sau khoảng 2 tháng, ngựa đã nặng từ 60 - 70kg/con. Chúng ăn suốt ngày, thức ăn chính của ngựa là các loại cỏ (trừ cỏ ống). Tuy cũng là loài móng guốc như trâu, bò, nhưng ngựa rất ít bị lở mồm long móng hay các dịch bệnh khác.

Nuôi ngựa ở Bình Liêu - Ảnh 6.

Hai anh em anh Chu Văn Trình coi ngựa giống như những người bạn của mình. Ảnh: Công Thành

Anh Trình chỉ cho chúng tôi từng con ngựa trong đàn, mỗi con ngựa có màu lông khác nhau nên anh cũng đặt tên cho chúng theo màu lông. Anh Trình còn chỉ cho chúng tôi con ngựa nào có thể đến gần, con nào không, vì trong đàn có con ngựa rất dữ.

Ngựa là giống nhanh nhẹn và thiện chiến, khi người lạ đến gần, chúng quay ngoắt và tung chân đá hậu rất mạnh. 

Níu chân du khách bằng mô hình nuôi ngựa

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tiến Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Vô Ngại rất tâm đắc với mô hình ngựa. Trước mắt các đàn ngựa phát triển rất tốt và rất thích hợp với khí hậu thổ nhưỡng của Bình Liêu, việc nhân đàn ngựa sẽ nhiều thuận lợi. 

Ông Chung cho biết, ông cũng đã đến Bà Rịa – Vũng Tàu để xem và nghiên cứu phát triển du lịch từ mô hình nuôi ngựa. Ở đó họ có xiếc ngựa, đua ngựa, dịch vụ cho du khách cưỡi ngụa và đi xe ngựa đã tạo cảm hứng cho nhiều du khách khi đến địa phương. 

Bình Liêu có nhiều đồng cỏ rộng và thảm cỏ đẹp thích hợp với mô hình nuôi ngựa, tương lai cũng có thể phát triển các dịch vụ du lịch từ nuôi ngựa.

Nuôi ngựa ở Bình Liêu - Ảnh 2.

Buổi chiều ngựa thường tự về chuồng, rất ít khi phải đi lùa về. Ảnh: Công Thành

Đó là chuyện của tương lai, còn hiện tại, hai anh em Chu Văn Trình và Chu Văn Mộc vẫn vui với đàn ngựa dù chúng chưa mang lại thu nhập. Với họ, "thu hoạch" lớn nhất là đàn ngựa đã từ 20 con tăng đàn lên thành 26 con, và sắp tới đàn ngựa sẽ tiếp tục nâng lên thành 34 con bởi đang có 8 con ngựa mang thai. 

Dù có nhiều hàng quán đặc sản thịt ngựa đã tìm đến anh Trình, anh Mộc hỏi mua nhưng họ không bán. Hiện nay, ngoài nuôi ngựa, hai anh em anh Trình còn nuôi đàn dê gần trăm con, các anh sẽ bán dê để lấy tiền duy trì đàn ngựa. 

Các anh muốn nhân đàn ngựa lên hàng trăm con, hằng ngày nhìn đàn ngựa tung bơm phi nước đại trên những đồng cỏ rộng lớn của Khe Và. Chắc chắn, khách du lịch sẽ rất thích và sẽ ngày càng thu hút thêm nhiều du khách đến với Bình Liêu.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem