Nuôi con đặc sản sợ mưa hơn sợ nắng, trai Đà Nẵng hễ vớt bán là có tiền tươi

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ năm, ngày 27/07/2023 12:50 PM (GMT+7)
Thành công từ mô hình nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi) không chỉ tạo nguồn thu nhập cho gia đình anh Nguyễn Hữu Bửu (35 tuổi, trú thôn Lệ Sơn 1, xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng), mà còn chứng minh cho mọi người thấy ý chí và quyết tâm làm giàu bằng chính khả năng, sức lao động trên chính mảnh đất quê hương mình.
Bình luận 0

Đam mê chăn nuôi từ nhỏ

Anh Bửu sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, kinh tế chính của gia đình phụ thuộc vào những mảnh đất làm lúa và hoa màu, nên bản thân anh luôn có một niềm đam mê nông nghiệp và ý chí vươn lên.

Công việc chăm sóc cây xanh cho một công ty ở Đà Nẵng giúp anh có thu nhập ổn định, nhưng anh luôn trăn trở làm thế nào để vươn lên, phát triển kinh tế gia đình.

Nuôi con đặc sản đen sì, sợ mưa hơn sợ nắng, chàng trai Đà Nẵng có thu nhập cao - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Hữu Bửu (xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang, TP.Đà Nẵng) khởi nghiệp nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi) từ năm 2018. Ảnh: T.N.

Năm 2018, tình cờ đọc được trên báo thấy mô hình nuôi ốc bươu đen đang phát triển ở nhiều vùng miền, nhưng địa phương chưa ai nuôi. 

Ốc bươu đen ngoài tự nhiên thì gần như tuyệt chủng, trong khi nhu cầu về loại thực phẩm này lại khá lớn, nên anh đánh liều tập tành nuôi thử.

Với số vốn vỏn vẹn chỉ 5 triệu đồng, anh đặt mua ốc bươu đen giống từ Phú Yên về nuôi thử trên diện tích 100m2.

Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên ốc chết khá nhiều, song điều đó đã đem lại cho anh Bửu nhiều bài học quý giá để tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình. 

Anh tích cực tham gia các hội nhóm nuôi ốc trên mạng để học hỏi, lắng nghe, trao đổi những cách nuôi ốc bươu đen đạt hiệu quả tốt nhất.

Nuôi con đặc sản đen sì, sợ mưa hơn sợ nắng, chàng trai Đà Nẵng có thu nhập cao - Ảnh 2.

Hiện nay, tổng diện tích ao nuôi ốc bươu đen của anh Bửu là hơn 1ha. Ảnh: T.N.

Anh Bửu chia sẻ: "So với các loài vật khác thì ốc bươu đen rất dễ nuôi, dễ chăm sóc, sức đề kháng tốt, ít bị bệnh. Người nuôi phải nắm được đặc tính ưa sạch sẽ của ốc bươu đen, chỉ sống trong môi trường nước sạch, không ô nhiễm, nếu không phòng tránh tốt sẽ rất dễ nhiễm bệnh. Phải thường xuyên vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường nước bằng vôi, men vi sinh, duy trì độ pH phù hợp".

Nguồn nước nuôi ốc được anh dẫn lấy từ kênh nước thuỷ lợi, khử khuẩn bằng dung dịch hữu cơ. Việc này sẽ làm hạn chế được các loài sinh vật trong môi trường nước mà ốc sinh sống.

Nuôi con đặc sản đen sì, sợ mưa hơn sợ nắng, chàng trai Đà Nẵng có thu nhập cao - Ảnh 3.

Ốc bươu đen (ốc nhồi) thương phẩm có giá 70.000-80.000 đồng/kg. Ảnh: T.N.

Ốc bươu đen có thể được nuôi trong ao đất, ao xi măng, ao lót bạt. Nhưng theo anh Bửu, nên nuôi ốc trong ao đất vì đây là môi trường sinh trưởng tự nhiên tốt nhất, có nhiều chất khoáng giúp ốc phát triển thuận lợi, rễ bèo tươi tốt sẽ lọc sạch nước.

Ốc nuôi trong ao đất có chu kỳ sinh trưởng từ 2,5-3 tháng, ốc nuôi trong ao lót bạt từ 3-3,5 tháng.

Anh Bửu cho biết, ốc bươu đen là loài ăn rất tạp, nhưng thức ăn lại rất dễ tìm kiếm trong môi trường tự nhiên. Ốc sẽ ăn bèo cám, bèo tấm khi còn nhỏ và khi ốc lớn hơn sẽ ăn thêm các loại rau xanh, lá sắn, lục bình, ổi, mướp….

Hơn nữa, lượng thức ăn mà ốc tiêu thụ chỉ bằng 12% khối lượng cơ thể, nên anh chỉ cho ốc ăn 1 lần/ngày, tránh lượng thức ăn dư thừa khiến cho nước bị ô nhiễm.

Nuôi con đặc sản đen sì, sợ mưa hơn sợ nắng, chàng trai Đà Nẵng có thu nhập cao - Ảnh 5.

Ốc bươu đen ăn tạp, ăn các loại rau, củ, quả, bèo… nên chi phí thức ăn thấp. Ảnh: T.N.

Xung quanh ao nuôi anh trồng thêm nhiều loại rau, quả để chủ động nguồn thức ăn cho ốc bươu đen. Đồng thời giúp cho ốc có nguồn thức ăn sạch, tránh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. 

Đặc biệt là không nên thay đổi thức ăn đột ngột, bởi như vậy dễ làm ảnh hưởng đến đường ruột của ốc, khiến ốc dễ mắc bệnh, phát triển rất chậm hoặc bị chết.

Thu lãi 10-15 triệu đồng/tháng từ mô hình nuôi ốc đặc sản

Chia sẻ khó khăn khi nuôi ốc, anh Bửu bộc bạch: "Nuôi ốc chỉ sợ nhất là khi trời có mưa bất thường, vì axit trong mưa sẽ khiến ốc rất dễ mắc các bệnh về đường ruột, sưng vòi. 

Nếu thiếu khoáng thì gây bệnh mòn đít, mòn vỏ khiến ốc chết dần. Vì vậy, tôi luôn theo dõi ốc thường xuyên để kịp thời xử lý nguồn nước, hạn chế được tình trạng bệnh lây lan".

Nuôi con đặc sản đen sì, sợ mưa hơn sợ nắng, chàng trai Đà Nẵng có thu nhập cao - Ảnh 6.

Anh Bửu thả bèo, lục bình, cây súng… để tạo thảm thực vật cho ốc bươu đen trú ẩn, làm mát. Ảnh: T.N.

Khi có mưa bất chợt thì anh rải vôi vào ao để ổn định lại độ pH, vào mùa mưa thì 1 tuần tạt vôi 1 lần để cung cấp thêm canxi cho ốc phát triển.

Anh chỉ thả nuôi 100 con ốc giống/m2, vì mật độ nuôi càng thưa thì ốc càng nhanh lớn. Thời gian nuôi ốc từ giai đoạn trứng đến thành ốc thương phẩm là khoảng 3 tháng. Nếu muốn giữ làm ốc bố mẹ thì anh nuôi kéo dài thêm 2-3 tháng nữa để đạt kích cỡ lớn (15 con/kg). Sau mỗi vụ nuôi anh sẽ cải tạo ao đất 1 lần để hút hết cặn bã.

Nuôi con đặc sản đen sì, sợ mưa hơn sợ nắng, chàng trai Đà Nẵng có thu nhập cao - Ảnh 7.

Với mô hình nuôi ốc bươu đen phát triển ổn định, anh Bửu thu lãi từ 10-15 triệu đồng/tháng. Ảnh: T.N.

Không chỉ nuôi ốc bươu đen thương phẩm, anh Bửu còn rất chú trọng việc tuyển chọn con giống để nhân giống. Nhờ vậy, sản lượng ốc giống năm sau luôn cao hơn năm trước mà chất lượng cũng tốt hơn.

Anh Bửu cho biết, ốc bươu đen sinh sản quanh năm, nhưng nếu để nó sinh sản tự nhiên thì tỷ lệ nở con đạt thấp. Vì vậy, mỗi sáng sớm anh đều đi gom trứng ốc dọc các bờ ao, bụi cỏ, thân bèo để cho vào ấp trong thùng xốp.

Anh thường xuyên kiểm tra và tưới nước làm ẩm, giữ cho thùng ấp luôn đạt độ ẩm thích hợp. Sau 10 ngày ấp, trung bình mỗi ổ trứng nở từ 150-200 ốc con. Anh tiếp tục nuôi thêm 2 tuần là có thể xuất bán ốc bươu đen giống với giá 300 đồng/con.

Nuôi con đặc sản đen sì, sợ mưa hơn sợ nắng, chàng trai Đà Nẵng có thu nhập cao - Ảnh 8.

Môi trường nước sạch là điều kiện quan trọng để ốc bươu đen sinh trưởng khoẻ mạnh. Ảnh: T.N.

Đặc điểm của ốc bươu đen là ưa mát, nên anh tạo cho ốc một thảm thực vật để ốc cư trú như thả cây lục bình, cây súng, bèo…. Vào mùa mưa lạnh cũng là mùa ốc ngủ đông, thì anh tăng số lượng cây để giữ ấm cho ốc. Đến mùa xuân năm sau, khi trời có nắng đều là ốc bắt đầu ngoi lên mặt nước đi tìm thức ăn.

Chia sẻ thêm về cách phân biệt ốc bươu đen với ốc bươu vàng, anh Bửu nói: "Điều khác biệt dễ nhận thấy nhất là ốc bươu đen có vỏ nhẵn và trơn bóng, miệng bằng phẳng, dày, trong khi đó ốc bươu vàng vỏ màu vàng, mỏng, có lỗ xoáy nhỏ và sâu ngay miệng".

Nuôi con đặc sản đen sì, sợ mưa hơn sợ nắng, chàng trai Đà Nẵng có thu nhập cao - Ảnh 9.

Anh Bửu liên kết với 7 hộ dân trong khu vực Đà Nẵng – Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) để cung cấp ốc giống và hỗ trợ kỹ thuật nuôi, bao tiêu đầu ra. Ảnh: T.N.

Những ao nuôi ốc của anh Bửu được cải tạo và tận dụng từ những ao nuôi cá không hiệu quả của người dân địa phương. Hiện nay, anh có tổng diện tích nuôi ốc bươu đen là hơn 1ha, ngoài ra anh còn liên kết với 7 hộ dân trong khu vực Đà Nẵng – Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) để cung cấp ốc giống và hỗ trợ kỹ thuật nuôi, bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân.

Với mô hình nuôi ốc bươu đen phát triển ổn định, trung bình mỗi ngày anh bỏ mối 40kg ốc cho các đại lý với giá 70.000-80.000 đồng/kg, thu lãi từ 10-15 triệu đồng/tháng.

Mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Bửu được nhiều thanh niên, người dân trong vùng tìm đến để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Dự định trong thời gian tới, anh sẽ mở rộng diện tích nuôi và cung cấp ốc giống để mọi người cùng nhau phát triển kinh tế từ lợi thế của địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem