Nuôi ốc nhồi trong ruộng lúa, ông nông dân Thái Nguyên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi

Kiều Hải - Quang Minh Thứ ba, ngày 02/05/2023 18:49 PM (GMT+7)
Sau quá trình đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi ở nhiều nơi, ông Nguyễn Văn Dào (xóm Văn Hữu, xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã bắt tay vào nuôi ốc nhồi và thành công. Trung bình mỗi năm ông có thu nhập hơn 200 triệu đồng nhờ mô hình này.
Bình luận 0

 Tự mày mò kinh nghiệm nuôi ốc nhồi

Phóng viên Báo Dân Việt đến thăm mô hình nuôi ốc nhồi của gia đình ông Nguyễn Văn Dào (xóm Văn Hữu, xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) khi ông đang lúi húi dưới ao vớt bèo cho ốc ăn. Trong bộ quần áo lao động còn lấm tấm bùn đất, ông Dào hồ hởi kể về cơ duyên đến với mô hình nuôi ốc nhồi của mình.

Clip: Ông Nguyễn Văn Dào, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ốc nhồi và cơ duyên ông đến với mô hình này. Clip: Kiều Hải - Quang Minh.

"Trước đây gia đình tôi chủ yếu sản xuất chè và làm ruộng nhưng thu nhập không cao mà lại vất vả. Nhà có 3 cô con gái, đến năm 2017, khi các cháu đã đi lấy chồng hết, nhận thấy cần phải thay đổi cách thức làm kinh tế để nâng cao thu nhập nên tôi quyết định đi một số nơi tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi" - ông Dào chia sẻ.

Nghĩ là làm, ông Dào đã đi khắp các tỉnh như Phú Thọ, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình... tham quan các mô hình nuôi chạch, ba ba, cá rô đầu vuông… Cuối cùng ông nhận thấy chỉ có nuôi ốc nhồi là không mất nhiều chi phí, thu lại lợi nhuận nhanh nên ông quyết định bắt tay vào mô hình này.

Nuôi ốc nhồi thu hơn 200 triệu đồng/năm, ông nông dân Thái Nguyên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi - Ảnh 2.

Sau quá trình đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở một số nơi, ông Dào đã bắt tay vào mô hình nuôi ốc nhồi và thành công. Ảnh: Quang Minh

Sau một tuần về tận Hải Dương tham quan và học tập kinh nghiệm, ông Dào đã bỏ ra 15 triệu đồng để mua 5kg trứng ốc nhồi về nuôi. Tuy nhiên do lần đầu chưa có kinh nghiệm nên trứng không nở. Thất bại nhưng không nản, năm 2018, ông tiếp tục lên Định Hoá chơi, thấy có mô hình nuôi ốc nhồi nên đã lân la hỏi thăm. Được sự hướng dẫn tỉ mỉ, ông tiếp tục mua giống về nuôi và lần này ông đã thành công.

"Năm đó tôi bán giống rất dễ, chỉ với 1 bể ốc giống hơn 80m2, họ trả tôi 95 triệu đồng nhưng tôi không bán, sau bán lẻ tôi được 120 triệu đồng"- ông Dào nhớ lại.

Thành công với mô hình nuôi ốc nhồi

Khi thấy hiệu quả, ông Dào tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trên cơ sở tận dụng những thửa ruộng cấy lúa một vụ trước đó của gia đình. Ngoài ra, ông còn thả bèo trên một đám ruộng khác để làm nguồn thức ăn cho ốc. Đến thời điểm này, gia đình ông đang nuôi ốc trên tổng diện tích khoảng hơn 2.000m2 mặt nước.

Theo ông Dào, về cơ bản nuôi ốc rất dễ, không quá phức tạp mà lại không tốn quá nhiều công chăm sóc, đồng thời tỷ lệ rủi ro ít. Điều quan trọng là phải sát sao với con ốc, nhất là nguồn nước cần phải sạch và thức ăn sẵn có.

Nuôi ốc nhồi thu hơn 200 triệu đồng/năm, ông nông dân Thái Nguyên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi - Ảnh 4.

Nguồn nước nuôi ốc nhồi phải đảm bảo sạch. Ảnh: Kiều Hải

Thức ăn của ốc rất dễ kiếm, chủ yếu là bèo tấm và các loại lá khoai, lá ráy hoặc hoa quả hỏng đều có thể tận dụng được. Do đó chi phí thức ăn gần như không mất. Một điều đặc biệt cần lưu ý, đó là chỉ nên cho ốc ăn rau củ quả vừa phải, ăn hết đến đâu cho tiếp đến đó. Nếu thừa thức ăn sẽ khiến nguồn nước ô nhiễm dẫn đến ốc bị bệnh, nhất là mắc bệnh sưng vòi và chết hàng loạt.

Do đó, khi nhận thấy nguồn nước có dấu hiệu bị ô nhiễm cần xử lý ngay. Trước tiên, nếu ốc có biểu hiện nằm nghiêng tức là đã bị bệnh, khi đó cần sục rửa ao nuôi và khử trùng bằng nước vôi trong hoặc men vi sinh. Nếu diện tích nuôi nhỏ hẹp, người nuôi có thể giã lá xoan bỏ xuống rồi thay thế nước mới là có thể cứu chữa được.

Nuôi ốc nhồi thu hơn 200 triệu đồng/năm, ông nông dân Thái Nguyên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi - Ảnh 5.

Thức ăn của ốc nhồi chủ yếu là bèo tấm. Ảnh: Quang Minh

Thông thường, thời điểm từ lúc thả ốc con xuống ao đến khi thu hoạch ốc thương phẩm kéo dài khoảng 4 – 5 tháng. Với kinh nghiệm của ông Dào, ông thường lựa chọn thả ốc vào thời điểm khoảng tháng 4 hằng năm, sau đó đến tháng 6 sẽ thả gối thêm một lớp nữa.

Với thời gian thả như vậy, thì chỉ đến tháng 7 là đã có thể thu hoạch ốc kéo dài đến hết tháng 10 âm lịch là kết thúc. Khi đó sẽ lựa chọn ốc giống riêng và ốc thương phẩm riêng để bán quanh năm.

Nuôi ốc nhồi thu hơn 200 triệu đồng/năm, ông nông dân Thái Nguyên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi - Ảnh 6.

Sau 4 -5 tháng thả giống là có thể thu hoạch ốc nhồi thương phẩm. Ảnh: Quang Minh

Mực nước phù hợp nhất để nuôi ốc là từ 70 – 80cm. Nếu mực nước sâu quá, ốc sẽ không thể bò lên bờ để ăn và đẻ trứng được. Bên cạnh đó, nếu mực nước quá sâu với ốc con mới thả sẽ bị chết đuối. Còn nếu nước nông quá vào mùa hè, thời tiết nắng nóng khiến ốc không thể phát triển.

Đối với trứng ốc sau khi nhặt về sẽ được ông Dào cho vào ấp trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm phù hợp. Sau khoảng 20 ngày, trứng nở thành ốc con, khi đó ốc con được đưa vào tráng chờ đến 20 hoặc 30 ngày sau và đem thả ra ao nuôi tùy theo mực nước.

Nuôi ốc nhồi thu hơn 200 triệu đồng/năm, ông nông dân Thái Nguyên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi - Ảnh 7.

Trứng ốc nhồi sau khi nhặt về được ấp trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm phù hợp khoảng 20 ngày. Ảnh: Kiều Hải

Hiện nay, ông Dào bán ốc nhồi thương phẩm với giá bán 80.000 – 90.000 đồng/kg, thời điểm giá cao có thể lên tới 120.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, ông Dào cũng bán ốc nhồi giống với giá từ 2 – 2,5 triệu đồng/kg, bán trứng ốc với giá 1,5 triệu đồng/kg tùy từng thời điểm.

Ốc thương phẩm của gia đình ông chủ yếu được bán cho các nhà hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, còn ốc giống được ông bán đi nhiều tỉnh thành như Hưng Yên, Nam Định, Lạng Sơn…

Dự kiến, trong năm nay, sản lượng ốc nhồi thương phẩm của gia đình ông Dào đạt khoảng 1,4 – 1,5 tấn. Với sản lượng đó, cộng với việc bán trứng và ốc giống, gia đình ông thu về lợi nhuận khoảng trên 200 triệu đồng/năm. So với việc làm ruộng, sản xuất chè và chăn nuôi các loại vật nuôi khác, nuôi ốc bỏ ra ít vốn mà thu nhập cao hơn hẳn.

Nuôi ốc nhồi thu hơn 200 triệu đồng/năm, ông nông dân Thái Nguyên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi - Ảnh 8.

Trung bình mỗi năm, gia đình ông Dào thu về trên 200 triệu đồng lợi nhuận từ nuôi ốc nhồi. Ảnh: Quang Minh

Ngoài bán giống, ông Dào còn hỗ trợ kỹ thuật nuôi ốc cho nhiều hộ gia đình khác. Thậm chí có những hộ ở tỉnh khác có nhu cầu nuôi ốc, ông cũng đến tận nơi để hướng dẫn về kỹ thuật đào ao, kỹ thuật chăm sóc đến khi thành công mới thôi.

Bên cạnh việc nuôi ốc, gia đình ông Dào còn trồng thêm khoảng 1ha rừng keo cũng mang lại nguồn thu nhập cho gia đình. Nhờ chăn nuôi, làm kinh tế giỏi, năm 2022, gia đình ông Dào đã được UBND huyện Đồng Hỷ tặng giấy khen và trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem