Cải cách hành chính - Bao giờ hết cảnh "cơm vua, ngày trời"?

Phan Văn Lâm Thứ sáu, ngày 05/04/2024 07:00 AM (GMT+7)
Bên lề một cuộc hội thảo, anh bạn đồng nghiệp chia sẻ với tôi, cơ quan anh có 15 biên chế làm việc, tuy nhiên số người làm đúng việc, có trách nhiệm và hiệu quả chưa tới 50% biên chế. Tôi cũng không ngạc nhiên vì đó là một thực tế đang khá phổ biến trong bộ máy nhà nước.
Bình luận 0

Mỗi quốc gia đều chọn đường đi riêng cho mình trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế đã chứng minh, một quốc gia phát triển sẽ có đội ngũ công chức hành chính nhà nước mạnh và chuyên nghiệp.

Khi đánh giá về vai trò của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Cán bộ là gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém… Vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp".

Kế thừa và phát huy tinh thần, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, tại Đại hội lần thứ XIII Đảng ta đã xác định: "Phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ "then chốt" của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân".

Cải cách hành chính - Bao giờ hết cảnh "cơm vua, ngày trời"?- Ảnh 1.

TP.HCM đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: P.V

Bên lề một cuộc hội thảo về cải cách hành chính, anh bạn đồng nghiệp chia sẻ với tôi, cơ quan anh có 15 biên chế làm việc, tuy nhiên số người làm đúng việc, có trách nhiệm và hiệu quả chưa tới 50% biên chế. Tôi cũng không ngạc nhiên vì đó là một thực tế đang khá phổ biến trong bộ máy nhà nước hiện nay từ cấp trung ương cho tới địa phương.

Với hơn 2 triệu cán bộ công chức, hàng năm ngân sách phải chi lượng tiền lớn để trả lương nhưng hiệu quả làm việc chưa cao, năng suất lao động thậm chí là thấp. Đây thực sự là gánh nặng cho ngân sách.

Báo cáo mới nhất của Bộ Nội vụ cho thấy, năm 2022, tổng biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước là 1.998.083 biên chế. Trong đó, biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước là 254.757 (các Bộ, ngành Trung ương là 106.890 biên chế, địa phương là 147.867 biên chế); biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (số Bộ Nội vụ đã thẩm định) là 1.743.326.

Để có thêm những góc nhìn khác, xin được dẫn một vài con số ở các quốc gia khác: Nước Mỹ có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân số gấp 3,5 lần, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Trung Quốc hiện có khoảng 7.167.000 công chức (dân số gấp 14 lần Việt Nam).

Theo công bố của Ngân hàng Thế giới, ở khu vực Đông Nam Á Việt Nam đứng đầu về tỷ lệ phần trăm cán bộ công chức trên dân số. Kiểm toán Nhà nước cũng đưa ra con số, đang có hơn 57.000 biên chế dư thừa trong các cơ quan nhà nước.

Những dữ liệu trên cho thấy số cán bộ, viên chức của ta chiếm tỷ lệ khá cao so với khu vực cũng như trên thế giới. Điều này cho thấy bộ máy của chúng ta cồng kềnh, nhiều tầng nấc và việc ứng dụng khoa học công nghệ vào lao động còn thấp.

Tuy nhiên, điều đáng quan ngại hơn nữa là chất lượng của công chức, viên chức hiện nay ở các cơ quan Nhà nước đang ở mức thấp về năng lực chuyên môn, thái độ, trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ.

Nhiều chuyên gia cho rằng có đến 30% cán bộ hàng ngày đến cơ quan chủ yếu để điểm danh có mặt chứ làm không đạt hoặc không đáp ứng yêu cầu công việc, biểu hiện kiểu "cơm vua ngày trời", làm cho có, làm lừng khừng không đến đầu đến đũa, không có kết quả, không đem lại hiệu quả.

Bên cạnh đó còn có một số cán bộ có trình độ cũng không chịu làm gì, tâm lý sợ sai, chờ cơ hội, xem xét ý tứ, tình hình thời thế… chứ không thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình khi thi hành công vụ dẫn đến công việc luôn trì trệ kéo dài. Điều này hiện nay thấy biểu hiện rõ nhất ở nhiều địa phương.

Trong khi làm việc, nhiều đại diện doanh nghiệp than thở với chúng tôi rằng công việc bây giờ làm gì cũng khó khăn, các "chi phí mềm" tăng cao và tiến độ công việc không bao giờ đúng thời hạn.

Mặt khác, như trên đã nói nhân sự có dư thừa nhiều tuy nhiên lại thiếu hụt trầm trọng nhân sự giỏi về chuyên môn, quản trị, tư cách đạo đức trong sáng mà hàng ngày cho thấy cán bộ thái hóa biến chất, tham nhũng, tiêu cực ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại là có cả cán bộ cấp chiến lược, Ủy viên Trung ương, thậm chí cả Ủy viên Bộ Chính trị vi phạm kỷ luật ở mức cao.

Hiện nay giới trẻ rất nhiều người giỏi nhưng không có hứng thú hay nhiệt huyết tham gia vào bộ máy Nhà nước. Điều này đang là rào cản của sự phát triển nói chung và mối lo ngại nguồn nhân sự chất lượng cao kế cận cho tương lai của đất nước.

Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng cá nhân tôi cho rằng mấu chốt vẫn nằm ở khâu tuyển dụng của chúng ta chưa thực sự công khai, minh bạch ở đâu đó vẫn có hiện tượng "con vua rồi lại làm vua". Hay một người làm quan cả họ được nhờ, hay lòng tham tiền tệ của những ông quan, ê kíp của những mối quan hệ, thậm chí cả những phi vụ ái tình…

Mặc dù không phải là đại đa số như vậy, nhưng những thói hư tật xấu đó vẫn diễn ra làm cho người tài giỏi mất cơ hội và nản, tâm lý bỏ mặc và xuất hiện cho những kẻ cơ hội, ngu dốt, đạo đức kém len lõi vào hàng ngũ cán bộ công chức nhà nước.

Nạn tham nhũng của quan chức đã tích lũy tiền bạc cho đời con, đời cháu làm hư hỏng cả một lớp trẻ siêng ăn, nhác làm và thích hưởng thụ, sống thụ động. Những cậu ấm, thái tử, công chúa ngày càng nhiều trong xã hội chỉ đi làm cho có việc mà chẳng quan tâm tới lương, khi có cơ hội thì làm bậy để kiếm chác làm cho bộ máy vận hành khó khăn bởi sự chi phối của thế hệ cha anh đi trước.

Xã hội ngày càng phát triển, công tác cán bộ phải luôn đổi mới để phù hợp hơn với tình hình của đất nước và dẫn dắt xã hội phát triển đi lên. Vấn đề đặt ra là công tác tuyển chọn, sử dụng, đào tạo và phát triển của chúng ta đã phù hợp, đã thu hút, khích lệ, công bằng, công khai, minh bạch để công dân tốt, giỏi có cơ hội vào phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân? Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta cũng cần thay đổi một số vấn đề trong công tác cán bộ hiện nay.

Cải cách hành chính - Bao giờ hết cảnh "cơm vua, ngày trời"?- Ảnh 2.

Các vấn đề thủ tục hành chính về thu hồi, bồi thường đất vẫn là vướng mắc cần tháo gỡ ở TP.HCM. Ảnh: Gia Linh

Theo tôi, việc đầu tiên là phân thứ hạng, là cách mà con người ta phân biệt cao thấp, tài giỏi, trước sau. Công tác tuyển dụng nhân sự nên sử dụng thi viết kết hợp thi vấn đáp để đảm bảo yếu tố nhận thức và kỹ năng viết, kỹ năng nói, kỹ năng xử lý tình huống và xem xét yếu tố ngoại hình, thái độ, tác phong và đạo đức, từ đó để quyết định ai trúng hay không và ai trước ai sau trong tuyển dụng.

Phải tổ chức thi tuyển nghiêm túc, công khai, minh bạch như chúng ta đã từng tổ chức thi tuyển sinh đại học trước đây. Không để nhân dân hoài nghi con quan mới được làm quan và muốn làm quan "phải chạy" mới được vào, được lên chức.

Hai là, việc phân công, luân chuyển công việc phải gắn với mô tả vị trí việc làm để phát huy trình độ chuyên môn và năng lực cán bộ, tránh tình trạng khi tuyển thì đúng nhưng khi phân công lại sai, tạo tâm lý bất an và không đúng chuyên môn đào tạo, hoặc khi tuyển dụng không cụ thể địa bàn công tác như miền núi, hải đảo xa xôi để ứng viên cân nhắc lựa chọn, nên khi được phân công thì bất ngờ bỏ việc.

Tiếp theo, công tác bổ nhiệm lãnh đạo cần được rà soát kỹ hơn và việc bổ nhiệm lãnh đạo cần dựa trên kết quả công việc, về thành tích đạt được và khả năng tập hợp đội ngũ, năng lực điều hành, nhận thức pháp luật… Có thể thi tuyển lãnh đạo đối với cấp bộ trưởng trở xuống. Đặc biệt không lấy quy hoạch, đảng viên, biên chế, phân biệt khu vực công- tư hay sống lâu lên lão làng làm rào cản trong bổ nhiệm hay tuyển dụng nhân tài cho đất nước.

Mặt khác cần gắn trách nhiệm của người giới thiệu và người quyết định bổ nhiệm trong công tác cán bộ để giảm thiểu sai sót, bổ nhiệm người không đúng với năng lực, không phù hợp với vị trí.

Công tác đánh giá cán bộ cần được coi trọng và thường xuyên hơn nữa. Lấy hiệu quả công việc làm thước đo cán bộ, từ hiệu quả công việc để cân nhắc bố trí công việc phù hợp, bổ nhiệm lãnh đạo hay có thể sử dụng tiếp hay không. Nên xóa bỏ chế độ biên chế cán bộ suốt đời tránh tình trạng người yếu kém năng lực cấu kết với nhau bằng lá phiếu, lấy lá phiếu để chi phối lãnh đạo.

Chính sách tiền lương và đãi ngộ luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu của sự tồn tại và phát triển cá nhân. Không ai bỏ ra một khoản đầu tư lớn cho học tập để đổi lấy thu nhập thấp, thiếu thốn trăm bề trong cuộc sống… Tất cả phải từ lương, thu nhập tăng thêm để đảm bảo cái cơ bản trong một gia đình nhỏ đủ để hạnh phúc.

Cuối cùng, việc siết chặt kỷ luật việc làm, tăng cường giám sát, tuyển chọn đúng người, đúng việc, công bằng, khách quan và minh bạch cũng là nền tảng cho việc xóa bỏ những cán bộ đi làm theo kiểu "cơm vua ngày trời", giảm tải sự cồng kềnh và kém hiệu quả trong bộ máy nhà nước hiện nay.

.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem