Ôm hơn 10.000 tỷ đồng nợ và lỗ, nhà máy 12.000 tỷ đồng kêu “cứu” lên Thủ tướng

Trần Giang Thứ năm, ngày 15/09/2016 08:51 AM (GMT+7)
UBND tỉnh Ninh Bình vừa có công văn gửi Thủ tướng về giải pháp gỡ khó khăn cho nhà máy 12.000 tỷ đồng đang “sống dở chết dở”, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình. Sau 3 năm đi vào hoạt động, nhưng Đạm Ninh Bình đã lỗ luỹ kế 2.692 tỷ đồng và nợ phải trả tính đến cuối năm 2016 là hơn 8.300 tỷ đồng.
Bình luận 0

Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Bình kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép công ty được dãn thời gian trả nợ tối thiểu là 5 năm cho Eximbank Trung Quốc đối với các khoản vay dài hạn đầu tư cho dự án để công ty ổn định lại sản xuất, giảm lỗ.

Đồng thời cho phép Đạm Ninh Bình được áp dụng chính sách trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá sau giai đoạn đầu tư đối với các khoản nợ vay có nguồn gốc ngoại tệ theo nghĩa vụ nợ phát sinh trong kỳ trong trường hợp tỷ giá có biến động.

Ninh Bình cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm Ure nhằm giúp hạn chế hàng nhập khẩu quá rẻ trong trong thời gian qua, và là nguyên nhân trực tiếp gây lỗ lớn cho Đạm Ninh Bình.

“Với biện pháp này sẽ có tác dụng lớn trong việc bảo toàn vốn nhà nước, bảo vệ được mặt hàng phân Ure trong nước và sản xuất đủ, có phần dư thừa so với nhu cầu sử dụng của ngành nông nghiệp Việt Nam”, báo cáo nêu.

Được ưu đãi chính sách, vẫn lỗ gần 2.700 tỷ đồng

Theo báo cáo của Đạm Ninh Bình, trong 2 năm gần đây công ty gặp nhiều khó khăn do giá dầu thế giới giảm kéo theo giá phân bón giảm mạnh, đặc biệt là giá ure. Giá bán ure Ninh Bình bình quân giảm từ 8,7 triệu đồng/tấn năm 2012 xuống còn hơn 6 triệu đồng/tấn trong 7 tháng đầu năm 2016.

Trong khi đó, thị trường ure trong nước và thế giới biến động phức tạp khó lường, sản xuất nông nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn (hạn hán, xâm nhập mặn) làm giảm nhu cầu phân bón trong nước. Theo quy định, phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT đầu ra, do đó, toàn bộ thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ và tính vào giá thành làm giảm sức cạnh tranh so với sản phẩm nhập khẩu.

img

Đạm Ninh Bình lỗ gần 2.700 tỷ đồng và nợ hơn 8.300 tỷ đồng sau 3 năm đi vào hoạt động 

Trong năm 2015, dù đã được Chính phủ và các Bộ, ngành có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ như cho giãn khấu hao, điều chỉnh một phần lãi suất vay vốn đầu tư, giảm giá than… nhưng công ty vẫn thua lỗ 906 tỷ đồng (năm 2013), 738 tỷ đồng (năm 2014), 592 tỷ đồng (năm 2015).

6 tháng đầu năm 2016, Đạm Ninh Bình tiếp tục lỗ khoảng 457 tỷ đồng. Luỹ kế từ khi đi vào vận hành năm 2012 đến nay, Đạm Ninh Bình đã lỗ lũy kế 2.693 tỷ đồng. Điều này khiến tình hình tài chính rất khó khăn, dòng tiền phục vụ sản xuất và trả nợ luôn trong tình trạng thiếu hụt, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng gặp khó khăn.

Trước đó, trong văn bản gửi lên UBND tỉnh Ninh Bình, Đạm Ninh Bình kiến nghị hàng loạt giải pháp như đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu, xem xét đưa phân bón ure vào đối tượng chịu thuế GTGT đầu ra với mức thuế suất 0%; điều chỉnh giá bán than giảm ít nhất 20% và cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình của Ngân hàng phát triển Việt Nam thành vốn góp Nhà nước tại Tập đoàn để giảm hệ số lãi vay…

Công ty cũng đề nghị Chính phủ xem xét cho giãn thời gian trả nợ tối thiểu 5 năm cho Eximbank Trung Quốc đối với các khoản vay dài hạn và cho phép áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm ure, trích dự phòng chênh lệch tỷ giá sau giai đoạn đầu tư với khoản nợ vay có gốc ngoại tệ.

Nợ hơn 8.300 tỷ đồng

Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình do Vinachem làm chủ đầu tư và hiện đang nắm 100% vốn sở hữu tại Đạm Ninh Bình.

Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám tại Ninh Bình có công suất 560.000 tấn ure/năm với vốn đầu tư trên 660 triệu USD, do Vinachem làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, suốt hơn 3 năm vừa qua kể từ khi đi vào hoạt động, nhà máy này liên tục thua lỗ, đến hết tháng 6/2016, Đạm Ninh Bình đã lỗ lũy kế lên tới 2.692 tỷ đồng và nhà máy mới hoạt động chưa được 100 ngày từ đầu năm tới nay.

Với tham vọng tự chủ nguồn phân bón trong nước, Vinachem được Ngân hàng Eximbank Trung Quốc cho vay 250 triệu USD, lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm. Tổng thầu của dự án là Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer (Trung Quốc).

Được vận hành chính thức vào năm 2012 và thua lỗ từ đó đến nay. Gánh nặng lãi vay rất lớn, số phải trả mỗi năm cao. Năm 2015, Vinachem đã phải cho Đạm Ninh Bình vay 366 tỷ đồng để trả nợ phía Trung Quốc, năm 2016 dự kiến số phải trả là 563 tỷ đồng lãi vay.

Theo báo cáo, tổng các khoản nợ tính đến cuối năm 2015 của Đạm Ninh Bình đã vượt 8.300 tỷ đồng. Trong năm 2015, Vinachem điều chỉnh tăng giá trị khoản đầu tư vào Đạm Ninh Bình khi thực hiện ghi giảm giá trị tài sản đạm bàn giao.

Tập đoàn đã giảm đáng kể chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy đạm than Ninh Bình, từ mức 283,1 tỷ đồng đầu năm xuống còn 10 tỷ đồng vào giai đoạn cuối năm.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính năm 2015 của Vinachem, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình hiện đang có hai khoản vay với thời hạn 12 tháng và 9 tháng với lãi suất thả nổi đều đáo hạn trong năm 2016 này tổng giá trị lên tới 1.563 tỷ đồng. Chủ nợ là BIDV, chi nhánh Tây Hồ và Vietcombank, chi nhánh Ninh Bình.

Ngoài ra, công ty này còn có 43,3 tỷ đồng khoản vay và khoản phải trả đến hạn khác cũng sẽ đáo hạn trong năm 2016 này.

Đến cuối năm 2015, Vinachem vẫn còn tới 703,4 tỷ đồng khoản phải thu Tổng công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu tiền mua than cám dùng cho chạy thử Nhà máy đạm Ninh Bình và 12 tỷ đồng phải thu với đối tác này tiền lãi vay cho chạy thử Nhà máy đạm Ninh Bình.

Theo báo cáo tài chính năm 2015, Vinachem báo lãi trước thuế 2.134 tỷ đồng và lãi ròng 1.467 tỷ đồng (lần lượt giảm 21% và giảm 25% so với kết quả đạt được năm 2014). Trong đó, lãi ròng của công ty mẹ cũng "bốc hơi" gần một nửa so với 2014, đạt 542,9 tỷ đồng.

Sáu tháng đầu năm 2016, Vinachem bất ngờ báo lỗ hợp nhất 203,5 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 998,3 tỷ đồng), trong đó lỗ thuộc về công ty mẹ là 476,8 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 535,3 tỷ đồng).

Tuy vậy, báo cáo về quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Vinachem năm 2015, cho thấy, mức tiền lương bình quân ở mức 19,38 triệu đồng/người/tháng. Theo đó, trong năm 2015, Vinachem phải trích 37,9 tỷ đồng cho quỹ tiền lương của tập đoàn.

Cộng với khoản tiền thưởng, phúc lợi phân phối trực tiếp cho người lao động ở mức 5,7 triệu đồng/người/tháng (cao hơn 24% so với kế hoạch), tổng thu nhập bình quân mỗi tháng mà người lao động tại Vinachem nhận được trong năm 2015 là 22,28 triệu đồng/người/tháng (cao hơn kế hoạch đặt ra 2,6%).

Mức lương bình quân của viên chức quản lý tại Vinachem nhận được năm qua là 48,46 triệu đồng/người/tháng.

Trong năm 2016, Vinachem dự kiến nâng mức thu nhập bình quân của người lao động trong tập đoàn lên 22,89 triệu đồng/người/tháng (tăng gần 3% so với 2015) và thu nhập của viên chức quản lý sẽ tăng mạnh lên 53,89 triệu đồng/người/tháng (tăng 11,2% so với 2015).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem