Bị nợ xấu liên quan đến Sacombank, cơ cấu cổ đông của Kienlongbank có sự thay đổi?

Nhật Minh Thứ tư, ngày 18/11/2020 06:00 AM (GMT+7)
“Ôm cục nợ” liên quan đến cổ phiếu Sacombank, Kienlongbank – ngân hàng gắn với tên tuổi của ông bầu Võ Quốc Thắng khiến cho giới đầu tư sửng sốt khi tỷ lệ nợ xấu tại nhà băng này đột ngột tăng vọt, cao hơn 6,5 lần so với hồi đầu năm.
Bình luận 0

Từ lợi nhuận từ mức mức 290 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (2018) giảm về 85 tỷ đồng (năm 2019), 9 tháng đầu năm nay, kết quả lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank – KLB) cũng không khả quan khi "bốc hơi" 39% so với cùng kỳ. 

Kienlongbank "ngập" nợ xấu vì "cục nợ" liên quan đến cổ phiếu STB 

Cụ thể, 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận thu về của Kienlongbank sụt giảm 39% so với cùng kỳ, đạt 144,6 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng vọt, nhà băng này phải trích lập dự đến 83,2 tỷ đồng dự phòng rủi ro, tăng 96% so với cùng kỳ, là nguyên nhân gây tác động tiêu cực tới bức tranh lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm nay.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 9/2020, nợ xấu tại ngày 30/9/2020 của Kienlongbank là hơn 2.240 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 9 tỷ đồng so với cuối tháng 6 và vẫn cao hơn 6,5 lần so với hồi đầu năm. Trong đó, có tới 2.133 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn, tăng 9 lần so với cuối năm 2019.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng cuối tháng 9 ở mức 6,63% trong khi hồi đầu năm chỉ ở mức 1,02%.

Đây là quý thứ 3 liên tiếp, nợ xấu của Kienlongbank giữ ở mức "đột biến" như vậy. Trước đó, ngay tại báo cáo tài chính quý I/2020, giới tài chính "sửng sốt" khi nợ xấu có khả năng mất vốn của nhà băng này tăng vọt từ 238,9 tỷ đồng cuối năm 2019 lên 2.126,9 tỷ đồng vào thời điểm ngày 31/3/2020, tương đương mức tăng tới 790%.

Việc nợ xấu nhóm 5 tăng mạnh khiến tổng nợ xấu của Kienlongbank tăng vọt từ con số 341,8 tỷ đồng cuối năm 2019 lên 2.240,1 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 3/2020 (tương đương mức tăng hơn 555%), kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng gấp 6 lần, ở mức 6,62%.

Hết quý II/2020, tỷ lệ nợ xấu có điều chỉnh nhẹ xuống còn 6,59%. Tuy nhiên, nếu xét theo giá trị tuyệt đối, số dư nợ xấu đã tăng lên 2.249 tỷ đồng, tức là gấp hơn 5 lần so với hồi đầu năm.

“Ngập” nợ xấu, cơ cấu cổ đông của Kienlongbank đang thay đổi? - Ảnh 1.

Tỷ lệ nợ xấu của Kienlongbank (%)

Theo lý giải của nhà băng này, trong số dư nợ có khả năng mất vốn ghi nhận tại ngày 30/9, đã bao gồm gần 1.883 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nợ có khả năng mất vốn theo Quyết định 2595 của Ngân hàng Nhà nước ngày 18/12/2019 và các công văn khác có liên quan của Ngân hàng Nhà nước.

"Ảnh hưởng này chỉ mang tính tạm thời, sau khi xử lý xong tài sản đảm bảo đối với khoản vay trên (dự kiến vào quý IV/2020), căn cứ nguồn tiền thu được, Kienlongbank sẽ ghi nhận hoàn nhập dự phòng góp phần tăng thu nhập trong năm 2020", lãnh đạo nhà băng này nhấn mạnh.

Được biết, tài sản đảm bảo này là hơn 176 triệu cổ phiếu STB. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Kienlongbank đã nhiều lần rao bán lô cổ phiếu này để xử lý nợ nhưng chưa thành công.

Cụ thể, từ 20/1 - 15/2/2020, KienLongbank đăng ký chào bán 176.373.887 cổ phiếu STB (chiếm 9,36% vốn điều lệ của Sacombank) với giá 24.000 đồng/cổ phiếu để thu hồi nợ. Tuy nhiên, thời điểm đó do giá cổ phiếu STB trên sàn chứng khoán chỉ dao dộng quanh mức 10.000 đồng/cổ phiếu nên không có nhà đầu tư nào mua tài sản với giá cao hơn gấp đôi trên thị trường.

Sau đó, từ 17/2 - 24/2, KienLongbank tiếp tục chào bán khối lượng cổ phiếu STB kể trên với giá 21.600 đồng/cổ phiếu song vẫn không bán được, thậm chí thời điểm tháng 4/2020 có lúc giá đóng cửa của STB chỉ là 9.100 đồng/cổ phiếu, khiến khối tài sản này của KienLongbank bị rớt giá 2.628 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Kienlongbank, Ngân hàng sẽ tiếp tục kế hoạch bán 176,4 triệu cổ phiếu STB và khả năng sẽ hoàn tất trong năm 2020. Tuy nhiên, Kienlongbank sẽ không chốt giá bán thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu, dù đang cần thu hồi nợ xấu.

Không chỉ KienLongbank mà ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu TP.HCM (Eximbank) cũng là "nạn nhân" của cổ phiếu STB dưới dạng tài sản đảm bảo cho một khoản vay, với số lượng là gần 75 triệu cổ phiếu.

Tại Eximbank, ngày 2/10/2019, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn chấp thuận cho Eximbank được xử lý tài sản đảm bảo là hơn 74,9 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ vay theo quy định. Do đó, HĐQT Eximbank cho biết, năm 2020, Ngân hàng sẽ tập trung xử lý khoản nợ này.

Cổ phiếu Kienlongbank giao dịch thỏa thuận lượng lớn  

Dù hoạt động kinh doanh của Kienlongbank "giật lùi" trong năm 2019 và 9 tháng đầu năm nay, song trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu KLB vẫn tăng trưởng 17,35% kể từ đầu năm đến nay. Ở thời điểm hiện tại, KLB đang giao dịch quanh mức 12.300 đồng/cp, tăng 2,5% so với chốt phiên trước.

Mới đây, cổ phiếu KLB của Kienlongbank được chú ý khi có tổng cộng gần 103 triệu cp đã được giao dịch thỏa thuận với giá trị tương đương hơn 1.400 tỷ đồng từ ngày 30/10 đến 10/11. Đây được xem là mức cao nhất kể từ khi nhà băng này giao dịch trên thị trường UPCoM.

Cụ thể, theo dữ liệu giao dịch Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong 10 phiên giao dịch từ 30/10 – 10/11 đã có tổng cộng gần 103,2 triệu cổ phiếu KLB được các nhà đầu tư trao tay. Khối lượng giao dịch chỉ trong gần 10 phiên này đã bằng hơn 32% tổng số cổ phần đang lưu hành trên thị trường của Kienlongbank. Đỉnh điểm là ngày 30/10 khi có xấp xỉ 26,2 triệu cổ phiếu KLB được trao tay giữa các nhà đầu tư theo hình thức giao dịch thỏa thuận. Đây hoàn toàn là giao dịch nội khối của các nhà đầu tư trong nước.

“Ngập” nợ xấu, cơ cấu cổ đông của Kienlongbank đang thay đổi? - Ảnh 2.

Giao dịch đột biến cổ phiếu KLB trước và sau lễ hết hôn của con trai bầu Thắng (Cafef)

Trong phiên giao dịch hôm nay 17/11, tiếp tục có hơn 9,7 triệu cổ phiếu KLB được trao tay, với giá trị 135 tỷ đồng.

“Ngập” nợ xấu, cơ cấu cổ đông của Kienlongbank đang thay đổi? - Ảnh 3.

Con trai 'bầu' Thắng kết hôn cùng con gái 'chúa đảo Tuần Châu'

Tính đến ngày 31/12/2019, Kienlongbank có gần 324 triệu cổ phần, trong đó 95,54% thuộc sở hữu của cổ đông cá nhân, 3,29% cổ đông tổ chức và 1,17% cổ phiếu quỹ. Mặt khác, tại ngày 30/06/2020, Ngân hàng công bố không có cổ đông lớn.

Theo Vietstock, ông Võ Quốc Lợi, con trai ông Võ Quốc Thắng ("bầu" Thắng) - nguyên Chủ tịch HĐQT Kienlongbank nắm giữ hơn 15,17 triệu cp KLB, tương đương 4,74% tại ngày 14/09/2018.

Đồng thời, ông Phạm Trần Duy Huyền – Phó Chủ tịch Kienlongbank hiện đang nắm giữ hơn 14 triệu cp KLB (4,428%), ông Huyền được cho là người có liên quan với ông Võ Thành Phan – anh trai của ông Võ Quốc Thắng.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thụy Quỳnh Hương, Thành viên HĐQT Kienlongbank cũng đang nắm giữ hơn 13,2 triệu cp KLB (4,13% vốn).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem