"Ông lớn" ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ tối đa lên 75.000 tỷ đồng

30/01/2023 16:05 GMT+7
Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ tối đa lên 75.000 tỷ đồng – cao nhất hệ thống, theo tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2018.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) vừa công bố tờ trình bổ sung về phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2018.

Theo đó, Vietcombank dự kiến phát hành tối đa hơn 2.768.522.194 cổ phiếu với tổng giá trị dự kiến phát hành theo mệnh giá tối đa trên 27.685 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2022, Vietcombank có hơn 4,73 tỷ cổ phiếu đang lưu hành và chưa tính số cổ phiếu phát hành sau khi hoàn thành phương án tăng vốn điều lệ 2022 (với tỷ lệ tăng vốn điều lệ 18,1%), tương đương vốn điều lệ 47.325 tỷ đồng.

Như vậy, nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Vetcombank sẽ tăng từ hơn 47.325 tỷ lên hơn 75.000 tỷ đồng.

"Ông lớn" ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ tối đa lên 75.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ tối đa lên 75.000 tỷ đồng – cao nhất hệ thống.

Thời gian thực hiện theo dự kiến trong năm 2023 và năm 2024, thời điểm cụ thể giao cho HĐQT quyết định sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Vietcombank cho biết, nhu cầu bổ sung vốn điều lệ (VĐL) là rất cần thiết trên cơ sở các đánh giá về quy mô VĐL của Vietcombank so với các ngân hàng trong nước và khu vực.

Hiện VĐL của Vietcombank là thấp nhất trong các ngân hàng thương mại (NHTM) do Nhà nước nắm cổ phần chi phối, thấp hơn một số NHTM cổ phần khác và còn một khoảng cách rất lớn so với các Ngân hàng hàng đầu trong khu vực.

"Nếu Vietcombank không được tăng VĐL thì khó có thể đảm bảo vai trò chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần và khả năng điều tiết thị trường trong nước; đồng thời cũng không đạt được mục tiêu "Phấn đấu đến cuối năm 2025: Có ít nhất từ 2 - 3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á" theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng của Việt Nam", tờ trình của Vietcombank nêu rõ.

Cũng theo Vietcombank, việc tìm kiếm nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính phù hợp với mục tiêu của Vietcombank và sẵn sàng đầu tư vào thời điểm này là khá thách thức trong bối cảnh hiện nay.

Do đó, việc thực hiện phát hành mới cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư của Vietcombank vẫn chưa hoàn thành và đang tiếp tục xúc tiến.

Bên cạnh đó, giải pháp phát hành Trái phiếu tăng vốn cũng gặp khó khăn do đối mặt với xu hướng thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng và gây áp lực gia tăng chi phí vốn của Vietcombank, làm giảm hiệu quả hoạt động của nhà băng này.

Hơn nữa, để Vietcombank có đủ năng lực tài chính và tiếp tục thực hiện tốt vai trò của NHTM Nhà nước nắm cổ phần chi phối trong việc thực hiện chính sách của Nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế, các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế Việt Nam cũng như sự ổn định ngành Ngân hàng, đặc biệt để có đủ nguồn lực tích cực tham gia phương án tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém, Vietcombank rất cần bổ sung tăng VĐL để trở thành NHTM Nhà nước có VĐL lớn nhất thị trường, giữ vững vai trò đầu tàu dẫn dắt ngành Ngân hàng của Việt Nam và vươn tầm khu vực.

Về kế hoạch sử dụng vốn điều lệ tăng thêm, theo Vietcombank sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của Vietcombank trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả và mang lại lợi ích cao nhất cho các cổ đông. Dự kiến sử dụng cho một số lĩnh vực gồm: Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ: xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư công nghệ và tài sản cố định;

Đầu tư cho quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng lực phát triển sản phẩm, dịch vụ, an ninh an toàn thông tin, đảm bảo chất lượng cung ứng dịch vụ;

Mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn và các hoạt động kinh doanh khác của Vietcombank.

H.Anh
Cùng chuyên mục