Ông Nguyễn Duy Hưng khuyến nghị đầu tư cổ phiếu nào?

Ngân Nguyễn Thứ năm, ngày 02/02/2017 08:52 AM (GMT+7)
Trả lời câu hỏi “Đầu tư cổ phiếu nào?" của nhiều nhà đầu tư, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn (SSI), cho rằng năm nay sẽ có nhiều cơ hội để đầu tư những cổ phiếu đang giao dịch dưới giá trị và ngồi chờ đến khi giá trị thực sự của nó được công nhận.
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn (SSI)

“Nhà đầu tư cần lưu ý, mọi doanh nghiệp đều có một số người đứng đầu chèo lái, phản ánh tính cách và triết lý kinh doanh của họ trong quá trình tồn tại và phát triển. Nếu bạn muốn đầu tư tiền của mình vào công ty nào thì bạn phải hiểu nền tảng của người đã lập lên và những người đã điều hành công ty trong quá khứ, cũng như phải hiểu rõ tham vọng của họ đang vạch ra tương lai cho nó”, ông Hưng nhắc nhở.

Theo ông Hưng, có nhiều nhà đầu tư hỏi ông về việc đầu tư cổ phiếu nào trong năm 2017 sẽ có lời. “Nhưng nêu tên một cổ phiếu cụ thể lại là điều tối kỵ, nêu tên một cổ phiếu tức là họ đã gián tiếp tác động vào giá của cổ phiếu ấy, giúp một số đối tượng sử dụng nhận định này để trục lợi thông qua việc tạo sóng trong khi phần lớn nhà đầu tư tham gia sóng sẽ thua thiệt”, ông Hưng cho biết.

Benjamin Graham, nhà kinh tế huyền thoại, người đi đầu trong trường phái đầu tư giá trị và có ảnh hưởng lớn tới Warren Buffett đã nói "Thật là lố bịch khi cho rằng công chúng có thể kiếm được tiền nhờ các dự báo thị trường".

“Là người đứng đầu của công ty chứng khoán số 1, của một tổ chức đầu tư lớn, của một công ty quản lý quỹ hàng đầu, tôi chỉ có thể chia sẻ nhìn nhận đánh giá của cá nhân về các cơ hội đầu tư trong năm 2017 của chúng tôi”, ông Hưng chia sẻ.

Theo ông Hưng, năm nay sẽ là một năm khó khăn cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán, nếu chúng ta chỉ nhìn vào chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế hay kỳ vọng tăng của VN Index để đánh giá. Nhưng đây sẽ là một năm có nhiều cơ hội cho những người theo trường phái đầu tư giá trị.

Thứ nhất, cơ hội đầu tư vào những công ty đầu ngành trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, có lịch sử người đứng đầu và bộ máy chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, mức tăng trưởng đều đặn trong các năm.

“Thời điểm giải ngân sẽ là những thời điểm mà P/E của các cổ phiếu này thấp hơn P/E (Hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu) trung bình của năm trước (Loại bỏ những thu nhập phát sinh do cơ chế ngắn hạn để có P/E chính xác của năm 2016). Lưu ý chỉ quan tâm đến những doanh nghiệp có P/E dưới 12 phù hợp với lãi suất ngân hàng hiện tại”, ông Hưng phân tích thêm.

Thứ hai, cổ phiếu của các doanh nghiệp Nhà nước, những doanh nghiệp có tài sản đang được định giá thấp, có mạng lưới phân phối mạnh, thương hiệu nhiều người biết đến... Nhà nước sẽ thoái vốn xuống dưới 50%, kể cả trong một số trường hợp nhà nước có thể giữ hơn 50%, những doanh nghiệp này hiện tại có tỷ lệ sinh lời thấp hơn nhiều so với tiềm năng. Nhưng khi cổ phần hoá, thay đổi cơ cấu bộ máy lãnh đạo hoặc chỉ cần thay đổi quy chế hoạt động chuyên nghiệp thì hiệu quả doanh nghiệp sẽ tăng trưởng vượt bậc. Đây là cơ hội cho nhà đầu tư khi Nhà nước đang chủ trương thoái vốn quy mô lớn trong năm 2017.

Thứ ba, những cổ phiếu của doanh nghiệp đang là đối tượng M&A của các doanh nghiệp khác nâng sở hữu lên 51% hay 65% nhằm thực hiện chiến lược hợp nhất. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư đang nắm giữ bán được cổ phiếu với giá cao. Năm 2017 hứa hẹn sẽ có nhiều phi vụ M&A được thực hiện.

Trước đó, trong Báo cáo chiến lược nhận định cơ hội đầu tư 2017 của CTCK Sài Gòn (SSI) cũng dự báo các công ty có tiềm năng lớn chuẩn bị lên sàn.

SSI dự báo danh sách 30 công ty vốn hóa lớn nhất thị trường sẽ thay đổi ít nhất 15 cái tên trong năm 2017. Tiêu dùng, công nghiệp và năng lượng sẽ là những ngành tăng trưởng vốn hóa thị trường mạnh nhất, qua đó đưa chỉ số VN30 thành chỉ số đại diện cho toàn thị trường.

Với một loạt cái tên lớn chuẩn bị lên sàn trong năm 2017, SSI cho rằng đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào các công ty dẫn đầu ngành. Tuy nhiên, trong giai đoạn ban đầu, vốn hóa thị trường sẽ tăng nhanh hơn khả năng đầu tư, khiến một số cổ phiếu vốn hóa lớn nhưng thanh khoản thấp trở nên kém hấp dẫn.

“Khi tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi tăng, định giá cổ phiếu sẽ bình thường trở lại giống như trường hợp của VNM. Nhờ việc nới room ngoại và thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước, tỷ lệ này sẽ tăng trong dài hạn” SSI nhận định.

SSI đưa ra danh sách những công ty có tiềm năng lớn chuẩn bị lên sàn:

Ví như IPO là HUD, Vicem, Sông Đà, Idico, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, Bến Thành Group, Satra, PV Power, Mobifone, Vinafood 1+2, VRG, Vinacafe, Vinataba, GENCO 1.

Niêm yết mới là VietJet Air, Petrolimex, VEAM, Viettel Global.

Thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước là VNM, Sabeco, Habeco, Vietnam Airlines, Vinatex, ACV, Petrolimex.

Trong giai đoạn IPO từ nay tới năm 2020 cũng cho những công ty tiềm năng như: Vinapaper, VTV, VTVCab, Thalexim, Becamex, Handico, UDIC, Hanoi and Saigon Tourist, Hapro, Hapulico, SGCC, Resco, SJC, DQS, GENCO 1 + 2 và nhiều công ty tiện ích khác như Hawacom, Sawaco.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem