Chính quyền Putin "tô hồng" số ca tử vong do Covid-19 nhưng hệ lụy kinh tế là khó giấu?
Cụ thể, thống kê của Rosstat chỉ ra rằng trong vòng 11 tháng đầu năm 2020, Nga ghi nhận số ca tử vong tăng 229.700 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính, hơn 81% trong số đó có liên quan đến dịch Covid-19, theo Phó thủ tướng Tatiana Golikova. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 186.000 người Nga có thể đã tử vong vì Covid-19, gấp hơn 3 lần con số 55.000 trường hợp được thống kê chính thức.
Trong nhiều tháng qua, giới chức Nga liên tục khẳng định nước này đã kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 với tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều các quốc gia khác; chỉ hơn 55.000 ca tử vong trên tổng số hơn 3 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Hồi đầu tháng 12, Tổng thống Nga Putin thậm chí tuyên bố Nga đang xử lý đại dịch tốt hơn các nước phương Tây.
Nhưng số liệu tử vong của Rosstat đang chỉ ra một sự thật ngược lại, rằng điện Kremlin có thể đã cố gắng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng dịch bệnh tại quốc gia này. Nếu con số 186.000 người tử vong do Covid-19 là chính xác, Nga sẽ trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong cao thứ ba thế giới chỉ sau Mỹ và Brazil trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh này.
Hơn 186.000 người Nga đã chết vì nhiễm virus corona, gấp ba lần con số được báo cáo trước đó. Với thống kê này, số người chết do Covid-19 ở Nga chỉ đứng sau Mỹ (333.140 ca tử vong) và Brazil (91.139 ca tử vong).
Đáng chú ý, ngay từ thời điểm đầu đại dịch bùng phát trên toàn cầu, hồi tháng 5, giới chức phương Tây đã bày tỏ mối nghi hoặc rằng chính quyền ông Putin đang không minh bạch trong thống kê và công bố các ca nhiễm Covid-19. Thực tế, chính Moscow cũng thừa nhận các ca nhiễm Covid-19 thực tế tại Nga có thể cao hơn đáng kể so với báo cáo chính thức do tỷ lệ xét nghiệm còn hạn chế và một số người dân thậm chí tự chữa bệnh tại nhà.
Ngân hàng Thế giới WB mới đây dự báo nền kinh tế Nga có thể chứng kiến mức tăng trưởng -5% trong năm 2020, giảm mạnh so với mức -4% trong dự báo hồi tháng 9. Nguyên nhân là do sự bùng phát trở lại của làn sóng dịch bệnh tiếp theo có nguy cơ đe dọa những dấu hiệu phục hồi kinh tế của quý III.
WB cho rằng tổng trị giá các gói cứu trợ kinh tế được điện Kremlin tung ra có thể lên tới 4% GDP quốc gia, trong đó 3% là các biện pháp kích thích tài khóa thông qua tăng chi tiêu chính phủ. Ước tính trong 3 quý đầu năm, dòng vốn FDI vào Nga đã giảm tới 80% do tình hình đại dịch làm trì trệ hoạt động kinh tế, giá dầu thấp và rủi ro địa chính trị gia tăng. Lợi nhuận doanh nghiệp giảm và đồng rúp yếu đi cũng dẫn tới khối lượng thu nhập tái đầu tư giảm. Thêm vào đó, các biện pháp hạn chế trên toàn cầu cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư trước đó. Mức độ hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thị trường vẫn thấp dù hoạt động thương mại bán lẻ có dấu hiệu được cải thiện trong tháng 10.
Cơ quan này cũng dự báo Nga có thể đạt tăng trưởng 2,6% trong năm 2021 và 3% trong năm 2022 trong kịch bản khả quan nhất, nếu nước này sớm kiểm soát thành công cuộc khủng hoảng đại dịch nhờ vào hiệu quả vaccine Covid-19.