Ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa sai phạm từ kẽ hở nào của pháp luật?

PVCT Thứ năm, ngày 16/07/2020 10:36 AM (GMT+7)
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, qua vụ án cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và đồng phạm cho thấy, mô hình tổ chức và cơ chế thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước của Bộ Công Thương nói riêng và các bộ, ngành nói chung còn nhiều bất cập, hạn chế về cơ chế điều hành, quản lý.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Cơ quan điều tra không chỉ chứng minh hành vi phạm của các các bị can như Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa, Phan Chí Dũng… mà còn chỉ ra nguyên nhân, điều kiện dẫn tới hành vi phạm tội của các bị can.

Theo quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa sai phạm từ kẽ hở nào của pháp luật? - Ảnh 1.

Bị can Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa và Phan Chí Dũng (ảnh Bộ Công an).

Qua điều tra vụ án cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và đồng phạm cho thấy, mô hình tổ chức và cơ chế thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước của Bộ Công Thương nói riêng và các bộ, ngành nói chung còn nhiều bất cập, hạn chế về cơ chế điều hành, quản lý, mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước (bộ chủ quản) vào Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp dẫn tới vướng mắc và lúng túng trong phối hợp giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu với đầu mối là các vụ, cục chức năng (với chức năng chính là quản lý hành chính nhà nước) không đảm bảo về nhân sự có chuyên môn trong nhiều lĩnh vực quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, từ đó dẫn tới làm cho cơ quan không còn đủ nguồn lực để làm nhiệm vụ chính của mình là quản lý nhà nước, đồng thời khó có thể theo dõi, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm của doanh nghiệp thông qua các biện pháp hành chính. 

Mối quan hệ chỉ đạo, báo cáo, đề xuất giữa lãnh đạo Bộ Công Thương với Bộ phận quản lý vốn nhà nước còn mang nặng cơ chế hành chính xin–cho, không bám sát thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh và bị chi phối bởi quyền lực của lãnh đạo bộ.

Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Tổng công ty Sabeco mặc dù trực tiếp điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty thông qua các chức danh quản trị, điều hành nhưng lại chịu sự chỉ đạo, chi phối và quyết định gần như tuyệt đối của Bộ Công Thương. Trong khi đó lãnh đạo Bộ Công Thương và các đơn vị chuyên môn không trực tiếp bám sát được diễn biến, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Sabeco.

Ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa sai phạm từ kẽ hở nào của pháp luật? - Ảnh 3.

Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM) trong vụ án ông Vũ Huy Hoàng (ảnh Zing.vn).

Sự bất hợp lý này dẫn đến không theo kịp với yêu cầu của thực tiễn quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, tạo kẽ hở cho một số cá nhân lợi dụng khai thác, chuyển dịch tài sản nhà nước sang tài sản tư nhân, gây thất thoát đặc biệt lớn đến tài sản nhà nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư…

Trong vụ án ông Vũ Huy Hoàng, Cơ quan điều tra nhận thấy có sự buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, công sản. Bên cạnh đó các quy định của pháp luật còn nhiều kẽ hở để các cá nhân lợi dụng "lách luật" thực hiện hành vi có thủ đoạn tinh vi, liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân, cố tình áp dụng không đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà, đất công sản để từng bước dịch chuyển quyền sở hữu tài sản công thành tài sản của doanh nghiệp tư nhân.

Điều đáng nói là việc thất thoát, lãng phí về đất đai, tài sản nhà nước không chỉ trong vụ án này mà còn xảy ra tại một số nhà, đất công sản khác trên địa bàn TP.HCM như 15 Thi Sách, 8-12 Lê Duẩn, 129 Pasteur (liên quan vụ án Phan Văn Anh Vũ, khu đất 8-12 Lê Duẩn giao cho Công ty Lavenue)

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 19/9/2017 quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về việc kiến nghị rà soát, chấn chỉnh các quy định của pháp luật về sắp xếp, xử lý tài sản công. Sau đó Văn phòng Chính phủ có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu thực hiện nội dung kiến nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem