PG Bank muốn dừng sáp nhập vào HDBank, vì sao?
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank – Mã: PGB) vừa công bố quyết định của Hội đồng quản trị về chương trình họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 và tài liệu phục vụ cuộc họp. Cuộc họp được tổ chức vào ngày 30/3/2021 theo hình thức trực tuyến.
Theo tài liệu gửi cổ đông, năm 2021, PG Bank dự kiến tổng tài sản đến 31/12/2021 đạt 37.349 tỷ đồng tăng 3,3% tương ứng tăng 1.196 tỷ đồng so với cuối năm 2020.
Tổng huy động vốn (thị trường 1 + thị trường 2) đạt 32.518 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020, trong đó huy động thị trường 1 dự kiến tăng 5,8%, đạt 30.411 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay khách hàng kế hoạch đến 31/12/2021 đạt 27.640 tỷ đồng, tăng trưởng 7,7% so với năm 2020.
Với hoạt động xử lý và thu hồi nợ, PG Bank dự kiến thu hồi tổng cộng 723,8 tỷ đồng; trong đó, nợ xấu nội bảng là 308 tỷ đồng, nợ bán cho VAMC là 367 tỷ đồng (kể cả thu từ những khoản vay đã tất toán trái phiếu), thu nợ (gốc+lãi) đã sử dụng dự phòng rủi ro là 48,6 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế năm 2021 mục tiêu đạt 310 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2020.
Ngân hàng cũng cho biết sẽ tuyển dụng khoảng 36 nhân sự trong năm nay, tăng cường công tác đào tạo cho cán bộ nhân viên.
PG Bank muốn dừng sáp nhập vào HDBank
Bên cạnh kế hoạch kinh doanh, một trong những nội dung quan trọng dự kiến được thông qua trong cuộc họp sắp tới của PG Bank là lộ trình sáp nhập vào HDBank.
Cụ thể, báo cáo của Ban Quản trị PG Bank cho biết, tháng 4/2018, ĐHĐCĐ đã thông qua nội dung sáp nhập PG Bank vào Ngân hàng TMCP Phát triển Hồ Chí Minh (HD Bank). Mặc dù, hai ngân hàng đã khẩn trương, tích cực triển khai giao dịch sáp nhập cũng như đàm phán các nội dung liên quan. Hồ sơ xin chấp thuận nguyên tắc đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc vào tháng 10/2018.
Tuy nhiên, cho đến nay giao dịch sáp nhập giữa hai ngân hàng vẫn chưa được chính thức chấp thuận. Thời gian sáp nhập kéo dài gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của PG Bank. Do vậy, HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên 2021 xem xét thông qua việc dừng giao dịch sáp nhập PG Bank vào HDBank.
Không chỉ mùa ĐHĐCĐ năm nay, câu chuyện sáp nhập luôn là một câu hỏi lớn trong hơn 5 năm qua với cổ đông của nhà băng này.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, ngân hàng VietinBank đã thông qua phương án sáp nhập PGBank qua phương thức hoán đối cổ phiếu theo tỷ lệ 1:0,9, tức 1 cổ phiếu PGBank đổi 0,9 cổ phiếu CTG.
Về lộ trình, lãnh đạo VietinBank khi đó cho biết, ngân hàng đã hoàn thành hợp đồng sáp nhập trong 3 tháng đầu năm 2015, dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra chấp thuận về mặt cơ bản vào tháng 6/2015. VietinBank sẽ phát hành cổ phiếu mới và cần thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để được niêm yết trên sàn HSX trong quý 3/2015.
Tuy nhiên, đến năm 2017, việc sáp nhập giữa hai ngân hàng vẫn chưa thể hoàn tất. Đầu tháng 4/2018, VietinBank bất ngờ thông báo hai bên đã có thỏa thuận tạm dừng giao dịch sáp nhập. Lý do cụ thể không được tiết lộ.
Ngay sau đó, tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, HDBank bất ngờ bổ sung tờ trình phương án sáp nhập PG Bank vào chương trình đại hội. Theo đề án, tỷ lệ hoán đổi sẽ là 1:0,621 (1 cổ phiếu PGBank hoán đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDBank).
Sau sáp nhập, toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của PG Bank sẽ được chuyển đổi sang HDBank, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của PG Bank.
Và theo như kế hoạch đề ra, việc bàn giao, sáp nhập sẽ được hoàn tất trong tháng 8/2018. Thế nhưng, đến nay sau hơn 2 năm, "game" sáp nhập tại PG Bank lại một lần nữa "delay".
MSB sẽ là lối rẽ mới trong "game" sáp nhập của PG Bank
Trong khi kế hoạch sáp nhập "giậm chân tại chỗ" thì nhân sự cấp cao của PG Bank có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây. Cụ thể, Hội đồng quản trị Ngân hàng đã bổ nhiệm ông Nguyễn Phi Hùng làm Quyền Tổng giám đốc PGBank từ ngày 2/11/2020 và từ 10/12/2020 chính thức được đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc.
Trước khi gia nhập PG Bank, ông Hùng có trên 20 năm kinh nghiệm với ngành tài chính - ngân hàng và từng đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Vận hành tại Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB).
Cũng trong năm 2020, ông Hoàng Xuân Hiệp, người có chuyên môn quản lý và khai thác tài sản tài sản tại MSB sang PG Bank phụ trách mảng xử lý và thu hồi nợ tại PG Bank.
Việc các cựu lãnh đạo MSB được bổ nhiệm tại PG Bank khiến cho thị trường rộ lên tin đồn MSB thâu tóm PG Bank. Trong quá khứ, MSB từng là cổ đông lớn sở hữu 9,98% vốn tại PG Bank. Tuy nhiên, tới đầu năm 2019, MSB tuyên bố đã bán số cổ phiếu này với giá 13.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, bên mua là ai vẫn là câu hỏi ngỏ.
Có hay chăng MSB sẽ lối rẽ mới trong "game" sáp nhập của PG Bank?