PGS.TS Dương Tuấn Anh: "Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc say mê văn học Việt Nam" (Bài 5)

Ma Kin Chủ nhật, ngày 30/10/2022 12:10 PM (GMT+7)
"Không ít nhà nghiên cứu tại Trung Quốc rất yêu văn học Việt Nam, bởi với họ tiếng Việt rất hay và đẹp, khi cất lên có nhạc tính" – PGS.TS Dương Tuấn Anh - Phó Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định.
Bình luận 0

LTS: Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) từ ngày 30/10 đến ngày 2/11/2022.

"Đưa quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc lên một tầm cao mới, ổn định, lành mạnh, bền vững, đáp ứng lợi ích căn bản, lâu dài của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới" - nội dung trong điện mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình ngay sau thành công của Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề cập đến nội hàm cũng như mục tiêu của mối quan hệ Việt - Trung.

Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Dân Việt xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài đi sâu vào phân tích, đánh giá lịch sử hợp tác nhiều mặt của 2 Đảng và 2 Nhà nước; nhận định của các chuyên gia về tầm nhìn và hợp tác chiến lược của 2 Đảng, 2 nước trong mục tiêu nói trên.

PGS.TS Dương Tuấn Anh: "Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc say mê văn học Việt Nam" - Ảnh 1.

PGS.TS Dương Tuấn Anh hiện là giảng viên bộ môn Hán - Nôm tại khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội . (Ảnh: NVCC)

Với quá trình tiếp xúc, giao lưu hơn hai ngàn năm qua, hai đất nước Trung Quốc và Việt Nam có sự gắn bó tương tác sâu sắc về kinh tế, văn hoá và lịch sử. Điều này hiện rõ nét trong lĩnh vực văn học - kéo dài từ suốt thời kỳ cổ đại, trung đại cho tới hiện đại.

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Dương Tuấn Anh – Phó Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội về chủ đề này.

Văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam có sự ảnh hưởng hai chiều

Là đất nước có chung đường biên giới, với quá trình tiếp xúc, trao đổi kéo dài tới hơn 2000 năm, có thể nói, nền văn học Trung Quốc đối với người Việt Nam không hề xa lạ. Với vai trò của một người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy về văn học Trung Hoa lâu năm, ông có thể chỉ ra rõ hơn sự ảnh hưởng của văn học Trung Quốc đối với văn học Việt Nam (và ngược lại) trong một chặng đường dài lịch sử?

PGS.TS Dương Tuấn Anh: Trước hết, chúng ta không thể phủ nhận một thực tế rằng: Giữa hai đất nước rất gần nhau, sự ảnh hưởng qua lại về văn hoá, văn học là điều bình thường. Nó sẽ diễn ra ở cả hai chiều, đương nhiên với nền văn hoá lớn hơn về số lượng và thành tựu, sự ảnh hưởng này sẽ nhiều hơn một chút, nhưng không có nghĩa là không có chiều ngược lại.

Quá trình tiếp xúc của nền văn học Trung Quốc và nền văn học Việt Nam, cơ bản có thể chia thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất là tại thời kỳ Bắc thuộc, nhiều người Trung Quốc đã sang Việt Nam và mang theo kho tàng văn học, nghệ thuật của họ. Không ít thi nhân nổi tiếng đời Đường, Tống đã sinh sống, sáng tác rồi qua đời tại Việt Nam, chia sẻ với người Việt những tác phẩm văn chương, văn hoá cũng như phong cách sống của họ.

Từ thế kỷ X, khi chúng ta khẳng định được quyền tự chủ, sự ảnh hưởng của văn học Trung Quốc tới Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ, thể hiện ở 3 phương diện.

Về ngôn ngữ, dễ thấy các tác phẩm sử dụng văn tự Hán vô cùng nhiều. Mãi tới thế kỷ XIII, chữ Nôm mới bắt đầu được sử dụng để sáng tác, nhưng số lượng vô cùng khiêm tốn so với chữ Hán. Đa phần các tác phẩm của thời kỳ Trung đại do các tác giả Việt Nam chấp bút sử dụng Hán tự.

Ảnh hưởng thứ hai là về thể loại. Rất nhiều thể loại của văn học Việt Nam được du nhập từ nước ngoài, trong đó có văn học Trung Quốc. Có thể kể tới các thể loại thơ, tiểu thuyết, ký, truyện truyền kỳ… Một ví dụ tiêu biểu là "Truyền kỳ mạn lục" - tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Dữ ở thế kỷ XVI, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ "Tiễn đăng tập" của Cù Hựu, một học giả đời Minh. Điều này cũng đã được ghi ghép lại trong nhiều nghiên cứu.

Thứ 3 là sự ảnh hưởng về đội ngũ sáng tác, tiêu biểu là hàng ngũ trí thức chịu ảnh hưởng của Tam giáo, đặc biệt trong đó là Nho giáo. Đến bây giờ, dù không còn sử dụng Nho giáo như một tư tưởng trị quốc, nhưng tư tưởng của Nho giáo vẫn thấm vào đời sống nhân dân ta ở phương diện luân lý đạo đức. Người Việt hiện đại, kể cả những người cởi mở, văn minh, họ vẫn tôn trọng những giá trị văn hoá truyền thống mà hệ thống đạo đức này để lại.

Có thể thấy, bên cạnh những sáng tạo nội sinh của riêng người Việt như thơ lục bát, song thất lục bát…, người Việt đã tiếp thu, sáng tạo, cải biên từ văn học Trung Hoa, qua đó làm giàu thêm, phong phú thêm cho kho tàng văn hoá dân tộc.

Vậy còn ở thời kỳ hiện đại và đương đại, văn học Trung Quốc được người Việt đón nhận ra sao, thưa ông?

- PGS.TS Dương Tuấn Anh: Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cũng như quá trình giao tiếp mở rộng trên toàn cầu, chúng ta vẫn đang từng ngày học hỏi, giao lưu với nhiều nền văn học trên thế giới, đương nhiên trong đó có Trung Quốc.

Ở bộ phận văn học đại chúng, có thể kể tới truyện kiếm hiệp, tiên hiệp, ngôn tình…, đáp ứng nhu cầu giản dị của người dân về giải trí, thẩm mỹ. Cũng không kể tới những bộ phận văn học mang tính chất bác học, được các dịch giả Đào Lưu, dịch giả Minh Thương (dịch giả nhiều tác phẩm nổi tiếng của Diêm Liên Khoa)… giới thiệu. Chúng đi qua con đường internet, dịch thuật, được đông đảo độc giả Việt đón nhận.

Văn học Trung Quốc còn tới với người Việt qua phim ảnh, các tác phẩm trong chương trình giáo dục… Chúng được đưa vào văn học phổ thông, văn học đại học như một phần quan trọng của văn học thế giới. Cũng bởi vậy, những tác phẩm này trở nên quen thuộc với người Việt.

Ở chiều ngược lại, các tác giả Việt Nam đã có những ảnh hưởng như thế nào đối với nền văn học Trung Quốc?

- PGS.TS Dương Tuấn Anh: Tuy không nhiều, nhưng chúng ta có thể thấy rõ sự ảnh hưởng này từ rất sớm, ngay từ thời kỳ Bắc thuộc. Một trong những người Việt Nam đầu tiên đỗ Tiến sĩ tại Trung Quốc là ông Liêu Hữu Phương – được nhiều sử sách Trung Quốc nhắc tới như một người tài năng và nghĩa khí, có mối quan hệ gắn bó với học giả hàng đầu Trung Hoa thời bấy giờ, Liễu Tông Nguyên. Liêu Hữu Phương cũng là người Việt duy nhất có thơ trong tập "Toàn Đường thi" – quy tụ những áng thi ca nổi tiếng nhất thời Đường của văn học nước này.

Một danh nhân khác là Khương Công Phụ - ông đỗ Tiến sĩ và sau đó trở thành Đồng trung thư môn hạ bình chương sự dưới triều Đường Đức Tông, là trường hợp duy nhất trong lịch sử Việt Nam giữ chức vụ tương đương tể tướng thời nhà Đường. Ông để lại nhiều tác phẩm chữ Hán giá trị như "Bạch vân chiếu xuân hải phú văn"; "Đối trực ngôn cực gián sách"… Có thể thấy, ngay khi mới tiếp xúc với văn học Trung Hoa, người Việt Nam đã có những học hỏi, sáng tạo riêng cho mình.

Sang tới thời kỳ phong kiến tự chủ, người Việt Nam vẫn có những giao lưu văn học với người Trung Quốc, đặc biệt ở bộ phận "thơ đi sứ" (thơ do các sứ thần sáng tác). Sự hiểu nhau giữa hai dân tộc ngày một thông suốt hơn qua những tác phẩm của họ, người Trung Quốc ngày càng đánh giá cao tài năng của người Việt.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng rất quan tâm tới văn chương Việt Nam hiện đại. Năm 2019, ở Trung Quốc, dịch giả Hạ Lộ (PGS.TS, Giảng viên Đại học Bắc Kinh) đã dịch cuốn "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh và làm dậy sóng văn học Trung Quốc thời điểm đó. Nhiều người thuộc giới nghiên cứu Trung Quốc bày tỏ sự kinh ngạc trước thành tựu cũng như tài năng của nhà văn Việt Nam sau khi đọc cuốn sách này.

Tôi tin, trong tương lai, sẽ còn nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang ngôn ngữ Trung Quốc, để những người Trung Quốc hiểu hơn về tâm hồn, tính cách cũng như tài năng của con người Việt.

PGS.TS Dương Tuấn Anh: "Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc say mê văn học Việt Nam" - Ảnh 2.

PGS.TS Dương Tuấn Anh từng có hai năm thỉnh giảng tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc). (Ảnh: NVCC)

Hàng trăm nghiên cứu của các học giả Trung Quốc về "Truyện Kiều"

Có thể nói, "Truyện Kiều" (1820) vẫn là tác phẩm đỉnh cao, điển hình cho sự giao thoa, kết nối giữa văn chương Trung Quốc và văn chương Việt Nam, chứa đựng những màu sắc văn hoá đặc trưng của cả hai dân tộc. Một nghiên cứu của ông từng khẳng định, cho tới tận thời điểm này, tác phẩm vẫn có chỗ đứng tại đời sống văn chương của cả hai quốc gia?

- PGS.TS Dương Tuấn Anh: Đúng vậy! Mượn cốt  truyện "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng đại thi hào Nguyễn Du đã sáng tạo nên một "Truyện Kiều" đầy hấp dẫn, ở đó, ông đã thổi vào hơi thở của dân tộc, xúc cảm của thời đại.

Một ví dụ rất nhỏ thôi, đó là tạo hình của nhân vật Kim Trọng. Trong truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, ở buổi lễ thanh minh, Kim Trọng mặc trang phục "thải sắc" (nhiều màu), thế nhưng khi vào Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Du đã "thay áo" cho nhân vật này, mặc cho anh một chiếc áo màu xanh. Vậy hai chiếc áo ấy có ý nghĩa gì? 

Chiếc áo do Thanh Tâm Tài Nhân tả thể hiện một nhân vật sinh ra trong gia đình giàu có, phong lưu, còn chiếc áo của Nguyễn Du lại khắc hoạ một anh chàng trẻ trung, thư sinh, với đầy cảm xúc thanh tân trong tình yêu đôi lứa. Có thể thấy, đại thi hào Nguyễn Du đã đưa vào "Truyện Kiều" những thông điệp, cảm xúc, khát vọng mang đậm chất Việt Nam, với việc sử dụng thể thơ lục bát, tạo nên một áng văn chương đầy giá trị.

Trước năm 2000, giới nghiên cứu Trung Quốc đã dành mối quan tâm không nhỏ cho "Truyện Kiều" cũng như tác giả Nguyễn Du, với hàng loạt nghiên cứu đề cập tới những đóng góp của ông. Trong hai mươi năm đầu thế kỉ XXI, các học giả vẫn có khoảng hơn một trăm công trình, bài viết nghiên cứu có liên quan đến Nguyễn Du và các trước tác của ông, với những nội dung tiếp cận phong phú. 

Những nghiên cứu này không chỉ giới thiệu Nguyễn Du tới bạn đọc Trung Quốc, mà còn là nguồn tư liệu hỗ trợ quan trọng cho việc nghiên cứu Nguyễn Du ở Việt Nam. Điều này cũng cho thấy sự tôn trọng rõ rệt của họ dành cho tác giả và tác phẩm.

PGS.TS Dương Tuấn Anh: "Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc say mê văn học Việt Nam" - Ảnh 3.

Cuốn sách "Truyện Kiều: Nghiên cứu và dịch thuật" của GS. Triệu Ngọc Lan (nhà nghiên cứu Trung Quốc), được chuyển ngữ sang tiếng Việt sau đó. (Ảnh: NĐ)

Làm việc với nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc trong thời gian dài, ông có thể cho biết sự đánh giá của họ đối với văn học Việt Nam?

- PGS.TS Dương Tuấn Anh: Do đặc thù công việc, những người Trung Quốc tôi gặp hầu hết có biết và có nghiên cứu văn chương Việt Nam, thậm chí có những người si mê văn học Việt Nam, như dịch giả Hạ Lộ chẳng hạn. Một số giảng viên khác tại Đại học Bắc Kinh cũng rất yêu văn học Việt Nam, bởi với họ tiếng Việt rất hay và đẹp, khi cất lên có nhạc tính.

Một điều đáng nói nữa khiến nhiều người Trung Quốc mê tiếng Việt là bởi với tiếng Việt, họ có thể đọc lại những bài thơ Đường bằng âm gần tương tự thời kỳ nhà Đường, có vần điệu rõ ràng. Lý do là bởi tiếng Trung Quốc thời kỳ nhà Đường có 6 thanh điệu, còn tiếng Hán hiện đại thì lại có nhiều cải biến, không còn đủ 6 thanh điệu nữa.

Không ít nhân vật trong văn học Trung Quốc đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam, có thể kể tới những anh hùng trong "Tam Quốc chí" như Lưu Bị, Quan Vân Trường, trong "Thuỷ hử" như Võ Tòng, Lâm Xung, hay gần hơn cả là những nhân vật trong kiếm hiệp như Bắc Kiều Phong, Quách Tĩnh… (truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung). Phải chăng sự gần gũi về tâm hồn, tình cảm đã khiến họ thấy gần gũi và ngưỡng mộ những hình tượng nhân vật như vậy?

- PGS.TS Dương Tuấn Anh: Hãy nghĩ tới một mức độ cao hơn, đó chính là chủ nghĩa anh hùng. Chủ nghĩa anh hùng không chỉ có ở người Trung Quốc, mà còn xuất hiện tại rất nhiều dân tộc khác. Với người Việt Nam, một dân tộc có truyền thống chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai, chủ nghĩa anh hùng càng được thể hiện rõ nét. Cũng bởi vậy, khi bắt gặp chủ nghĩa anh hùng trong các tác phẩm văn học Trung Quốc, người Việt dễ nhận thấy điểm chung, và qua đó thích thú, ngưỡng mộ những nhân vật này. Tôi cho đây là điều dễ hiểu.

Những năm gần đây, nhiều dòng văn học hiện đại tại Trung Quốc đã du nhập vào Việt Nam như các thể loại tiên hiệp, ngôn tình, đô thị… Không ít người lo ngại, những thể loại này cũng sẽ mang tới một số ảnh hưởng tiêu cực cho độc giả trẻ về mặt nội dung. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

- PGS.TS Dương Tuấn Anh: Ngay tại Trung Quốc, những nghiên cứu về dòng truyện tiên hiệp, ngôn tình cũng không nhiều, bởi họ cho rằng đây là bộ phận văn học "fastfood", không phải không có giá trị nhưng không phục vụ nhiều cho học thuật.

Tuy nhiên, tôi cho rằng mỗi thể loại tác phẩm có giá trị riêng. Với tiên hiệp, tôi đọc được khát vọng vươn lên, biến hoá và thay đổi của họ. Đó cũng là khát vọng của cả dân tộc Trung Quốc. Mong ước "tu tiên - thành tiên" chẳng phải cũng là quá trình thay da đổi thịt, biến thành một phiên bản tốt đẹp hơn, tự do và mạnh mẽ hơn đó sao?

Nhắc tới câu chuyện này, tôi cũng nhớ tới giai đoạn những năm 2000, khi trào lưu văn học Linglei (lánh loại) ra đời, mở đầu với các tác phẩm của nhà văn nữ Vệ Tuệ như Tiếng kêu của bươm bướm, Khẩu súng dục vọng… Các tác phẩm này lúc đó không được chấp nhận trên văn đàn Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó, bộ phận văn học này du nhập vào Việt Nam và thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả. Khi thấy người Việt Nam nghiên cứu chúng, người Trung Quốc bắt đầu cũng có cái nhìn cởi mở hơn với loại hình văn học này. Đó cũng là một ví dụ tiêu biểu cho sự ảnh hưởng văn hoá – văn chương giữa hai quốc gia.

Theo tôi, với văn hoá đọc, chúng ta không nên quá khắt khe, mà nên có cái nhìn cởi mở. Văn học cũng hướng tới nhiều giá trị khác nhau, trong đó có giá trị giải phóng con người, đáp ứng những khao khát của con người, miễn là chúng không bị biến thể một cách xấu xí.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem