PGS.TS. Phạm Thế Anh: "Không ngăn sông cấm chợ" kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi rất mạnh
Chiều 20/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức tọa đàm "Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý III năm 2021".
2 động lực tăng trưởng GDP quý IV/2021
Chia sẻ tại Tọa đàm PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, tình trạng đứt đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với giá năng lượng tăng cao đang đe dọa sự phục hồi sản xuất của nhiều quốc gia trên thế giới.
Rủi ro lạm phát tại một vài nền kinh tế lớn như Mỹ và Châu Âu tiếp tục tích lũy trong thời gian tới do giá cả hàng hóa và nguyên vật liệu tăng.
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III/2021 âm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, do tác động nặng nề của các biện pháp phong tỏa trong đợt dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ 4. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Trong đó, các khu vực như công nghiệp, dịch vụ đều ghi nhận mức tăng trưởng âm, ngoại trừ khu vực nông nghiệp. Tuy nhiên mức tăng trưởng 1,04% của ngành nông nghiệp cũng chỉ bằng ¼ của cùng kỳ năm ngoái.
TS Phạm Thế Anh cho rằng, từ con số của quý III có thể thấy nền kinh tế đang suy giảm rất nghiêm trọng. Hơn nữa, Việt Nam đang có sức ép lớn từ việc các doanh nghiệp FDI tạm thời chuyển một số đơn hàng sang quốc gia thứ 3, do không đáp ứng được tiến độ sản xuất trong nước. Có thể đây là động thái tạm thời nhưng có thể là lâu dài nếu chúng ta không thay đổi các biện pháp chống dịch phù hợp, không đảm bảo được lưu thông hàng hóa, không đảm bảo được sản xuất trong nước – theo vị chuyên gia này.
"Do đó, Việt Nam không thể đưa ra các biện pháp chống dịch cực đoan được nữa mà cần phải có những thay đổi, đặc biệt là những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao, những tỉnh thành phố có tỷ lệ tiêm mũi 1 trên 90% và mũi 2 vài chục phần trăm, chúng ta cần đảm bảo tuyệt đối đối với sản xuất và lưu thông hàng hóa. Không thể đóng cửa giống như quý III. Triển vọng tăng trưởng phụ thuộc rất lớn vào chiến lược ứng xử với đại dịch trong thời gian tới. Chỉ cần chúng ta không làm đứt gãy lưu thông hàng hóa, đứt gãy sản xuất sự hồi phục kinh tế sẽ rất mạnh mẽ", TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Đề cập về các động lực tăng trưởng của quý IV/2021, vị chuyên gia này cho rằng có 2 động lực chính có thể giúp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý này sáng hơn nhiều so với quy III đó là xuất khẩu và đầu tư công.
Vị này phân tích, ngoài việc hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn FDI, Việt Nam hiện nay còn hưởng lợi từ các chính sách kích cầu, sự hồi phục của nền kinh tế thế giới, trong đó có các đối tác lớn xuất khẩu của Việt Nam trên thế giới.
"Sự hồi phục của kinh tế Việt Nam sẽ rất mạnh nếu như trong nước đảm bảo "không ngăn sông cấm chợ" như quý III, các ngành sản xuất của Việt Nam phục vụ xuất khẩu sẽ thúc đẩy tăng trưởng", ông Phạm Thế Anh nói.
Về đầu tư công, giải ngân đầu tư công trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng hơn 40% so với kế hoạch, như vậy nếu Chính phủ tập trung thúc đẩy đầu tư công sẽ giúp cho tăng trưởng kinh tế tươi sáng.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, Chính phủ cần tập trung vào các dự án mang tính trọng điểm quốc gia, các dự án cơ hạ tầng vì điều này không chỉ giúp cho tăng trưởng của nền kinh tế trong ngắn hạn mà còn tác động trong dài hạn.
Kịch bản tốt, tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,5%
Về dự báo tăng trưởng cả năm, căn cứ với những gì đang diễn ra, ông Thế Anh đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng.
Trong kịch bản xấu, tức là khi dịch bệnh có nguy cơ tái bùng phát và những chỉ đạo "đóng mở" cứ lặp đi lặp lại ở nhiều nơi khi xuất hiện những ca nhiễm mới, ảnh hưởng đến sản xuất và lưu thông hàng hóa. Cùng với đó, việc một số đơn hàng của các FDI tiếp tục rút ra khỏi Việt Nam; đầu tư công chậm. Khi nền kinh tế hồi phục xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động do người lao động còn bất an,chưa muốn quay trở lại sản xuất và chi phí sản xuất còn tăng cao trong nhiều ngày,… Trong điều kiện này, tăng trưởng GDP chỉ vào khoảng 1 – 1,5% năm 2021.
Kịch bản tốt, tăng trưởng GDP sẽ rơi vào khoảng 2 – 2,5%. Điều kiện là, Việt Nam thống nhất được những biện pháp thích ứng với bệnh dịch. Nghị quyết 128 của Chính phủ được triển khai thống nhất tại các địa phương, các địa phương không áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cao hơn Nghị quyết 128. Sản xuất và lưu thông hàng hóa được đảm bảo, trên nền tảng đó các hoạt động sản xuất ngày càng tốt lên. Đồng thời, việc tiêm chủng vaccine hoàn thành trong đầu quý IV/2021.
Theo dự báo trước đây của VEPR, tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt được 4,8%, với điều kiện khống chế được dịch bệnh hoàn toàn vào quý III/2021, và sản xuất tăng trưởng trở lại trong quý IV/2021. Tuy nhiên, đến nay giả thuyết này đã không xảy ra.