'Phác họa' hành trình sạch nợ VAMC của 10 nhà băng Việt

30/12/2019 08:36 GMT+7
Trong khi Vietcombank không quá "vất vả" trong hành trình làm sạch nợ tại VAMC thì các ngân hàng khác đa phần ngốn thời gian dài cùng nguồn lực lớn, trong đó "vất vả" nhất phải kể đến Agribank.

Cuối năm 2019, liên tiếp xuất hiện ngân hàng tuyên bố sạch nợ tại VAMC. Gần đây nhất là trường hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

"Đến nay, kết quả thu hồi và xử lý nợ xấu của Agribank đạt gần 110.000 tỷ đồng. Agribank đã mua lại trước hạn toàn bộ các khoản nợ đã bán từ VAMC", thông cáo phát đi trong tuần trọn vẹn cuối cùng của năm 2019 từ Agribank cho biết.

Trước đó không lâu, VPBank và Kienlongbank cũng thông báo đã sạch nợ tại VAMC, tiếp bước những ngân hàng khác như Vietcombank, MB, Techcombank, VIB, OCB, TPBank, NamABank.

Trong số 10 ngân hàng đã sạch nợ tại VAMC kể trên, Agribank có lẽ là trường hợp "vất vả" nhất xét trên khối lượng xử lý nợ xấu.

'Phác họa' hành trình sạch nợ VAMC của 10 nhà băng Việt - Ảnh 1.

Riêng nợ xấu tại VAMC, năm 2014 - năm thứ hai sau khi VAMC chính thức được thành lập (27/6/2013), lượng nợ xấu chưa dự phòng tại VAMC của Agribank lên đến gần 24.000 tỷ đồng.

Thời điểm đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngân hàng này là 5,02%, nhưng nếu tính thêm nợ xấu tại VAMC, con số lên đến 8,92%.

Nhưng năm 2014 chưa phải là cao điểm. Năm 2015, lượng nợ xấu chưa dự phòng tại VAMC của Agribank lên đến gần 40.000 tỷ đồng. Vì lẽ đó, mặc dù trên sổ sách, Agribank vẫn ghi nhận tỷ lệ nợ xấu rất đẹp so với năm trước đó, chỉ 2,72%, nhưng nếu tính cả nợ xấu tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu lên đến 8,51%.

Mức chênh giữa tỷ lệ nợ xấu 8,92% của năm 2014 so với tỷ lệ nợ xấu 8,51% của năm 2015 rõ ràng là thấp, chỉ chưa đầy 0,5 điểm%, nhưng điều đó không có nghĩa rằng Agribank không quyết liệt xử lý nợ xấu.

Tính toán của VietnamFinance cho thấy, ngân hàng này đã dùng ít nhất 14.500 tỷ đồng dự phòng để xóa nợ.

Mặc dù năm 2016, hoạt động xóa nợ có phần trùng xuống nhưng đến năm 2017 và năm 2018, lượng nợ được xóa bằng nguồn dự phòng đặc biệt cao, tổng cộng hai năm ít nhất khoảng trên 40.000 tỷ đồng.

Nhờ vậy, nợ xấu tại VAMC giảm mạnh và sạch nợ trong quý IV/2019 như Agribank công bố. Tỷ lệ nợ xấu (cả nội bảng và ngoại bảng tại VAMC) giảm nhanh từ mức 6,33% năm 2016 xuống 4,11% năm 2017, rồi xuống chỉ còn vỏn vẹn 1,83% cuối năm 2018. Số liệu cuối tháng 6/2019, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 1,63%, khá thấp trong hệ thống ngân hàng.

Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ nợ xấu được nâng lên cỡ 90% thời điểm cuối tháng 6/2019, mức cao trong hệ thống, cho thấy tỷ lệ nợ xấu thấp của Agribank là số liệu thực chất, thay vì như một số ngân hàng khác: hy sinh "bộ đệm" xử lý rủi ro nợ xấu (thể hiện quả tỷ lệ bao phủ nợ xấu) để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức thấp.

Khác với Agribank, một ngân hàng quốc doanh khác là Vietcombank sạch nợ VAMC từ khá sớm: năm 2016.

Dữ liệu cho thấy, ngân hàng này không phải quá "vất vả" trong việc xử lý nợ xấu do quy mô nợ xấu không lớn. Tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nội bảng và ngoại bảng tại VAMC) cao nhất vào năm 2013 - năm đầu tiên ngân hàng này "gửi nợ" cho VAMC - nhưng cũng chỉ nhỉnh hơn 3% một chút (cụ thể là 3,05%).

Sang năm 2014 và năm 2015, mặc dù gửi nhiều nợ hơn sang VAMC nhưng tính ra, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nội bảng và ngoại bảng tại VAMC) vẫn dưới ngưỡng quy định 3% của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh Vietcombank, MB cũng là trường hợp xử lý dứt điểm nợ xấu tại VAMC khá nhanh chóng khi kết thúc "nhiệm vụ" vào năm 2017.

Tuy nhiên, nguồn lực bỏ ra để xử lý nợ xấu cũng không ít, bởi năm 2014, nếu tính cả nợ xấu tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu của MB lên đến 5,68%. Tốn kém nguồn lực để xử lý nợ xấu cũng chính là lý do khiến lợi nhuận của MB giai đoạn 2013 - 2016 của MB chỉ tăng bình quân 4,4%/năm.

Từ năm 2017 và đặc biệt là năm 2018, khi vấn đề nợ xấu đã được giải quyết dứt điểm, lợi nhuận của ngân hàng này đã tăng rất mạnh, lên đến 26% năm 2017 và 68% năm 2018. Năm 2019, tăng trưởng lợi nhuận dự kiến khoảng từ 25 - 30%.

Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của MB luôn giữ ở mức khoảng 100%, thuộc hàng cao nhất hệ thống ngân hàng, cho thấy ngân hàng này rất kiên định trong việc "phòng thủ" trước rủi ro nợ xấu.

'Phác họa' hành trình sạch nợ VAMC của 10 nhà băng Việt - Ảnh 3.

Agribank đã dùng nguồn lực rất lớn để làm sạch nợ xấu tại VAMC cũng như xử lý gọn ghẽ nợ xấu tồn đọng suốt nhiều năm

Trường hợp của Techcombank khá tương đồng với MB khi cũng hoàn thành tất toán nợ tại VAMC trong năm 2017 và đưa tỷ lệ nợ xấu về mức khá thấp dù rằng sau đó có xu hướng gia tăng, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu dẫu hiện nay khá cao nhưng cũng không thuộc top đầu như MB.

Trong nhóm các ngân hàng lớn, VPBank là ngân hàng thứ 4 về đích sạch nợ VAMC. Thông báo được ngân hàng này đưa ra vào hạ tuần tháng 12/2019, chỉ trước Agribank vài ngày.

Nhìn lại, xét riêng ngân hàng mẹ (do kết quả hợp nhất chịu ảnh hưởng rất lớn bởi số liệu của FE Credit), VPBank đã bắt đầu gửi nợ sang VAMC từ năm 2013 và suốt từ đó cho đến hết năm 2018, tỷ lệ nợ xấu bao gồm cả nợ xấu tại VAMC luôn ở mức trên 3%, thậm chí luốn trên 4% nếu xét giai đoạn 2014 - 2018.

Số dư nợ xấu chưa dự phòng tại VAMC giai đoạn 2014 - 2017 luôn ở mức trên 3.000 tỷ đồng. Năm 2018, số dư này vẫn ở mức cao, trên 2.300 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 9/2019, số dư chỉ còn 118 tỷ đồng và VPBank dễ dàng tất toán trong phần còn lại của năm.

Dù vậy, vẫn cần lưu ý rằng tỷ lệ nợ xấu của VPBank dù đã dưới ngưỡng 3% nhưng vẫn khá cao, cuối tháng 9/2019 ở mức 2,97%, cùng với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ ở mức trung bình (54% cùng thời điểm), cho thấy ngân hàng này vẫn còn áp lực xử lý nợ xấu tồn đọng.

Tựu chung, trong nhóm các ngân hàng lớn, chỉ còn VietinBank và BIDV là chưa xử lý xong nợ xấu tại VAMC.

Ở phía các ngân hàng nhỏ hơn, VIB và OCB là hai ngân hàng sạch nợ tại VAMC vào năm 2018. Trong khi TPBank, Kienlongbank và NamABank được điền vào danh sách trong năm 2019.

Trong số các ngân hàng trên, VIB là trường hợp áp lực hơn cả. Số dư nợ chưa dự phòng tại VAMC của ngân hàng này có thời điểm lên đến trên 3.000 tỷ đồng (năm 2015), rất cao đối với một ngân hàng cỡ nhỏ. Năm 2014, số dư này cũng là đến trên 2.000 tỷ đồng.

Do đó, năm 2014 và năm 2015 cũng là năm VIB ghi nhận tỷ lệ nợ xấu (cả nội bảng và ngoại bảng tại VAMC) rất cao, lần lượt 7,74% và 8,13%.

Tuy nhiên, nhờ "trường kỳ kháng chiến" với việc trích lập cũng như xóa nợ khá mạnh tay ngay từ những năm đầu gửi nợ sang VAMC, tỷ lệ nợ xấu của VIB đã giảm dần xuống còn 5,52% vào năm 2016, 3,49% vào năm 2017, 2,52% vào năm 2018 và 2,04% vào cuối tháng 9/2019. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu sau thời gian dài ở mức thấp, đã nâng lên mức trung bình (50%) vào cuối tháng 9/2019.

Năm 2020 hoặc thậm chí ngay trong năm 2019, dự kiến sẽ có nhiều nhà băng tiếp tục công bố sạch nợ tại VAMC, bởi số liệu từ báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cho thấy, lượng nợ xấu chưa dự phòng tại VAMC chỉ còn rất ít và nếu tính cả nợ xấu tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu đã xuống dưới ngưỡng 3%, thậm chí xuống rất sâu như trường hợp của ACB.

Minh Tâm/Vietnamfinance
Cùng chuyên mục