VPBank lãi trước thuế 4.300 tỷ, nợ xấu tại VAMC giảm quá nửa
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động 6 tháng đầu năm đạt 16.832 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.343 tỷ đồng. Nếu không tính khoản thu nhập bất thường từ hợp đồng hợp tác bảo hiểm được ghi nhận vào 6 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của VPBank trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng 23,3% và 23,4% so với cùng kỳ.
Nếu tính riêng kết quả quý II thì doanh thu và lợi nhuận của VPBank đã tăng 11,4% và 43,6% so với quý I năm nay, lần lượt đạt 8.869 tỷ đồng và 2.560 tỷ đồng.
Thu nhập từ lãi thuần vẫn là nguồn doanh thu chính của ngân hàng hợp nhất trong 6 tháng đầu năm, đạt 14.451 tỷ đồng, với sự đóng góp tích cực từ các phân khúc kinh doanh chiến lược như bán lẻ, tài chính tiêu dùng và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng hợp nhất đạt gần 1.234 tỷ đồng, tăng 104,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Riêng trong quý II, tín dụng đem về 7.426 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 20% cho nhà băng này. Trong khi đó, mảng dịch vụ đem về 712 tỷ đồng lãi thuần, gấp 2,3 lần mức thực hiện quý II/2018.
Trong kỳ, hoạt động ngoại hối ghi nhận khoản lỗ 36 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 33 tỷ. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng giảm tới 46% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro cao cũng là phần nguyên nhân căn bản kéo lợi nhuận của VPBank nửa đầu năm giảm nhẹ so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro kỳ này của VPBank là 6.470 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước chỉ 5.446 tỷ, tương ứng tăng gần 19% so với cùng kỳ.
Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của VPBank đạt 348.732 tỷ đồng, tăng 7,9% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay ở mức 247.632 tỷ đồng, tăng 11,6%. Dư nợ cho vay trung và dài hạn tiếp tục chiếm ưu thế với tỷ trọng lên đến 65%.
Trong danh mục tài sản nhận thế chấp của ngân hàng với tổng giá trị 605.789 tỷ đồng thì nhóm bất động sản chiếm tỷ lệ lớn nhất với 236.769 tỷ đồng, chiếm 39%. Tỷ lệ cho vay trên tổng giá trị tài sản thế chấp nói chung là gần 41%.
Nợ xấu nội bảng của VPBank ở mức 8.491 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu hợp nhất 3,4%. Lượng nợ xấu chưa xử lý tại VAMC giảm đáng kể trong 6 tháng qua, từ mức 2.371 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 1.113 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của VPBank đến hết ngày 30/6/2019 ở mức 38.208 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng ở mức 197.362 tỷ đồng, tăng 15,5%.
Ngoài các khoản đầu tư vào công ty con, VPBank còn góp vốn đầu tư vào một số tổ chức kinh tế khác với tổng vốn đầu tư tính đến cuối tháng 6 là hơn 227 tỷ đồng. Những công ty được VPBank góp vốn như: CTCP Vận tải ITRACO, CTCP Đồng Xuân, CTCP Đào tại và Tư vấn Ngân hàng, CTCP Thông tin tín dụng (TBC), CTCP Cảng Sài Gòn (185 tỷ đồng) và TCP Bảo hiểm OPES (33 tỷ đồng).
Trong kỳ, mặc dù giảm nhẹ số lượng nhân viên hơn 300 người nhưng chi phí lương và phụ cấp bình quân tháng của nhân viên VPBank vẫn tăng trưởng từ mức 17 triệu đồng lên 20 triệu đồng/người/tháng.
Ngân hàng hiện có hai công ty con là VPBank AMC với vốn điều lệ 117 tỷ đồng và FE Credit với vốn điều lệ 7.328 tỷ đồng.